Theo dõi trên

Tìm kiếm những hạt nhân văn nghệ

25/03/2019, 08:37

BT- Cuộc thi Tiếng hát truyền hình “Ngôi sao biển” lần 2 – 2019 đã công bố 40 thí sinh xuất sắc vào chung kết 1. Đây là cuộc thi ca hát lớn của tỉnh, sau Liên hoan Tình khúc Bolero vừa khép lại...

“Ngôi sao biển” là cuộc thi nhằm tìm kiếm những giọng hát hay, có triển vọng để tạo nguồn cho hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Như mọi năm, cuộc thi tiếng hát “Ngôi sao biển” nhằm tìm kiếm các giọng hát hay ở những dòng nhạc dân ca, nhạc nhẹ và thính phòng. Hơn trăm thí sinh đăng ký, Ban tổ chức đã chọn được 40 giọng ca không chỉ ở địa phương mà còn ở những tỉnh, thành khác để bước tiếp vào vòng chung kết 1.

Năm nay, cuộc thi nhận được sự tham gia của nhiều thí sinh là học sinh, nhưng lửa đam mê nghệ thuật, yêu thích ca hát quá lớn cũng mạnh dạn đăng ký. “Tôi đã từng tham gia Liên hoan Bolero năm ngoái, nhưng chỉ là thử sức. Năm nay tôi muốn tham gia cuộc thi lớn hơn, để rèn luyện bản lĩnh sân khấu, tập đứng trước đám đông. Nhưng thú thật hôm thi sơ khảo vẫn rất run và hồi hộp, trước khi thi do tập nhiều tôi bị viêm amidan nên phần thi không được tốt” - một thí sinh trẻ tuổi bật mí.

                
   Các thí sinh dự thi vòng sơ khảo.

Trong danh sách 40 thí sinh vào chung kết, ngoài những cái tên mới, còn có những giọng hát mà thành tích không xa lạ ở phong trào văn nghệ địa phương. Có nhiều giọng hát được đào tạo bài bản và đang công tác trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ. Đây cũng là dịp để họ giới thiệu giọng hát đến với công chúng, với mong muốn được đón nhận. Tiếp đó là những giọng hát được giải cao trong cuộc thi “Giọng hát vàng Phan Thiết 2019” vừa qua. Vì vậy, càng đi vào vòng trong, hứa hẹn cuộc tranh tài sẽ thú vị và không kém phần hấp dẫn.

Vừa bước ra khỏi cuộc thi Bolero, Phạm Ngọc Thuận tiếp tục thử sức ở cuộc thi “Ngôi sao biển”. Thuận chia sẻ: “Ngoài yêu thích Bolero, em còn hát được nhiều dòng nhạc,  tham gia cuộc thi để em biết mình hợp ở thể loại nào mà phát huy. Là người học thanh nhạc từ 7 - 8 năm trước, nhưng đam mê của em tạm dừng lại để ổn định cuộc sống, giờ em muốn tiếp tục nó”.

Thực tế, Bình Thuận là chiếc nôi của phong trào văn nghệ. Bằng chứng là trong suốt thời gian qua nhiều giọng hát đã trưởng thành, hoạt động trong nghề cho đến nay. Những giọng hát một thời, ít ỏi còn hoạt động nghề, phần còn lại đều phải tất bật mưu sinh. Mấy năm nay, những cuộc thi ca hát mở ra, quy mô hơn, chuyên nghiệp hơn và thu hút nhiều “hạt nhân” văn nghệ quay trở lại. Điển hình là Ali Hoàng Dương – quán quân cuộc thi Việt Nam idol, Như Ý, quán quân Ngôi sao biển lần thứ I – 2018, quán quân Liên hoan Bolero lần I – 2018, quán quân Solo cùng Bolero do Đài Truyền hình Vĩnh Long tổ chức. Điều ngạc nhiên những giọng hát thành danh lại là người ngoài địa phương, đi lên từ phong trào.

Nhìn lại những giọng hát bị “đóng khung” ở các cuộc thi phong trào, hiện đang vất vả mưu sinh bằng những nghề khác. Vẫn biết họ là những tài năng, nhưng sau cuộc thi lại không thể quảng bá được tiếng hát của mình đến với công chúng. Mặt khác, làng văn nghệ của địa phương được mặc định trong những chương trình khô cứng và có phần khiên cưỡng về nghệ thuật. Nghệ thuật phải thật sự gần gũi với công chúng. Công chúng cần những món ăn tinh thần mà họ thích, chứ không phải ép họ thưởng thức theo kiểu đến hẹn lại lên.

Một vấn đề nữa là thiếu kinh phí tổ chức, thiếu bàn tay đạo diễn am tường của nghệ thuật quần chúng để duy trì và phát triển nó. Xã hội hóa văn nghệ là cần thiết, nhưng muốn được sự đồng hành từ các đơn vị, cá nhân, ít ra họ phải được nhìn thấy sản phẩm chất lượng của cuộc thi, họ mới mạnh dạn đầu tư. Đó là chưa kể, sau cuộc thi các giọng ca đạt giải cao, họ có đất để sống với nghề hay không? Hay tiếp tục bấp bênh trên con đường mình vốn đam mê. Vực dậy một phong trào không đơn giản nhưng để nó sống, không bị đứt đoạn là một vấn đề và tầm nhìn của nhà tổ chức!?

Quang Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tìm kiếm những hạt nhân văn nghệ