Theo dõi trên

Tà Cú – đôi điều suy ngẫm

28/03/2018, 08:32

BT- Được xem là điểm nhấn trong bản đồ du lịch Bình Thuận, núi Tà Cú hàng năm thu hút hàng nghìn lượt du khách tham quan, phật tử hành hương lên chùa. Với những người một lần đặt chân đến Tà Cú thì cảm giác ngồi cáp treo nhìn cánh rừng già hay thấy mình nhỏ nhoi bên tượng Phật Thích ca nhập Niết bàn lớn nhất châu Á sẽ lưu mãi trong ký ức. Nhưng với người thường xuyên đến Tà Cú, coi nơi đây như một chốn linh thiêng tìm đến những lúc muộn phiền thì còn đó nhiều điều suy ngẫm…

                
      
   Sau nhiều năm xây dựng, công trình tu bổ,    tôn tạo chùa Núi Tà Cú vẫn ở giai đoạn xây dựng phần thô.

1. Có thể nói, khoảng 2 năm nay khuôn viên, cảnh quan khu du lịch dưới chân núi Tà Cú đã được đầu tư nhiều, xây dựng khang trang hơn. Ngay từ cổng khu du lịch, du khách đã thấy được sự chuyên nghiệp của nhân viên bán vé. Khách đi một hai người thì bán vé phổ thông còn đi theo đoàn sẽ được hướng dẫn sang phòng bên cạnh để hưởng dịch vụ của khách hành hương. Dù dịch vụ khuyến mãi không lớn, chỉ là miễn phí vé cho người tạm gọi là dẫn đoàn nhưng mọi người vẫn vui. Bên trong, khu du lịch TTC Word - Tà Cú vẫn giữ được màu xanh, tạo được thiện cảm cho du khách. Vẫn khung kiến trúc cũ, nhưng hai bên đường đã được trồng thêm nhiều cây xanh. Thấp thoáng sau những hàng cây, cạnh ao nước là vườn hồng hạc vừa được xây dựng cách đây không lâu. Đường dẫn lên khu cáp treo cũng được tu bổ, trồng thêm cây xanh, đã không còn cảnh nắng lóa mắt như trước đây.  Khu du lịch TTC Word - Tà Cú cũng bổ sung thêm hệ thống xe điện đưa du khách từ cổng lên nhà ga đi cáp treo, không còn cảnh rã chân đi bộ như trước. Ngay lối lên nhà ga, các quầy bán hàng lưu niệm được bố trí bài bản, ngăn nắp. Du khách muốn có vật kỷ niệm thì ghé vào, còn không ngắm chút rồi đi, người bán cũng không chạy ra chèo kéo. Ngay đường dẫn lên nhà ga, công trình thác nước, hồ nước và mô hình chữ Tà Cú mới được xây dựng tạo ra một điểm nhấn mới, một nơi để chụp những khung hình kỷ niệm. Nếu bạn là người đến Tà Cú cách đây 5 năm và hôm nay quay lại chắc chắn sẽ có ấn tượng mạnh về sự thay đổi ở chân núi Tà Cú…

2. Trái ngược với sự thay đổi chóng mặt dưới chân núi, đường dẫn lên chùa Núi Tà Cú và khung cảnh gần như không có gì thay đổi ngoài tượng Phật Di Lặc mới được tạc trên lối dẫn lên tượng Phật Thích ca nhập Niết bàn. Vẫn cổng Tam quan còn xây dang dở, vẫn những hạng mục tiểu cảnh còn chưa hoàn thiện. Cách đây 8 năm tôi đặt chân đến chùa Núi Tà Cú lần đầu tiên và nay sau nhiều lần lui tới mà công trình tu bổ, tôn tạo vẫn chưa hoàn thành. Công trình tu bổ chùa Núi Tà Cú từ lúc khởi công đến nay có lẽ đã hơn 10 năm nhưng phần xây dựng cơ bản vẫn chưa hoàn tất. Hôm chúng tôi đến chùa Núi Tà Cú thì chỉ vài thợ đang hoàn thiện phần mái của gian Chính điện. Vì thời gian xây dựng quá lâu dẫn đến nơi đặt tạm các tượng phật trong chùa Linh Sơn Trường Thọ bắt đầu xuống cấp. 7 ban thờ được đặt trong không gian vỏn vẹn vài chục mét vuông khiến những du khách, phật tử không khỏi chạnh lòng. Ngay trước nơi đặt tạm tượng phật là những hàng ghế đá cũ, tấm bảng kêu gọi phật tử công đức đóng góp kinh phí tu bổ chùa cũng bạc theo năm tháng. Rồi hàng quán bán nước giải khát cho du khách với bàn ghế, chén bát khiến khung cảnh trở nên nhếch nhác. Dưới chân tượng Phật Thích ca nhập Niết bàn, dưới những tán cây rừng là từng tốp du khách trải bạt dùng tạm bữa trưa. Một câu hỏi bất chợt hiện ra, tại sao không tạo những chỗ dừng chân cho du khách xa tượng Phật một chút để họ có thể ăn cơm, ngồi nghỉ mà không ảnh hưởng đến mỹ quan, vừa dễ thu gom rác thải…

Nếu không có chùa Núi Tà Cú, nếu không có tượng Phật Thích ca nhập Niết bàn thì có lẽ du khách cũng không đến núi Tà Cú du lịch, hành hương. Nhưng đến nay, những thắng tích này vẫn chưa được xây dựng quy mô, xứng tầm với giá trị lịch sử, văn hóa và vị trí của núi Tà Cú trên bản đồ du lịch Bình Thuận. Và có lẽ, người dân, du khách, phật tử phải “chờ thêm một vài năm nữa” mới có thể ngắm nhìn diện mạo mới của Tà Cú…

NguyỄn Luân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tà Cú – đôi điều suy ngẫm