Theo dõi trên

Tháng 8 ở Đồi Dương La Gi

24/08/2017, 08:51 - Lượt đọc: 144

BT- Bãi biển Đồi Dương (thuộc phường Bình Tân) cách trung tâm thị xã La Gi khoảng 3 km được coi là đẹp nhất. Dù có bị thu hẹp hơn xưa và do tác động của sự phát triển cư dân, các dự án du lịch nhưng rặng rừng dương xanh đã trồng cách đây gần 80 năm vẫn còn giữ được nét duyên dáng, mượt mà. Ngay cuối con đường Cách mạng tháng Tám giáp bờ biển, đài bia lưu niệm mang hình cánh buồm căng gió lại gợi nhớ về những ngày cuối tháng 8 năm 1945 ở đây.

Từng có nhiều trang viết về trận bắt Tây nhảy dù trở thành sự kiện lịch sử đáng nhớ của La Gi. Nhưng càng biết thêm những tình tiết, kịch tính trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ, với những người dân quê chân chất, thì đó là những hành động thông minh và quả cảm. Hồi đó người dân địa phương gọi là Sở Dương, theo cách phân vùng của kiểm lâm, chia ra làm 2 khu Sở Dương 1, Sở Dương 2 để quản lý. Trong tình hình tại Phan Thiết, từ ngày 24/8 đã diễn ra cuộc khởi nghĩa và giành chính quyền cấp tỉnh, nhưng ở La Gi, bộ máy huyện đường Hàm Tân vẫn còn đó. Các cơ sở Thương chánh, Kiểm lâm và nhà Dây thép còn giữ liên lạc với tỉnh… Khoảng 5 giờ chiều ngày 27/8 trên bầu trời mé biển xuất hiện 13 chiếc dù từ một chiếc máy bay thả xuống. Sau giây phút bất ngờ nhưng mọi người đã nhận ra ngay việc gì phải làm. Những tiếng hô “Tây nhảy dù! Tây nhảy dù!...” nối tiếp nhau giục giã. Nhóm thanh niên và người làng từ khu chợ La Gi vượt qua sông Dinh phía bến đò Tân Long cùng người dân xứ đạo Tân Lý, tay dao mác, gậy gộc kéo nhau chạy dọc theo bờ biển để lùng kiếm địch xâm nhập và đang lẩn vào rừng dương rậm rạp. Nhóm trai trẻ trong tổ chức Thanh niên Tiền Tuyến (Phan Anh), Hướng đạo như Hứa Tự An, Trần Công Hoành, Phạm Phú Đạm, Lê Kim Đồng… với khí thế xông xáo dẫn đầu đoàn truy kích vào rừng cây xanh um tùm tìm những tên Tây ẩn náu.

Khi xong trận mới nghĩ lại thật là liều lĩnh nếu mấy gã Tây nã đạn chống cự chắc chắn sẽ thương vong không ít. Bị cuốn vào cuộc truy đuổi địch, khi trời đã vào đêm, mưa lất phất, nhưng không ai nghĩ tới hiểm nguy, mệt nhọc. Lợi dụng rừng cây và đêm tối, toán Tây nhảy dù đã kịp giấu một vài chiếc dù quân dụng và lẩn trốn nhưng vẫn còn một chiếc dù rơi nằm trên bãi cát nên ta mới định hướng khu vực phải truy lùng. Sau một đêm lùng sục từ bụi rậm, gốc dương, dưới ánh trăng hạ tuần lờ mờ và ánh sáng của vài cây đèn chai, kết quả ta bắn bị thương 1 tên Pháp, bắt sống 3 tên khác và 2 Việt gian. Chiến lợi phẩm gồm 2 súng Cạc-bin, 1 mi-trai-dét, 4 súng ngắn, 6 máy vô tuyến và những trang dụng… được giải giao về giam tại nhà Thương chánh La Gi rồi báo qua đường dây thép với tỉnh.

Khi nhìn thấy những loại vũ khí súng đạn, trang bị như vậy mới thật sự coi đây là trận chiến đấu không cân sức và đúng nghĩa “tay không bắt giặc”. Cùng nhau kể lại, lúc lúng túng đã sực nhớ cần phải có vũ khí tấn công địch, nghĩ đến cha Giàu ở nhà thờ Tân Lý gần đó và bằng mọi cách thuyết phục mới mượn được khẩu súng săn hai nòng. Rồi lúc phát hiện một tên Pháp, mấy thanh niên xông vào ôm vật nhưng không thể nào trói được, phải dùng thanh cây chèn ngang thân khống chế. Rạng sáng được tin báo, có một tên người Việt đang lẫn trốn nhà dân ở làng chài Tân Long, khi lực lượng đến thì được chủ nhà chỉ chỗ anh ta đang nằm dưới gầm giường của vợ còn “ở cử”, run sợ và xin tha tội chết. Trong lúc các toán người chia nhau lùng kiếm địch, thì những người dân từ chợ La Gi, xóm Tân Lý, Tân Long ùn ùn gọi nhau gói cơm, nấu xôi, bánh tráng, nước uống “tiếp tế” cho lực lượng diễn ra bừng bừng khí thế.

Cũng kịp trong ngày, đoàn thanh niên La Gi do ông Đỗ Đơn Thơ dẫn đầu ra Phan Thiết trước đó đã trở về với trên tay có giấy ủy nhiệm của Việt Minh tỉnh giao việc đứng lên tiếp quản chính quyền huyện Hàm Tân. Lúc này, Tri huyện Hồ Đình Lan cũng đã nhận ra tình thế nên không có động thái phản ứng nào và giao nộp con dấu, hồ sơ cho lực lượng khởi nghĩa. Nhưng trong lịch sử địa phương vẫn coi dấu ấn mang tính sáng tạo nhất là cuộc bầu cử Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Hàm Tân trong buổi mít-tinh ngày 2/9 tại sân đá banh La Gi (nay thuộc khu nhà thờ Thanh Xuân, Phước Hội). Nói đến bầu cử trong buổi đầu này đối với một vùng đất xa tỉnh, nhưng những người lãnh đạo phong trào khởi nghĩa ở đây đã nghĩ ra cách làm mang tính dân chủ, phù hợp dân trí, được coi là khá độc đáo. Ông Đỗ Đơn Thơ đề xuất 3 chức danh để bầu. Chọn 3 góc sân đá banh cho ứng viên Chủ tịch, Phó chủ tịch và Thư ký. Số phiếu bầu qua cách ai tín nhiệm ứng viên xứng đáng vị trí nào thì chạy về phía đó. Cuộc khởi nghĩa cách mạng tháng 8 ở La Gi bắt đầu từ trận bắt Tây nhảy dù được diễn ra trong bối cảnh như thế nhưng mang một giá trị lịch sử khó quên.

PHAN CHÍNH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tháng 8 ở Đồi Dương La Gi