Theo dõi trên

Tìm về những đạo sắc phong 

09/08/2019, 11:12

BT-  Hơn 300 năm, với bao thăng trầm lịch sử của vùng đất Phan Rí Cửa, những đạo sắc phong vẫn được người dân lưu giữ hết sức cẩn thận. Những sắc phong này được xem là “báu vật” vô giá của tiền nhân truyền lại, để lại niềm tự hào đời đời cho con cháu…

47 đạo sắc phong - những báu vật vô giá

Chúng tôi về Phan Rí Cửa trong sắc nắng hanh hao mùa hạ, cánh phượng hồng còn cháy đỏ trên cây. Cảnh vật đổi thay nhiều quá, làng Thanh Tu bên tả ngạn con sông Lũy thuở chúa Nguyễn khai hoang mở cõi giờ đã là những dãy phố cao tầng, bến cảng, cầu đường, siêu thị, trung tâm văn hóa thể thao… Trong ký ức xa xưa, khi các cư dân miền ngoài vào nam, đến Phan Rí Cửa thấy nơi đất lành, địa thế thuận lợi, ngư trường rộng lớn nên dừng chân khai phá đất đai lập nghiệp. Quá trình sinh sống và phát triển, cùng với việc hình thành làng, xã thì cũng xuất hiện nhiều công trình văn hóa tín ngưỡng và lễ hội đặc sắc, phản ánh khá sinh động đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân làng biển qua các thời kỳ, tiêu biểu như đền thờ Hùng Vương, miếu Hải Tân, vạn Tả Tân, đình làng Thanh Tu, vạn Nam Thuận Thanh, vạn Nam Phú, vạn Hội lưới Năm… Đặc biệt, ở các triều vua đều có phong sắc cho các đình làng, vạn miếu, phê chuẩn công lao của các vị thành hoàng, các nhân thần có công lao vì nước vì dân.

                
   Ông Bùi Châu với sắc phong tại miếu Hải    Tân.

Nằm trong quần thể kiến trúc bề thế, trang nghiêm, miếu Hải Tân là nơi có giá trị tư liệu quý giá về sắc phong của các triều vua và nghi lễ cúng tế. Bao năm qua, ngôi miếu này vẫn mang vẻ cổ kính với những mảng chạm rồng, mây, hoa lá cỏ cây tuyệt đẹp, hướng mặt ra biển thoáng rộng, mái lợp ngói âm dương, nền lát gạch bát tràng, kết cấu bộ khung được lắp ghép bằng những loại gỗ quý, phía trước có cổng tam quan tường xây đá tổ ong trộn vôi vữa, có cây me tỏa bóng, vươn mình che chở cho miếu. Nói “chuyện xưa tích cũ”, ông Bùi Châu, 70 tuổi, Trưởng Ban quản lý miếu Hải Tân cho biết: Miếu Hải Tân được xây bằng tranh tre, nứa lá đơn sơ có từ cuối thế kỷ thứ 18 ở làng Hải Bình, đến thời Minh Mạng thứ 13 (1832) mới dời về làng Hải Tân. Miếu thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, Quan Thánh đế và các vị thần linh có công khai phá, tạo dựng vùng đất này, là điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của ngư dân vùng biển. Tại miếu Hải Tân còn lưu giữ các di vật có giá trị như 8 khám thờ, 7 hương án, 15 bức hoàng phi, 12 câu đối, đại hồng chung và nhiều tư liệu Hán Nôm quý, đặc biệt là 31 sắc phong do các vị vua nhà Nguyễn từ vua Minh Mạng đến vua Bảo Đại phong tặng cho miếu.

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn xem các sắc phong, ông Châu ậm ừ vì lệ tục, nhưng sau một hồi chuyện trò, ông mới gật đầu. Sau khi thắp hương khấn vái và làm lễ tục xin phép, ông chậm rãi lấy từ trong hộp gỗ ra những bản sắc phong mà xưa nay vốn được ông và người dân xem như báu vật của làng. Ông Châu từ tốn mở cho chúng tôi xem các bức sắc phong gần 200 tuổi, trong đó đời vua Thiệu Trị có 18 sắc phong, đời vua Tự Đức có 9 sắc phong, đời vua Đồng Khánh có 1 sắc phong, đời vua Khải Định 1 sắc phong và đời vua Duy Tân có 2 sắc phong. Tất cả các sắc phong đều viết bằng chữ Hán Nôm trên giấy kim tiền màu vàng nhạt, nền ẩn hình tượng rồng múa lượn tượng trưng cho uy quyền của các vua triều Nguyễn và có đóng ấn “Sắc mệnh chi bảo”. Sắc phong tại miếu Hải Tân chia làm 3 hạng thượng đẳng thần, trung đẳng thần và hạ đẳng thần gắn với trách nhiệm của thần, nghĩa vụ của người dân trong làng, được cuộn tròn trong từng nhóm đặt trong hộp gỗ, để ở khám thờ trên nóc mái nơi các vì kèo, trính và con đội nối nhịp nhau ở 4 cột trung tâm chính điện.

Tay nâng niu bản sắc phong, ông Châu kể thời kỳ đất nước có nhiều biến động, chiến tranh xảy ra liên tục, nhất là khi chế độ cũ tăng cường quản lý các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo nên hầu hết các lăng vạn, đền miếu ở Phan Rí Cửa được dồn về một điểm để kiểm soát, do vậy đã bao lần các sắc phong phải di chuyển từ nơi này đến nơi khác khi miếu Hải Tân bị tháo dỡ hoàn toàn. Với tâm nguyện của nhân dân, dù có phải mất mát nhà cửa, tài sản nhưng 31 “báu vật” đó phải được gìn giữ trọn vẹn trước dòng biến thiên của lịch sử. Đến năm 1969, nhân dân mới huy động sức người, sức của xây dựng miếu Hải Tân đàng hoàng hơn và đưa các sắc phong vào lưu giữ đến ngày hôm nay.

 “Bao thế hệ dân làng vẫn luôn tôn thờ những bản sắc phong này, bởi ngoài ý nghĩa về giá trị tâm linh thì giá trị lịch sử vô cùng to lớn. Như một chứng tích của lịch sử, những bản sắc phong của làng còn lưu giữ được, đã ghi lại đầy đủ công lao, sự đóng góp của các vị thần đã có công “khai thiên lập địa” mở mang bờ cõi quê hương cũng như bảo vệ bình yên cho mọi người. Đây được xem là tài sản vô giá của làng không có gì đánh đổi được”- ông Châu bộc bạch.

Rời miếu Hải Tân, chúng tôi đến vạn Tả Tân. Đây là ngôi lăng vạn nghề cá cổ kính, được xây dựng năm Kỷ Mão 1819, lúc đầu lấy tên là vạn Nam Bình, đến năm Tân Tỵ 1821, vua Minh Mạng cấp sắc chỉ cho vạn Nam Bình. Và đây là lần đầu tiên ở Phan Rí xã, Hòa Đa quận, Bình Thuận phủ được vua Nguyễn cấp phong sắc thờ thần Nam Hải. Đến năm Tự Đức thứ 24 (1870) đổi tên Nam Bình thành Tả Tân cho đến nay. Trên 200 năm tuổi, vạn Tả Tân còn lưu giữ 16 sắc phong từ thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại… Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Văn Bốn (65 tuổi) thư ký Ban quản lý vạn Tả Tân cho biết cùng với các loại văn bản và thư tịch cổ như chiếu, chỉ, hịch, văn bia, gia phả… sắc phong được xem như một loại văn bản pháp quy chính thống của nhà nước phong kiến, vừa có giá trị về niên đại, vừa có giá trị về lịch sử, văn hóa. Trước giờ, sắc phong được xem là đại diện cho vua nên người dân rất mực tôn kính. Mỗi năm, vạn Tả Tân mở sắc phong 2 lần theo lệ vào ngày 17/4 và ngày 17/7 âm lịch. Mỗi lần thỉnh sắc đều phải thực hành các nghi lễ cúng tế trang nghiêm, thành kính. Theo ông Bốn, từ khi có lăng vạn đến nay, cư dân trong làng đã giao cho 19 vị luân phiên nhau coi quản, dù thời chiến tranh mưa bom bão đạn nhưng làng vẫn quyết tâm giữ gìn bảo vệ đến cùng với suy nghĩ “người ở đâu vật ở đó, người còn thì sắc phong còn”. Các thế hệ con cháu sau này cũng sẽ giữ gìn những giá trị do cha ông để lại, để sắc phong được tỏa sáng, phát huy hết giá trị trong đời sống văn hóa tinh thần của cư dân làng biển. 

Niềm tự hào đời đời của con cháu

Vạn Tả Tân và miếu Hải Tân được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2008. Mỗi năm, vạn Tả Tân có 3 lệ cúng tế là lệ đầu mùa, lệ đại đàng, lệ chính cầu ngư với mục đích cầu thần Nam Hải tạo cho mưa thuận gió hòa, ngư trường được dồi dào cho ngư dân đánh bắt. Miếu Hải Tân cũng vậy, từ xưa đến nay vẫn giữ thông lệ cúng Xuân Thu nhị kỳ vào rằm tháng 2 và rằm tháng 8 hàng năm, tháng 3 có cúng Thanh Minh đăng đàn chẩn thí cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhân dân hạnh phúc ấm no. Các nghi lễ dù trải qua nhiều thế hệ nối tiếp thực hiện nhưng vẫn bảo lưu đúng phong tục, tập quán dân gian xưa, theo một quy định chuẩn mực chặt chẽ và cụ thể của một lễ hội văn hóa dân gian truyền thống.

Đứng ở cầu Hòa Phú ngắm nhìn đô thị Phan Rí Cửa uốn theo chiều con sông Lũy xanh trong đổ ra biển lớn mới cảm nhận được vẻ đẹp, sự sung túc của một vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Nằm trong vùng đất “tam phan”, Phan Rí Cửa bây giờ đã có trên 40.000 dân, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, nhiều cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ mọc lên, tạo sinh kế đổi thay đời sống người dân. So với trước đây, người dân Phan Rí Cửa “bung ra” làm ăn ở nhiều nơi hơn, thế nhưng trong sâu thẳm tâm hồn vẫn luôn hướng về quê hương cội nguồn. Với người dân, sắc phong là một tư liệu quý về lịch sử khai lập làng, lập nước, thế hệ tiền hiền, được bảo quản, giữ gìn để các thế hệ con cháu đời sau vẫn còn giữ gìn trân trọng những bảo vật quý giá. Mỗi sớm, mỗi chiều, nhất là lễ hội kỳ yên, nhân dân trong làng dâng những vật phẩm làm từ mảnh đất màu mỡ của làng để tỏ lòng tri ân các bậc tiền hiền đã có công khai lập làng, đồng thời cũng là dịp để dân làng long trọng rước sắc tôn vinh công trạng. Trong khói hương, giữa chốn quê hương thanh bình, tất cả họ đều nguyện cầu cho mưa thuận gió hòa, sức khỏe bình an, làm ăn phát đạt. Tại đây, mỗi người đều thấy lòng mình thanh thản, thêm yêu quê hương, hướng lòng về những điều thiện, xây cuộc đời no ấm, hạnh phúc, văn minh.

Chia tay Phan Rí Cửa, tôi vẫn nhớ câu nói của ông Nguyễn Văn Tâm - Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Phan Rí Cửa: “Các sắc phong ở lăng vạn, đền miếu là “báu vật” của nhân dân, niềm tự hào đời đời của con cháu. Nơi ấy, không chỉ có giá trị lịch sử, tư liệu quý giá mà còn là nơi giữ hồn cốt lễ hội dân gian, là “nhà” để người dân trong làng dù có đi đâu vẫn nhớ trở về…”. 

MINH CHIẾN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tìm về những đạo sắc phong