Theo dõi trên

Tiếng trống trường làng

02/09/2017, 09:08

BT- Tôi nhớ hồi ở quê đi học, trường cách nhà không xa, khoảng non cây số. Đó là ngôi trường tiểu học nông thôn, dành cho học sinh nửa xã đến học, tọa lạc trên một khoảnh đất rộng, cao ráo, dẫu trời mưa dầm nhiều ngày sân trường vẫn không đọng nước. Nói nửa xã đi học bởi vì xã tôi hồi ấy chỉ có hai trường tiểu học, một trường ở Bắc sông và một trường ở Nam sông. Tôi học ở trường Bắc sông.

                
      
   Hồi đó, không có những chiếc áo mới    tinh tươm, nhưng các bạn học sinh vẫn hào hứng đón lễ khai giảng.

Khi đó chưa nghe cụm từ xây dựng nhà trường xanh – sạch – đẹp, nhưng ngôi trường của tôi lại rất đẹp. Không biết đã có tự bao giờ mà cây xanh phủ bóng mát xuống che chở cả khuôn viên trường – nhất là mùa nắng nóng. Sân trường có những ô xây sẵn dành cho các lớp trồng hoa, ưu tiên cho những loài hoa nở cả bốn mùa. Trồng nhiều nhất là hoa tý ngọ, những khi nắng lên, ngồi trong lớp nhìn ra sân trường thấy trải ra một màu đỏ tươi rực rỡ, thỉnh thoảng có bươm bướm, chuồn chuồn bay lượn nhởn nhơ.

Trường có bác cai chắc tuổi đã nhiều, bởi mái tóc ngã màu hoa râm, nửa đen nửa trắng, dáng đi nhanh nhẹn, khỏe khoắn. Bác làm nhiệm vụ bảo vệ trường, nhiều khi tham gia gánh nước tưới hoa cùng chúng tôi, nhưng phần việc đặc biệt nhất của bác là đánh trống trường. Tiếng trống trường của bác cứ thỉnh thoảng lại âm vang trong ký ức chúng tôi cho đến bay giờ.

Gần trường, nên mỗi sáng khi nghe tiếng trống vang lên từ dùi thứ nhất là tôi vội ôm sách vở bước ra khỏi nhà. Tiếng trống lúc đầu gióng lên chậm rãi từng tiếng một, khoan thai, trì hoãn… nhưng càng về sau thì tiếng trống đổ dồn thúc giục rộn ràng, cuối cùng hồi lại ba tiếng (trống đi một hồi ba tiếng) cũng là lúc tôi vừa đến cổng trường. Những bạn đường xa nghe trống đổ hồi thì tăng tốc, có khi phải chạy cho kịp (hồi ấy chúng tôi đi bộ, chưa ai có xe đạp như sau này). Trong buổi học, tiếng trống ra chơi, tiếng trống vào lớp cũng có những nhịp điệu khác nhau. Khi đang ngồi học, bỗng nghe tiếng lốc cốc lốc cốc khe khẽ rồi tiếng lum bum lum bum nhẹ nhàng vang lên là chúng tôi biết bác cai lấy dùi khỏ lên thành trống lốc cốc rồi chuyển dùi lên mặt trống khua lum bum để học sinh đang yên lặng ngồi trong lớp khỏi giật mình, rồi mới đánh ba tiếng báo hiệu ra chơi. Trống vào lớp cũng ba tiếng nhưng đánh mạnh hơn lúc báo ra chơi. Cuối buổi, tiếng trống tan học cũng nhịp điệu lốc cốc, lum bum rồi khoan thai một hồi dài; dứt hồi trống là thầy trò chúng tôi đã xếp xong sách vở, bút mực để chào nhau ra về. Nhịp điệu trống theo ấy suốt 5 năm khi tôi đi ở trường. Lúc nào nghe tiếng trống lỗi nhịp là biết ngay hôm ấy bác cai vì một lý do nào đó không có mặt ở trường.

Ngày khai giảng – năm nào cũng vậy, thầy hiệu trưởng cầm dùi trống đi lên, nhưng thầy không đánh, mà trao cho bác cai đánh trống khai trường. Cũng như thầy cô và học sinh, ngày này bác cai mặc đồ trông rất chỉnh tề. Bác đưa hai tay nhận lấy chiếc dùi thầy hiệu trưởng trao. Thế là bắt đầu, bác đưa chiếc dùi nhịp nhẹ lốc cốc lên thành trống, đến chuyển vào mặt trống rung nhẹ lum bum lum bum mới dõng dạt đánh “bầm” một tiếng vang dội, đưa mắt nhìn về phía thầy cô, lại “bầm” một tiếng nữa, đưa mắt nhìn học sinh toàn trường, rồi nghiêm trang nhìn vào mặt trống, đánh khoan thai (nhưng không trì hoãn như đánh trống đi hàng ngày), đến khi tiếng trống đổ hồi rộn ràng, náo nức, mái đầu hoa râm của bác cũng rung theo, nhẹ nhàng chao qua đảo lại trông như nghệ sĩ đang biểu diễn nhạc cụ trống trường. Tiếng trống êm dần kết thúc, bác trở lại tư thế nghiêm trang dõng dạc đánh vang ba tiếng cuối cùng. Bác cầm dùi trống xoay người ra cúi chào thầy cô và học sinh. Sân trường rợp tiếng vỗ tay.

Sau năm 1975, một thời tiếng kẻng thay cho tiếng trống, nghe âm thanh như tiếng báo động trong chiến tranh. Rồi đến tiếng chuông reo thay tiếng kẻng báo giờ mang đầy sắc màu công nghiệp. Những năm gần đây, hầu như các trường đều trở về sử dụng tiếng trống để báo giờ, cả tiếng trống trong ngày khai giảng, nhưng sao nghe âm sắc như thể vô hồn, hờ hững, khô khan... Bỗng dưng trong ký ức tôi âm vực tiếng trống trường làng của bác cai một thời xa vắng vọng về thương nhớ.

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiếng trống trường làng