Theo dõi trên

Tìm về câu hát quê xưa…

06/09/2019, 14:08

Bài 2: Chuyện phủ thành

BT- Thuở trước cha ông vào khai hoang lập ấp thường tụ cư ở 2 bên bờ bãi một con sông mà mở rộng ra. Đôi bờ Cà Ty cũng vậy. Bên này sông là làng Phú Tài chạy lên Phú Hội, bên kia là Phú Lâm cho tới Phú Sung với những xóm thôn Phú Khánh, Phú Hưng, Phú Mỹ, Phú Phong… Một vùng quê trù phú, có phải vậy mà nhà Nguyễn đặt cho chữ Phú.

                
Sông Cà Ty xưa. Ảnh tư liệu.

Làng Phú Tài có vị trí trung tâm, bởi là nơi đặt phủ thành Hàm Thuận (1838) với hệ thống phòng thủ vọng gác, tường hào bao quanh (nay là khu vực sân vận động và nhà máy nước). Năm Thành Thái thứ 10 (1898), tỉnh thành Bình Thuận từ thôn Hòa An, phủ Hòa Đa được dời về đây, khuôn viên được mở rộng và trùng tu, hào được đào sâu hơn, phủ thành Hàm Thuận được dời xuống phía dưới gần chỗ cầu Quan. Tỉnh thành nằm trong vòng thành kiên cố với 4 cửa nhìn ra 4 hướng đông, tây, nam, bắc; phía trước là hành cung dành cho nhà vua khi ngự giá, là nơi các quan viên địa phương đến bái yết chiêm ngưỡng triều đình tượng trưng bằng chiếc ngai sơn son thiếp vàng nhân những ngày khánh tiết. Hành cung cũng là nơi làm việc của quan viên. Bên cạnh phủ thành và tỉnh thành, các quan viên với truyền thống nho học đã cho xây nhà hội Văn Thánh và miếu thờ đức Khổng Tử và các học trò, đắp thêm một con đường từ cổng thành ra khu Văn Thánh cho tới bến đò bên sông Cà Ty, từ đó có tên bến đò Văn Thánh (nay là khu dân cư Văn Thánh) và khu vực ở tỉnh thành có tên Xóm Tỉnh cũng từ đó. 

Từ Văn Thánh, con đò nối làng Phú Tài qua làng Thành Đức, xuôi dòng về với cầu Quan ra cửa Cồn Chà, vào phố chợ mang theo món đặc sản quê hương “bánh tráng mạch nha”. Cũng chính đặc điểm “một chuyến đò ngang ra tới chợ” mà Phú Tài ngoài “mạch nha” còn có bánh quy, bánh ú, bánh ú lá tre, bánh bò, bánh bò trong… đưa vào Phan Thiết phục vụ hàng ngày và giỗ chạp. Hoặc đi lên đôi bờ bên này Phú Hội, bên kia Phú Phong thơm ngát hương bưởi, hương cau quấn quít vườn trầu.

Trong dân gian còn truyền kể lại chuyện ngày trước các quan phủ Hàm Thuận, vào những đêm trăng sáng thường tổ chức đờn ca trên một con đò thả trôi dòng bát ngát ánh trăng, đò trôi chầm chậm từ Văn Thánh lên tới Vườn Trầu (Phú Phong). Ngoài những người biết đờn ca ở vùng Phan Thiết - Hàm Thuận, thì những cuộc chơi không thể thiếu người đẹp hầu trà, hầu rượu. Trong một lần đi điền dã xung quanh Phan Thiết, tôi biết được câu chuyện có một người đàn bà đẹp ở một làng, hồng nhan đa truân sao đó mà mãi đơn thân lẻ bóng, song không qua được mắt quan, thôi thì cứ mặc cho số phận, dân gian làng ấy mới có câu ca: “Tai nghe quan phủ đòi hầu/Mua trái bồ kết gội đầu cho thơm”. Cũng có lần đi điền dã ấy, tôi bắt gặp câu ca: “Anh về Phan Thiết đưa đò/ Trước đưa quan khách sau dò ý em”. Phải chăng đó là câu hát của một người chèo đò si tình nào đó!?.

                
Người dân Phan Thiết chở nước mắm đi bán    bằng xuồng trên sông Cà Ty xưa.

Đó là những chuyện kể lại trong dân gian. Còn trong sử sách thì dòng sông ấy, bến đò này còn ghi lại bao chuyện những quan viên, những nhà nho một lòng thương dân nhớ nước. Từ năm 1862, Nguyễn Thông tỵ địa ra Phan Thiết, một đêm trăng sáng bàng bạc trên sông, ông tức cảnh làm bài thơ “Phan giang dạ bạc” (Đêm trên sông Phan) ca ngợi vẻ đẹp sông Phan với câu thơ đẹp “Cô chu thoa lạp nguyệt minh trung” (Thuyền đơn nón lá ngợp ánh trăng) và sau này có bài “Hàm Thuận cảm hoài” viết bên dòng sông bến nước phủ thành Hàm Thuận mà thương nhớ về Nam. Những năm đầu thế kỷ XX (1906 - 1909), các nhà nho lập Liên Thành thư xã lấy võ ca đình làng Phú Tài làm chỗ đọc sách bình thơ theo tư tưởng “Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh”, nơi đây chí sĩ Phan Châu Trinh từng diễn thuyết truyền bá tư tưởng yêu nước và khai mở phong trào “Duy Tân” ở Bình Thuận.

Có một câu chuyện mà khi nói đến tỉnh thành Bình Thuận thì không thể nào không nhắc tới. Đó là vào tháng 2/1927, nhân tết cổ truyền Đinh Mão, quan Tuần vũ Bình Thuận tổ chức lễ bái vọng nhà vua rất long trọng tại hành cung trong tỉnh thành. Trong khi các quan viên cân đai áo mão chỉnh tề theo thứ tự phẩm trật xếp theo 2 hàng cúc cung quỳ lạy bên dưới chiếc ngai vua thì tên Gillot, phó sứ Pháp đi với viên thanh tra đồn GI dắt con chó bẹc giê lông xù vào xem hành lễ. Những người dân Xóm Tỉnh xôn xao. Viên quan Tuần vũ ngực đeo đầy mề đay biết nhưng đành tím mặt ngậm tăm. Chỉ có ông giáo Lành, một viên chức nhỏ trong làng dám đấu tranh bằng cách viết tin bài gửi đăng trên báo Tân Thế Kỷ ở Sài Gòn tố cáo sự ngạo nghễ xem thường tục lệ Việt Nam của bọn thực dân cho cả nước biết.

Tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp, tỉnh thành Bình Thuận đóng cửa, quan chức của chính phủ Trần Trọng Kim tại địa phương làm việc tại Tòa sứ được gọi là Tòa tỉnh trưởng Bình Thuận. Ngày 24/8/1945, Cách mạng Tháng Tám thành công tại Phan Thiết, xóa sổ chế độ phong kiến. Đầu năm 1946, thực dân Pháp tái chiếm Phan Thiết. Thực hiện tiêu thổ kháng chiến, nhân dân ta đã phá hủy những cơ sở nhà cửa của tỉnh thành Bình Thuận cũ. Và phủ thành Hàm Thuận cũng không còn, bọn địch lập ra quận Hàm Thuận và Chi khu quân sự đóng ở Ngã Hai (làng Phú Lâm cũ).

Làng Phú Tài có vị trí trọng tâm như vậy nhưng tiếc thay ngôi đình làng xưa đã không còn. Ngày 28/11/1934, Khâm sứ Trung kỳ quyết định thị xã Phan Thiết quản lý theo chính quyền đô thị, có Chủ tịch Ủy ban do Công sứ Pháp kiêm chức đốc lý, Phó Chủ tịch là Tuần vũ Bình Thuận, trực tiếp có quan Bang tá Phan Thiết làm việc với đốc lý Pháp và quan tỉnh Nam Triều. Thị xã Phan Thiết không còn thuộc tổng Đức Thắng, phủ Hàm Thuận, không còn làng, xã mà thành lập 6 phường: Đức Long, Lạc Đạo, Đức Nghĩa, Đức Thắng, Bình Hưng và Phú Trinh, trong đó phường Phú Trinh hợp nhất từ một phần làng Phú Tài với một phần làng Trinh Tường. Về sau Phú Tài (còn lại) hợp với Đại Nẫm mà thành Đại Tài. Đình làng Phú Tài xưa trở thành nhà làm việc của phường Phú Trinh (về sau là ấp), năm tháng đi qua cùng chiến tranh khốc liệt, sau hòa bình đình làng xưa không còn nữa.

Trải qua thăng trầm lịch sử, tháng 7/2001, Phú Tài trở lại tên xưa, không còn là làng, là xã, mà là một phường phát triển nhanh theo tốc độ đô thị hóa của thành phố Phan Thiết. Văn Thánh bây giờ là một khu dân cư mới bề thế với đầy đủ các công trình hạ tầng đô thị. Bà con ở Đức Thắng, Hưng Long, Bình Hưng lên ở theo chương trình chỉnh trang và mở rộng TP. Phan Thiết. Đình làng xưa không còn, song bà con nghề biển ở Bình Hưng lên xây mới dinh vạn Hiệp Hưng, cho lễ hội Cầu Ngư rộn vang tiếng trống chầu hát bội và ngày tết cổ truyền, Phú Tài lại có một chiếc thuyền đua nhịp nhàng vào hội. Văn Thánh, bến đò xưa không còn, song con đò chở “bánh tráng mạch nha” qua chợ lớn và câu ca “Phú Tài” ngày cũ… đưa ta về với một tình yêu tha thiết quê hương!

VÕ NGỌC VĂN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tìm về câu hát quê xưa…