Theo dõi trên

Thơ Đinh Hồi Tưởng, những điệu ru thức tỉnh

02/11/2018, 08:03 - Lượt đọc: 270

 (Nhân đọc “Vịn bình minh qua biển” – NXB Hội Nhà văn)

BT- Tôi không có ý lạm bàn hay bình luận về thơ của một nhà tu, chỉ là thưởng thức, ngẫm ngợi và viết ra vài dòng. Nhà tu - nhà thơ Đinh Hồi Tưởng, tên thật Đinh Văn Thanh, pháp danh Thích Tấn Tuệ, Ủy viên Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hiện đang trụ trì chùa Đây, Suối Đó, La Gi.  Ông xuất bản nhiều thơ từ  Một thoáng bâng khuâng - 1992, Cánh nhạn đường Mây - 1994, Gió từ tay mẹ - 1997, Ẩn hiện - 2001, Hát giữa rừng chiều - 2003… và đến nay là tập “Vịn bình minh qua biển”. Tôi xin được “dông dài” ở tập mới nhất này.

“… Vịn bình minh thấy rõ đường

Vượt qua biển ái nhiễu nhương trượt phiền”

Cái bình minh nơi chốn am thiền thì đã rõ, việc xác định “tận cùng đích tới thương yêu” của nhà tu cũng đã rõ, chất đời của câu thơ ở chỗ cái nhiễu nhương trượt phiền được gọi tên, tức là biết rõ nó, mang nặng nó để rồi buông, để rồi xả, để rồi gội đến mòn, lau đến sạch. Cũng không dễ gì để biết bình minh ở đâu mà vịn mà đi nếu như tác giả không phải là nhà thơ - nhà tu.

Ừ thì nhà tu, có vẻ như không tham dự vào những biến động của thời đại tuy vậy cái ưu tư đương thời, ưu tư lầm than, ưu tư băng hoại vốn chảy xuôi trong người đời thì chính nó trở thành đối tượng ưu tư đối nghịch với hương giới hạnh, vốn “ngược gió”. Và ông, nhà thơ Đinh Hồi Tưởng, luôn coi việc lan truyền hương giới hạnh là lẽ sống của mình, ông rung động với cái đẹp, cái thơm của hương giới hạnh, nhẹ nhàng, không một chút bức bách nào. Vậy đó, thơ đã gắn vào ông như một định mệnh.

Thử “khảo sát” bài thơ “Một nửa trong tôi”, ông cũng đã ưu tư, nỗi ưu tư đầy chất đời nhưng khi diễn dịch thành thơ thì lại không có vẻ gì như thế:

“Lần dò nửa mê nửa tỉnh

Trái trời nửa mạnh nửa đau

Kiếp người buồn vui lẫn lộn

Đi về quên trước… nhớ sau…”

Tự thơ, không nguyên do, không lạnh nhạt, không bỏ rơi cuộc đời nhưng cũng không đưa ra mẫu mực nào, tự nó mang một ý nghĩa trọn vẹn. Thơ sinh ra như thế như cái tên chùa Đây, Suối Đó của ông, nó không kích động trí tưởng, nó nói đến sự tồn tại hiển nhiên, ta thấy nó như nó vốn như thế, chứ không phải “thấy” cái mọi người nghĩ về nó.

Hay trong bài “Gương sáng vẫn còn đây”:

Gió mang hương biển về rừng

Câu thơ ai tụng nghe ưng ý nhiều

Lẽ ra là câu kinh ai tụng, thơ mà tụng được ấy là kinh rồi! Ngay cả trong cách nói thơ này, ngay cả sự say sưa đón nhận này cũng rất “Đinh Hồi Tưởng”, tức là ông làm thơ không chứng tỏ điều gì cao đạo, không vẽ ra một mũi tên chỉ đường hay nhằm giáo huấn ai đó nhưng tự nó nếu được ngắm đúng góc độ, đúng hệ quy chiếu thì cái đẹp hàm chứa sẽ hiện ra.

95 bài thơ trong tập “Vịn bình minh qua biển” đều mang chung tính chất đạo đời hòa quyện, mỗi bài là một điệu ru thức tỉnh, tự nhiên mà dẫn người đọc hướng về chốn an nhiên tự tại. Theo tôi, đây là tập thơ nhẹ nhàng, nhẹ nhàng và ngân vang như tiếng đồng vọng của chuông chùa, thanh nhưng lại ẩn chứa, thoát nhưng lại gần gũi.

Nguyễn Hiệp



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thơ Đinh Hồi Tưởng, những điệu ru thức tỉnh