Theo dõi trên

Tân Thành - miền đất văn nhân

24/02/2017, 08:45

BT - Tân Thành là xã ven biển thuộc huyện Hàm Thuận Nam. Trước năm 1975, Tân Thành là mảnh đất cuối cùng của miền Trung và đầu miền Nam. Thuở xa xưa, Tân Thành có hai làng gồm: Thạnh Mỹ và Văn Kê. Tên làng thể hiện ước vọng của những người di dân nghèo, mong làng quê của mình hưng thịnh và tốt đẹp. Điều này được thể hiện qua câu đối của tiền nhân còn lưu lại ở đình làng Văn Kê đến hôm nay:

"Văn sơn vũ trụ thinh tất thắng

Kê thủy cơ đồ ích phong hanh"

(Núi Văn trong trời đất tiếng tăm tất thắng

Nước Kê lập nghiệp thêm giàu sang)

Làng Văn Kê và Thạnh Mỹ nằm trên đường thiên lý Bắc Nam. Ở Thạnh Mỹ được triều đình phong kiến đặt Dịch Trạm.

Ở Tân Thành, trên biển cả mênh mông có một hòn đảo nhỏ gọi là Hòn Dữ rộng 5ha, cách bờ hơn 500m. Nơi đây có ngọn đèn biển Kê Gà. Đây là ngọn hải đăng được xếp hạng cao nhất và cổ xưa nhất Việt Nam. Ở đây còn có chùa Kỳ Viên, một ngôi chùa cổ được xây dựng từ năm 1895. Đến hôm nay chùa Kỳ Viên còn lưu giữ nhiều sắc phong từ thời vua Tự Đức và Khải Định. Bên cạnh chùa có đền thờ hội Điền Văn Kê nhằm vinh danh, tưởng nhớ tiền nhân mở đất lập làng và thờ Tiên Nông. Qua bao đời nay, hàng năm, đến ngày 19/2 âm lịch, nhân dân Tân Thành mở lễ hội ngày kỵ Tiên Nông nhằm cầu được mùa, đời sống bình an, thịnh vượng.

         
   

      

      Mũi điện Kê Gà.   

Như bao làng quê khác nằm trong vùng cực Nam Trung bộ, Tân Thành còn là quê hương của gió. Và, gió là đặc sản của trời không thể thiếu ở Tân Thành. Hàng năm, có 2 mùa gió bấc và gió nam. Từ bấc non, bấc săn... đến bấc lộng chuyển qua nam non, nam cồ... nam rộ. Gió chuyên cần và phóng túng, thổi suốt bốn mùa, thổi suốt cả đời người, tạo nên sắc thái riêng biệt của quê hương Tân Thành. Phải chăng, chính vì thế đã tạo cho dân quê Tân Thành đức tính cần mẫn. Trải qua hai cuộc chiến tranh, người dân Tân Thành vẫn vượt qua những mất mát đau thương, vươn lên thoát nghèo, xây lại quê hương…

Đến nay Tân Thành vẫn là một địa phương có dân số không đông, đời sống  của nhiều người còn vất vả. Nhiều người vẫn phải bám vào nông nghiệp, ngư nghiệp để kiếm sống… Ấy thế nhưng, đất này hôm nay lại có dấu hiệu đất của văn chương, thơ phú... Từ vùng quê này, một số  cây bút đã xuất hiện. Đó là các anh: Huy Đạt, Đức An, Nguyễn Xuân Mai, Nguyễn Vũ Hưng, Nguyễn Huỳnh Sa, Trần Hữu Ngư, Nguyễn Hiệp... Ở bài viết nhỏ này, chúng tôi xin được giới thiệu khái quát những gương mặt văn chương tiêu biểu của quê hương Tân Thành:

Huy Đạt tên thật là Bùi Tiến Thành, sinh năm 1928. Ông là một trong những hội viên cao tuổi của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Thuận. "Vững một niềm tin" là thi phẩm của Huy Đạt được xuất bản từ năm 1993. Những người yêu thơ còn nhớ đến bài "Đêm ngủ rừng" của Huy Đạt với những quan sát tinh tế và đầy thú vị:

"Sau một ngày hành quân hay công tác

Gặp đêm khuya ngủ lại giữa rừng già

Hàng hàng cây trang trọng đứng chào ta

Hai cây khỏe giang tay hai đầu võng

Xoắn xuýt cây cao xòe ô che lọng

Lụp xụp những cây lùn phe phẩy quạt êm êm

Nứa, le, tre cầm giáo mác đứng bên

Sao, trắc, gõ dựng vòng ngoài canh gác

Thỉnh thoảng gió đưa luồng thoáng mát

Rung động cây rừng xào xạc quanh ta

Tuổi dậy thì đẹp những đóa hoa

Phong kín hương thơm tiết ra ngây ngất

Sực nức đậm đà ngọt như mùi mật

Nở nụ cười duyên dáng sáng mai

Nằm trong đêm lắng nghe chuyện gần xa

Tiếng chim hót những bài ca kỳ diệu

Giọng nữ cao mấy con chim liếu điếu

Giọng nam trầm có mấy chú tắc kè

Dàn nhạc dân gian có đàn dế, đàn ve

Thổi kèn ráp đôi gà rừng điêu luyện

Độc tấu hè ai tài bằng chú vượn

Đàn khỉ con rúc rích giọng theo sau

Ta lắng nghe tiếng động giữa rừng sâu

Có tiếng hò vang: Khó khăn khắc phục

..."

(Trích: Đêm ngủ rừng)

Đức An tên thật là Nguyễn Văn Sáu, sinh năm 1955, bạn bè thường gọi anh là Sáu Nhỏ. Đức An sáng tác và trưởng thành từ những năm tháng tham gia thanh niên xung phong. Anh đã viết hàng trăm ca khúc. Nhạc Đức An giai điệu nhẹ nhàng, trữ tình. Nhiều người yêu nhạc vẫn thường hay hát "Chiều Tam Tân", "Khúc ru của biển", "Về miền thương nhớ", "Gió chiều qua phố biển"...của Đức An. Anh bị bệnh qua đời vào ngày 23/11/2012. Những người yêu nhạc vẫn hát thiết tha nhạc của Đức An:

"Có những ngọn gió chiều

Đi qua phố biển

Mang theo mùi của biển

Nghe dạt dào thương nhớ..."

Nguyễn Xuân Mai sinh năm 1943. Trong 10 năm trở lại đây, Nguyễn Xuân Mai sáng tác nhạc. Nhiều ca khúc của anh được các ca sĩ nổi danh hát trên đài phát thanh và vô tuyến truyền hình thành phố Hồ Chí Minh. Nhạc Nguyễn Xuân Mai giai điệu nhẹ nhàng, lời dung dị. Anh có những ca khúc viết về quê hương Tân Thành được nhiều người yêu mến.

Nguyễn Vũ Hưng sinh năm 1987 - là con trai của nhà văn Nguyễn Hiệp. Nguyễn Vũ Hưng thông thạo hai ngoại ngữ Anh và Pháp. Năm 2013, Nguyễn Vũ Hưng được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, chuyên ngành dịch thuật. (Cả hai cha con Nguyễn Hiệp cùng dắt tay nhau vào Hội Nhà văn Việt Nam, đây là niềm hạnh phúc lớn của gia đình anh). Nguyễn Vũ Hưng chuyển ngữ những kiệt tác với văn chương phương Tây ra tiếng Việt. Tác phẩm biên dịch của anh thu hút được đông đảo bạn đọc trong cả nước.

Nguyễn Huỳnh Sa - Tên thật là Nguyễn Đăng Vân, sinh năm 1951, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Thuận. Năm 2008, Nguyễn Huỳnh Sa trình làng thi phẩm "Đá mặn nghiêng đời nghe biển vỗ" đã tạo được chỗ đứng trên thi đàn. Thơ Nguyễn Huỳnh Sa sâu sắc, cô đọng, thấm đẫm tình cảm. Có những câu thơ của anh đã neo đậu trong lòng người yêu thơ:

"Biển

gởi vào ta

những mặn mòi,

xa xót

 

Ta mượn biển trời

bèo bọt

để trăm năm"...

Qua thơ của Nguyễn Huỳnh Sa, người đọc bắt gặp hơi thở, cảnh sắc quê hương Tân Thành và những trăn trở trong cuộc sống:

"Em nơi đâu?

anh đi tìm em

anh cùng cánh cò nương theo ngọn bấc

cùng nồm nam hóa hạt thấm quanh nguồn

len lỏi rốn chợ đời chong chóng

ngập ngừng mấy ngã ba trơn

giữa lấp lóa sắc màu anh chỉ còn sắc trắng"...

(Trích: "Phút đang mùa" của Nguyễn Huỳnh Sa).

Trần Hữu Ngư, sinh năm 1942. Anh là một cây bút chuyên viết tùy bút. Đến hôm nay, Trần Hữu Ngư đã xuất bản được 5 tác phẩm, gồm: "Tội nghiệp Boléro" (2005), "Ông già hừng đông" (2006), "Những bài ca đi qua tôi trong chiến tranh" (2008), "Trời cao đất thấp chúng ta thì" (2014) và "Ủa sao kỳ lạ vậy" (2015). Tùy bút của Trần Hữu Ngư xoay quanh những câu chuyện gợi nhớ về quê hương anh, vùng đất đầy nắng gió vùng cực Nam Trung bộ. Và anh thường viết những câu chuyện âm nhạc. Những bài viết cảm nhận về ca khúc, về thân phận những ca khúc nổi tiếng một thời, những câu chuyện tình yêu trong đời của các nhạc sĩ nổi danh Việt Nam tạo được sự thu hút của đông đảo độc giả. Với tùy bút “Tội nghiệp Boléro” của anh, được nhiều người gọi Trần Hữu Ngư là “Ông Boléro”. Đọc sách hay những tùy bút "Gió cát", "Giếng làng", "Khói lam chiều"... của Trần Hữu Ngư, người đọc nghe lòng rưng rưng hoài cảm, nhớ về quê hương một thời chưa xa.

Nguyễn Hiệp, tên thật là Nguyễn Văn Hiệp, sinh năm 1964. Nguyễn Hiệp bắt đầu con đường sáng tác bằng thơ ca. Anh đã xuất bản được hai thi phẩm: "Mang cả chiều đi" (1996), "Trả áo về trời" (1999). Đến năm 1999, may mắn gặp được nhà văn Tô Hoài ở Hà Nội. Nhà văn Tô Hoài khuyến khích anh viết văn. Từ đó, Nguyễn Hiệp chuyển sang viết truyện ngắn. Với những tập truyện ngắn: "Bông cỏ Giêng", "Dưa huyết", "Người đàn bà gánh tro" đã đưa tên tuổi của Nguyễn Hiệp bừng sáng trên văn đàn, vượt ra khỏi ranh giới Bình Thuận và anh đã đoạt được giải thưởng truyện ngắn hay của Báo Văn Nghệ năm 2003 - 2004, được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Như một người nông dân cần mẫn, Nguyễn Hiệp đã gặt được những mùa bội thu trên cánh đồng văn chương. Đến nay, Nguyễn Hiệp đã xuất bản được 4 tập truyện ngắn, 2 tiểu thuyết. Khi chúng tôi viết đến những dòng này có lẽ hiện nay Nguyễn Hiệp đã hoàn thành thêm hai cuốn tiểu thuyết. Văn của Nguyễn Hiệp nhẹ nhàng, trong sáng, đầy chất thơ và thấm đẫm tính nhân văn. Những nhân vật trong truyện ngắn và tiểu thuyết của anh là những con người thật trong đời sống thường ngày gần gũi với chúng ta. Nguyễn Hiệp đã đau nỗi đau của con người, đã vui với niềm vui tận cùng trong cuộc sống, chính vì vậy những trang văn của anh thấm đẫm tính nhân văn và thu hút được đông đảo bạn đọc trong cả nước. Qua tản văn, tùy bút hay truyện ngắn, tiểu thuyết của Nguyễn Hiệp, người đọc ở Bình Thuận dễ dàng cảm nhận hơi thở miền đất Tân Thành quê hương anh.

Cảm ơn quê hương Tân Thành đã sinh ra và nuôi lớn các nhà văn, nhà thơ, nhà soạn nhạc... Chính các anh: Huy Đạt, Đức An, Nguyễn Vũ Hưng, Nguyễn Huỳnh Sa, Trần Hữu Ngư và Nguyễn Hiệp…, qua thơ văn của mình đã làm cho quê hương, đất nước chúng ta đẹp hơn.

Lê Ngọc Trác



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tân Thành - miền đất văn nhân