Theo dõi trên

Tánh Linh qua ký của Nguyễn Tân Hải

23/11/2018, 13:56

BT- Những năm qua, bạn đọc báo Bình Thuận cuối tuần thường đọc được những bài ký của tác giả Nguyễn Tân Hải viết về các vùng đất trong tỉnh. Để có những bài viết ấy, tác giả đã rất chịu đi, cũng như gặp gỡ những không ít người. Tánh Linh là một trong những vùng đất, tác giả này năng lui tới. Theo đó, đất và người Tánh Linh đã hiện ra trong  khá nhiều bài viết sau: Biển Lạc ngày mưa (Bình Thuận cuối tuần số 6086, ra ngày 17/8/2018), Người đánh thức xứ trầm hương (Bình Thuận cuối tuần số 6061, ra ngày 13/7/2018), Khi chủ vườn nói không với thương lái (Bình Thuận cuối tuần số 6046, ra ngày 22/6/2018)…

 Đất  giàu tiềm năng

Lần theo những trang viết của người xưa, Nguyễn Tân Hải đã đưa người đọc đến Biển Lạc, Tánh Linh. Anh đã dẫn lời của cụ Nguyễn Thông, khi miêu tả “Lạc Hải” (Biển Lạc  ngày nay): “Vốn là một đầm lớn, các khe suối từ thượng nguồn đổ xuống, thế nước tràn trề, sinh vật đầy rẫy… Thật là một kho vô tận nuôi sống dân địa phương”.

Thật vậy, với diện tích hơn 1.000 ha vào mùa khô, hơn 3.000 ha vào mùa mưa, Biển Lạc còn một lợi thế để phát triển nông nghiệp và  nhiều tiềm năng để phát triển nuôi trồng thủy sản” (Biển Lạc ngày mưa).

Tánh Linh trong ký của Nguyễn Tân Hải còn là một vùng đất thích hợp với cây dó bầu, sản sinh trầm hương” như tác giả mượn lời một nhân vật trong tác phẩm của mình, nói: “Tánh Linh là xứ trầm hương tôi luôn mơ ước làm sống lại xứ trầm hương này, tôi mơ ước về lại nguồn, đây thật sự là nơi nguồn của loại trầm hương quý giá” (Người đánh thức xứ trầm hương).

 Học hỏi, sáng tạo

Trong những tác phẩm ký của Nguyễn Tân Hải, người Tánh Linh, cả người sinh ra, lớn lên tại đây, lẫn người sống, làm việc tại vùng đất này, là những con người rất chịu khó, siêng làm. Những con người ấy ham học hỏi, từ thực tế lao động, từ những người am hiểu hơn về nghề nghiệp, chịu khó suy nghĩ, định ra những bước đi, những dự án, những cách làm để những việc làm của mình, những kỹ thuật trong nghề nghiệp của mình đem lại hiệu quả hơn về kinh tế, nhằm nâng cao đời sống cho mình, cho bà con, cho cộng đồng.

Cô kỹ sư thủy sản trẻ Đồng Thị Kim Thanh, sinh ra và lớn lên tại Lạc Tánh, đã có sáng kiến “Đề xuất với Trung tâm Khuyến nông cho bà con sống bằng nghề lồng bè và các hồ quanh Biển Lạc thử nghiệm nuôi cá thát lát cườm trong lồng bè và cho ăn thức ăn công nghiệp, vừa là lối thoát khỏi dịch bệnh, vừa giữ được lượng cá tự nhiên tạo sự cân bằng ổn định trong môi trường nước” với bao trăn trở, bao lo lắng, bao vất vả với dự án chuỗi.

Vừa lo về kỹ thuật nuôi trồng, cô Thanh chủ động đặt vấn đề với doanh nghiệp Phối Phối về việc bao tiêu sản phẩm và đề xuất tiếp dự án liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ và phát triển thương hiệu chả cá thát lát Biển Lạc trên địa bàn huyện Tánh Linh”.

Hiệu quả của dự án ấy bước đầu đã rõ. Nhờ sự chung tay của những hộ gia đình hưởng ứng chủ trương của huyện, của dự án, cá thát lát Tánh Linh đã nổi tiếng trong tỉnh và còn vươn đi các nơi, để Tánh Linh có “Những ngày mùa bội thu đến rạng rỡ từng khuôn mặt ngư dân trong mấy năm gần đây” (Biển Lạc ngày mưa).

Ở một lĩnh vực khác, ông Hồ Đắc Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Nguồn Trầm Hương, người với mong ước cháy bỏng: “Tiếp tục đeo đuổi việc làm sống dậy một vùng đất bằng chính đặc sản trầm hương như nó vốn có”.

Một ông giám đốc công ty xuất khẩu tinh dầu trầm hương cùng rất nhiều sản phẩm khác làm bằng trầm hương sang nhiều nước, đã rất tha thiết nhớ, yêu những tên đất thân thuộc của Tánh Linh: La Ngâu, Tà Pao, Núi Ông, Đồng Kho, Suối Kiết, Gia An, Huy Khiêm, Bắc Ruộng… Bởi, những vùng đất ấy đã gắn bó với ông, những con người  chân chất ở những nơi ấy, đã cùng ông thực hiện một ước mơ: “Đánh thức xứ trầm hương”. Họ hợp tác với ông, trồng cây dó bầu, để từ đó, cùng với kỹ thuật mà ông có, cây sinh ra trầm hương.

Với sự học hỏi từ người bạn, với sự hợp tác với bà con nông dân Tánh Linh, ông Hiếu đã có được trầm hương từ chính mảnh đất ông từng gần gũi, gắn bó: “Trầm hương Tánh Linh không lớn nhưng có màu sậm và cho mùi hương thơm ngọt dễ chịu, được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng, nhất là các nước trong khối Ả Rập”. Ông đã học được phương pháp cất hơi của Ả Rập để giữ hương trầm tự nhiên. Một điều rất quan trọng là: “Tinh dầu trầm của cơ sở ông làm có đầu ra ổn định và ngày càng mở rộng thị trường.” Để từ đó, “ông tiếp tục đầu tư cho bà con để có nguồn cây dó thô về lâu về dài” (Người đánh thức xứ trầm hương).

Không chỉ có những kỹ thuật, dự án lớn, người Tánh Linh còn có những nông dân chân chất, chịu khó lao động, tấm lòng lại lương thiện, thật thà, như ông Trần Đình Thanh ở thị trấn Lạc Tánh, Tánh Linh. Với tâm niệm làm vườn sạch để có trái sạch, đem đến cho người dùng những trái cây ngon, ông đã trồng sầu riêng, mít tố nữ, chôm chôm, chỉ bón phân chuồng. Ông chăm chút từng cây, khi cây bị sâu đục thân, ăn lá. Và đất Lạc Tánh đã không phụ lòng, để ông có nhiều trái cây ngon, được đông đảo bà con tìm đến mua, thưởng thức tận vườn nhà (Khi chủ vườn nói không với thương lái).

 Chất thơ trong những bài viết

Sẽ là thiếu sót nếu không nói đến chất thơ trong những tác phẩm ký được đề cập.

Hãy đọc lại những dòng anh đã mô tả về Biển Lạc để thêm yêu một Tánh Linh hiền hòa: “Biển Lạc đó, mùa này hàng ngàn mẫu nước bạc trải tít tắp đến tận đường chân trời. Biển Lạc đó, những dề lục bình thưa thớt dập dềnh luẩn quẩn, trôi mà không đi đâu cả. Biển Lạc đó, hơn chục lồng bè nuôi cá và những phận người lênh đênh, sống chân chất, coi sự cô độc như một lẽ đương nhiên trong những ngày bươn chải mưu sinh”.

Rồi, lại lắng nghe những dòng anh mô tả về mùi trầm hương để lòng thêm yêu xứ sở của loại trầm hương ấy: “Phảng phất trong không gian nơi đây một mùi hương nhè nhẹ, ngọt và có gì đó khơi gợi sự hoang dã, gợi đến bước trở về với thiên nhiên”. Và “hương trầm đã len vào tận vạt áo, chạm vào da thịt, thơm tho trong từng hơi thở, trong từng cơn gió nhẹ lướt qua người”.

Nguyễn Tân Hải đã rất tinh tế để giới thiệu những vùng đất, những con người mang nét riêng trong cuộc sống hôm nay của Tánh Linh, gởi đến bạn đọc. Đó có thể chỉ là một góc nhìn của tác giả về Tánh Linh. Còn những nét hay khác của đất và người Tánh Linh của ngày xưa và của hôm nay nữa. Bạn đọc mong chờ những bài viết khác của anh, sau những bước chân tiếp tục rong ruổi trên đường của một người thích khám phá.

Minh Trí



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tánh Linh qua ký của Nguyễn Tân Hải