Theo dõi trên

Tác giả và tác phẩm: “Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu?”

04/11/2016, 10:12

BT - Thơ cốt thật và hay. Thơ Huyền Thư đạt được cả hai điều này nên tôi không ngạc nhiên khi biết Ban Giám khảo của Trung tâm viết văn Đại học Victoria trao giải xuất sắc cho bài thơ “Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu?” vào ngày 26/8/2016 vừa qua. Tôi kiểm tra lại đồng hồ, tính ra tại thủ đô Wellington (New Zealand) lúc này đang là buổi sáng nên tôi nối kết máy trò chuyện với nhà thơ trẻ này.

Huyền Thư tên thật là Tăng Thị Huyền Anh (ảnh), quê quán Đông Hưng, Thái Bình. Thơ Huyền Thư khiến con người biết vực dậy từ khổ đau, với sự góp phần vào những giá trị nhân văn như vậy nên tác giả thơ trẻ này nhanh chóng được nhiều người trong giới, cả trong và ngoài nước nhanh chóng đón nhận.

         

Chào Huyền Thư! Nghe tin Huyền Thư vừa được giải Nationnal schools poetry competition, tác giả có thể nói thêm về mình và cơ duyên nào đã đến với thơ!? Và để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của độc giả văn nghệ: Vì sao một người trẻ ở nước ngoài lại có thể có miền ký ức sâu đậm về nông thôn Việt Nam đến vậy?

Huyền Thư: Dạ cháu viết để thỏa nỗi nhớ quê hương, gia đình thôi ạ! Mọi thành quả cháu gặt hái đến giờ phút này đều là không ngờ tới. Cháu sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn Thái Bình. Mọi ký ức tuổi thơ đều gắn liền với làng quê nên trong nỗi nhớ luôn hiển hiện những ngày xưa cũ. Cháu đi New Zealand năm 13 tuổi ạ. Hiện cháu sống với bác cháu ở Wellington. Cháu đang nghỉ hè. Sắp tới cháu học năm nhất khoa Quy hoạch đô thị ở Đại học Auckland.

Huyền Thư này, thơ mới hay cũ cốt hay là được, Huyền Thư đã làm được điều mà nhiều người "cày hùng hục" trên trang viết vẫn không thể. Điều đó lý giải thêm ngoài khả năng thiên phú, về nội tâm của tác giả chắc có gì đó rất trĩu nặng và đặc biệt?

- Cháu sống hơi nặng và thiên về tình cảm. Mọi thứ tình cảm đều đáng trân trọng. Cháu yêu những nơi cháu đã đi qua, vậy thì không có lý do gì cháu lại không thực sự yêu mến và nặng lòng với gia đình, quê hương, đất nước mình cả chú ạ.

Nhạy cảm và sâu sắc, thơ Huyền Thư là vậy, ngoài ra nó còn độc đáo về ngôn ngữ hình ảnh và nhất là nhạc điệu, nhịp điệu. Văn hóa gia đình có ảnh hưởng nhiều đến tác giả không? Hoặc giả một ai đó đã gắn bó và để lại dấu ấn sâu đậm nơi tác giả?

- Dạ cháu lớn lên và cảm nhận được mọi tình cảm của gia đình, của làng quê dành cho mình. Đó là cảm hứng đầu tiên của cháu. Bố mẹ cháu kinh doanh nho nhỏ và tham gia công tác xã hội ở địa phương. Bố mẹ cháu cũng là nông dân như những người con quê lúa khác. Nghề nghiệp của bố mẹ thì không liên quan gì đến thơ ca ạ, chỉ ông nội cháu, ông là nhà giáo, ngày cháu còn bé có đọc được một hai bài thơ ông viết và được in trong tuyển tập thơ của huyện, cũng lâu rồi ạ. Ông cũng qua đời rồi.

Dấu ấn quê hương rất sâu nặng trong thơ Huyền Thư, hình như có gì đó về quê hương làm cho Huyền Thư đau đáu?

- Quê cháu còn nghèo lắm, cháu chỉ ước có thể làm gì đó giúp đỡ cho quê hương, những con người và vùng đất còn khó khăn của đất nước mình thôi chú ạ.

"…Của dấu chân đi trên nền chiều muộn/ Nơi cành khô mọc suốt lối tâm hồn". Đây là giai đoạn nào của tác giả hay chỉ là sự hóa thân, chia sẻ? Hình như có một giai đoạn tâm hồn cháu ngập tràn đớn đau?

- Trong quá trình trưởng thành còn nhiều điều bỡ ngỡ ạ! Khó khăn cũng làm con người ta khôn lớn hơn. Ai cũng trải qua khó khăn cả ạ, cháu viết thơ cũng coi như để cân bằng giữa nỗi nhớ và cuộc sống thực tại, cũng không có nỗi đau nào sâu sắc cả ạ. Cháu viết ra những điều cháu thấy và cảm nhận, đôi khi đó là mình nhưng đôi khi đó lại là của một câu chuyện cháu chứng kiến.

Bài thơ đầu tay của Huyền Thư là bài nào? Viết lúc bao nhiêu tuổi?

- Cháu viết năm 16 tuổi. Bài đầu tiên cháu cũng không nhớ lắm. Hồi đầu chắc cháu viết ngô nghê lắm. Thơ cháu cứ trưởng thành theo thời gian như quá trình cháu lớn lên vậy ạ. Cháu nghĩ vậy.

Người thân, nhất là cha mẹ, có ủng hộ việc đến với thơ của Huyền Thư không?

- Dạ lúc đầu ai cũng ngạc nhiên về việc cháu viết thơ đó ạ, vì cháu theo học hầu hết những môn tự nhiên. Tuy nhiên mọi người cũng không phản đối gì nặng nề, miễn cháu thấy vui và thoải mái với cuộc sống của mình.

Huyền Thư thường cập nhật thông tin về quê nhà không? Gần đây, Huyền Thư có bài về khúc ruột miền Trung?

- Dạ cũng thỉnh thoảng ạ. Dạ bài thơ đó là sau khi cháu xem video về lũ miền Trung không cầm lòng nổi nên viết ạ.

Còn một điều nữa thôi, Huyền Thư đến với cuộc thi thơ ấy như thế nào, tình cờ hay theo dự định?

- Dạ hoàn toàn tình cờ ạ. Bạn cháu rủ tham gia chứ cháu cũng không biết hay tìm hiểu trước đó.

Rất vui được trò chuyện với nhà thơ trẻ! Chúc Huyền Thư ngày càng lớn hơn và viết được nhiều thơ hay như trong câu thơ mong ước Huyền Thư đã tâm sự: Tôi - mỗi ngày đều đi tìm giá trị cuộc đời để học cách lớn lên/ Khi nhịp trái tim trở về sau những lạc loài ẩn trong lòng thành phố. 

Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài thơ đạt giải của Huyền Thư, vì trang báo có hạn nên chúng tôi không thể đăng bản tiếng Anh do Huyền Thư chuyển ngữ.

Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu?

Có biết những buổi xót lòng đôi mùa lũ sông

ngập đồng, lúa chết

Khói rạ chiều quê hun hao gầy mắt biếc

Có cậu bé nhà bên bắt bầy cá diếc

Bỏ tận đáy chum như sợ tuổi thơ đi mất cuối ngày

Về lại con đường đá sỏi mùa mưa bay

Theo tiếng sáo diều ra quá triền đê phía ngoài đầu xóm

Gặp bà cụ khuyết răng cười nguyên miệng móm

Đứng dựa gốc tre chờ mãi thằng con từ phố sắp về nhà

Nhớ rất nhiều là nhớ những ngày qua

Thiên lý nồng hương, chiều hạ buồn mắt bão

Lũ ve sầu được mùa sục sạo

Mừng khóm hòe gần độ biết đơm bông

Hàng cây năm ấy ông trồng

Đẻ những tán xòe, tán xanh trong lòng người ở lại

Có còn đâu thơ dại?

Đủ cho nỗi đau mùa cũ tự mọc mầm

Đứng trước bóng mình để dặn nỗi trầm ngâm:

“Đừng khóc!

Vì còn dấu chân cõng muôn vàn lời hứa”.

Học tiếng vỡ lòng từ quê hương lần nữa

Để biết yêu hơn một làng xưa, nắm đất, gia đình

Rồi nơi đâu đó thuộc về hình hài cũ

Người đã biết mình là trọn một sinh linh

Trong nỗi nhớ có hạt nắng bình minh

Có dấu gót giày về trên nền gạch mốc

Trong tiếng mở cửa về cọ diêm đốt thuốc

Là trăn trở nốt xem: nhớ đến bao nhiêu là nỗi nhớ đã nhiều?

Hay là thế...

Hay là thế, mai tìm về với mẹ

Bỏ giấc trưa, chơi châu chấu ngoài đồng

Ăn lại bữa cơm canh, cà muối xổi

Thú tội rằng: con thất hứa nhiều năm!

Con về nhé, kể mẹ chuyện xa xăm

Của phố xá, và lòng người trăm bận

Của dấu chân đi trên nền chiều muộn

Nơi cành khô mọc suốt lối tâm hồn

Con không còn muốn tính chuyện thiệt hơn

Giờ ra biển thấy lòng trào bọt sóng

Biển của nghìn năm bão bùng, cô độc

Đâu điểm dừng chân cho phía cuối khoảng trời?

Có quá nhiều những câu chuyện đôi mươi

Của tuổi trẻ chìm màu đời bụi cát

Trong đó con - đứa từ nhà đi lạc

Đứng giữa đông, xem vạt gió giao mùa

Hay là thế, con về độ ban trưa

Gác vết giày trước hiên nhà của mẹ

Xin thêm lần cho con làm đứa trẻ

Đứa trẻ hư, học mãi cách nghe lời...

Nguyễn Hiệp (thực hiện)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Thị ủy La Gi: 
Cần khai thác tốt hơn lợi thế, tiềm năng thị xã
BTO-Ban Thường vụ Tỉnh ủy có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thị ủy La Gi về kết quả thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, vào sáng nay, 24/4. Đồng chí Nguyễn Hoài Anh, Ủy viên Dự khuyết BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có các đồng chí đại diện Vụ Địa phương II, Văn phòng TW Đảng; Cơ quan thường trực phía Nam, Ban Tuyên giáo TW Đảng; các Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo sở, ngành liên quan.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tác giả và tác phẩm: “Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu?”