Theo dõi trên

Thương nhớ “nhà quê”

29/11/2019, 17:35 - Lượt đọc: 12

BT- 1. Thường khi chỉ còn hơn tháng nữa là tết, tôi lại thích đi về những vùng ngoại thành để tìm chút hơi thở đồng quê, tạm quên một năm với nhiều vất vả lo toan, bộn bề của cuộc sống. Thư thả lòng mình cùng thảm xanh mơn man của hoa màu, hít thật sâu mùi hương đồng cuối năm, khỏa dòng nước mát đang róc rách theo chân ruộng mà nghe lòng bồi hồi, thấm đẫm bao nghĩa tình của người quê thân thương, chân lấm tay bùn.

Đồng quê thương nhớ trong tôi luôn có dịp trỗi dậy vào mỗi mùa cốm tết quê xưa, in dấu trong tiềm thức. Nhớ tiếng xào xạc của tre, tiếng chim gù khắc khoải, tiếng võng kẽo kẹt bà ru và cả mùi lá dứa chè khoai, xôi nếp của bà trong ngày rằm tháng chạp. Làm sao quên được vị ngon của cơm trắng cá đồng, đĩa rau đọt lang bùi bùi và thật ấm lòng với chén trà gừng sảng khoái mỗi sớm mai khi tiếng gà quê đánh thức một ngày mới bận rộn vào mùa vụ.

Nhớ hồi những năm đệ thất, đệ lục, từ vùng quê Lại Yên lên phố thị để học, người bà con và bạn học cùng lớp hay gọi mình là thằng “nhà quê”, có lẽ do bản tính mình hiền lành, chân chất, rồi cách ăn mặc và cả phát âm trong giọng nói nữa. Nhưng mấy đứa thành thị lại thích kết bạn với mình chắc vì sự bao dung và khảng khái trong giải quyết những “câu chuyện” của tuổi học trò. Nhóm bạn thường năn nỉ “về nhà mày chơi đi” vào ngày cuối tuần. Thế là tha hồ trèo cây, tắm sông lưới cá, rượt bắt nhau trên những cánh đồng… Mới đó mà đã mấy mươi năm.

2. Giờ không còn trẻ nữa, miền ký ức đồng quê trong tôi như một bảo tàng cho riêng mình, mặc định lưu giữ từng nếp nhà, vườn cây, nồi đồng, cối đá, những vật dụng thân quen và cả cốt cách con người nhà quê một nắng hai sương.

Và mới đây thôi, mình thật bất ngờ với hình ảnh của một vị sếp cũ vừa nghỉ hưu. Anh dung dị như một nông dân thực thụ, đầu trần chân đất chài lưới bên sông. Đây chính là hình ảnh của sự “trở về” đầy thân thương, về với đồng quê thương nhớ, về với đời thực không bon chen. Khác hẳn những khi còn đương chức, cái cốt cách “nhà quê” bao dung rộng lượng, khảng khái, cân nhắc, nhiều lúc mờ nhạt đi, không được thể hiện, đã làm vơi đi phần nào hình ảnh và cương vị lúc đương thời.

Khi mỗi người đã đi qua hằng hà năm tháng, đến ngưỡng cuộc đời rồi, thường tìm về những an yên trong cuộc sống. Riêng tôi, mỗi khi tiết trời chuyển mùa báo hiệu một năm sắp qua, chỉ muốn chầm chậm xuôi về miền quê thương nhớ. Nhắm mắt võng đưa, bình yên trong “ầu ơ, ví dầu…”.                                 

Quang Tuấn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thương nhớ “nhà quê”