Theo dõi trên

Tài liệu Hán Nôm ở đảo Phú Quý

11/08/2017, 11:33 - Lượt đọc: 84

BT- Trong những ngày đầu tháng 8 này, tôi có điều kiện tham gia cùng Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Bang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đi khảo sát, sưu tầm tài liệu Hán Nôm tại huyện đảo Phú Quý. Dù đã rất cố gắng, nhưng, số lượng tài liệu Hán Nôm chúng tôi tiếp cận được rất khiêm tốn… trong khi đó theo nhiều người cao tuổi thì trước đây ở Phú Quý tài liệu Hán Nôm rất nhiều.

                
   PGS.TS. Đỗ Bang đang đọc tài liệu Hán    Nôm trong một gia đình ở xã Tam Thanh.

Nguyên nhân của sự mai một tài liệu Hán Nôm

Theo lý giải của một số cụ, trước đây các loại tài liệu loại ấy được bảo quản cẩn thận. Giấy tờ công làng xã thì được đựng trong các hòm gỗ lớn, các ống tre lớn nhỏ.Tuy nhiên, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, số lượng tài liệu này dần mất đi. Nguyên nhân, chủ yếu là do tập tục của địa phương, khi người lớn (những người am tường về chữ Hán Nôm) qua đời, đa phần con cháu trong gia đình đem tài liệu ấy chôn hoặc đốt theo người quá cố; ngoại trừ những gia đình có con cháu biết, đọc chữ Hán Nôm thì mới giữ lại”.

Bên cạnh đó, ông Phạm Phước (63 tuổi ở xã Tam Thanh) còn cho hay: “Tại Phú Quý, sau ngày giải phóng, Nhà nước có lần thu hồi tất cả các công văn của làng xã trước kia.

 Còn ông Nguyễn Vui (60 tuổi ở xã Ngũ Phụng) cho biết thêm:nguyên nhân không giữ được là do tài liệu chuyển từ vùng này sang vùng khác, cuộc sống khó khăn, vất vả của những ngày đầu đi kinh tế (thời kỳ sắp xếp lại lao động và dân cư sau năm 1975) nên người dân ít quan tâm, do vậy tài liệu tản mác, thất lạc đi nhiều. Những gia đình còn giữ được thì xem đó là vật bảo mang ý nghĩa linh thiêng của gia đình, không dám tiếp cận, cũng không cho người khác xem, đến khi cần sử dụng thì đã bị mối mọt làm cho rách nát, không thể sử dụng…

Từ thực trạng trên, việc cấp thiết hiện nay là ngành chức năng cần có những giải pháp để “cứu” số tài liệu Hán Nôm ít ỏi còn lại đang trong tình trạng tiếp tục hư hỏng và dần cạn vơi. 

Một số đề xuất bảo quản

Di sản Hán Nôm là tài liệu chữ viết có lịch sử lâu đời, đề cập gần như toàn bộ đời sống xã hội của người Phú Quý xưa. Nó là một bộ phận tiêu biểu thể hiện bề dày của văn hóa địa phương.

Cũng như các nơi, hầu hết các tài liệu Hán Nôm ở đây đều bằng giấy, tuổi đời hàng trăm năm, phương thức bảo quản giản đơn; được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng, sử dụng rất nhiều lần; đồng thời lại đặt trong môi trường khí hậu biển đảo nên đang có dấu hiệu hư hỏng (nhòe, mất chữ). Muốn giữ gìn bảo quản thì công tác số hóa giữ vai trò quyết định.

Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Bang cho biết: một khi người dân biết được họ giữ cái gì, giá trị của nó như thế nào đối với quê hương đất nước, phục vụ tới đâu cho khoa học thì họ sẽ sẵn sàng phối hợp để ngành chức năng tiến hành số hóa được ngay.

Như trên đã nói, tài liệu Hán Nôm là tài sản chung của làng, là bảo vật gia truyền. Do vậy để có thể số hóa được tất cả tài liệu hiện có cần một sự quyết tâm lớn của chính quyền, ngành chức năng địa phương và sự đồng lòng, phối hợp của các làng, các tộc họ, tư gia đang lưu giữ tài liệu.

Sau khi số hóa, công tác phiên âm, dịch nghĩa và quảng bá tài liệu để người dân được biết. Ngoài ra, cần hình thành thư viện, hoặc ít nhất lưu trữ vào CD Rom dưới dạng cơ sở dữ liệu, khi cần cung cấp để người dân và các nhà nghiên cứu sử dụng mà không cần phải tiếp cận tư liệu gốc.

Có như thế những vấn đề lịch sử, văn hóa địa phương đang còn tồn nghi mới được kiểm chứng một cách khách quan, khoa học. Vì người xưa từng nói: “Nói có sách, mách có chứng”.

ĐỖ THÀNH DANH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tài liệu Hán Nôm ở đảo Phú Quý