Theo dõi trên

Tò he, tôi và các em

02/03/2018, 09:25

BT- Một buổi chiều, kết thúc công việc tại cơ quan, tôi lái xe về nhà. Qua những con đường quen thuộc, tôi bắt gặp một hình ảnh đã khá lâu mới xuất hiện ở La Gi. Một người đàn ông đứng tuổi đang nặn và bán những con tò he trước ngôi trường tiểu học và vây quanh người bán là những đôi mắt tròn xoe của các em nhỏ, nhìn ngắm một cách thích thú. Những con tò he đã gọi tôi về với tuổi thơ tôi!

                
Người nặn tò he.

Ngày còn bé, trước ngôi trường tiểu học tôi học, có tới hai, ba hàng bán tò he. Những con tò he xanh đỏ với nhiều hình dáng: Chị Hằng, chú Cuội, Tôn Ngộ Không, chú Tễu… hay những con gà, con vịt… đầy hấp dẫn. Đối với tôi, muốn có được những con tò he ấy, phải nhịn ăn sáng mới có thể mua chúng. Bởi vậy, hôm nào mua được một con tò he theo ý thích, tôi vui sướng cả ngày, đến nỗi không ăn cũng thấy no.

Ngày xưa, để nặn tò he, người ta dùng bột gạo pha nếp xay nhuyễn. Thứ bột ấy sau khi luộc chín, vắt lại thành cục, trở nên rất dẻo, có thể tạo hình theo ý muốn. Về màu, người ta dùng hoa trái trong vườn nhà để tạo nên. Chẳng hạn, màu đỏ của quả gấc, màu vàng từ củ nghệ, màu xanh từ lá cây, lá rau… Bột sau đó được nhào nặn với màu để trở thành nguyên liệu chính nặn nên những con tò he.

Chính vì sử dụng những nguyên liệu tự nhiên, nên trong quá trình chơi, chúng tôi có lỡ ăn hay nuốt phải thì cũng  không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, vì làm từ bột gạo nên chúng không để được lâu, khoảng vài ngày  sẽ dễ bị mốc và khô, nứt.

                
Niềm vui vì có tò he.

Ngày nay, tò he không còn được làm từ bột gạo nữa mà bằng những cục đất nặn. Người đàn ông trước cổng trường  chiều nay tôi gặp rõ là mang theo rất nhiều đất nặn, chưa kể con dao nhỏ, vài que tre, cục sáp ong và một thùng xốp để cắm tò he lên đó... Chỉ sau ít phút, dưới đôi bàn tay khéo léo của ông, những cục đất nặn  trở thành những con tò he vô cùng ngộ nghĩnh và đáng yêu. Mẫu mã thì đa dạng, thay vì là những vật thường gặp trong đời sống của tuổi thơ tôi.

Ngày nay, người bán tò he có thể nặn ra người nhện, siêu nhân, búp bê, Đôrêmon, cô Tiên Thumbelina... đáp ứng sở thích của các khách hàng nhí.

Có thể nói, với nhiều người, tò he là đồ chơi dân gian độc đáo. Những đồ chơi ấy, tuy nhỏ bé, dân dã nhưng lung linh sắc màu trong ký ức  mỗi người.

Những con tò he chiều nay tôi gặp rồi sẽ đi vào  tâm tưởng, trở thành kỷ niệm đẹp đẽ với các em nhỏ  quê tôi, La Gi!

Rạng Đông



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tò he, tôi và các em