Theo dõi trên

Tôi đi xem “hoa khôi”  chim chào mào

27/06/2016, 10:53

BT- Khi cuộc sống gần như cuốn người ta ngày càng bận rộn, mệt nhoài và lúc thảnh thơi có người sẽ tìm đến những thú vui tao nhã, ngắn ngủi nhưng ở đó có sự rộn ràng, có sự chăm chút và cả quy chế nghiêm ngặt. Và tôi đã chứng kiến một cuộc thi chim chào mào giữa lòng Phan Thiết. Thích thú bởi nó thanh tao, sạch sẽ không phải là cuộc chọi chim ăn thua...

                
Nhật Phương mang chú chim cưng đi thi.

Thú vui khó

Sáng sớm, khuôn viên Nhà thiếu nhi Phan Thiết đã rộn rã tiếng cười đùa của những người đàn ông bên tách cà phê sáng. Một bức backgoup dựng sẵn khiêm tốn đủ để mọi người nhận biết sắp diễn ra một cuộc thi chim chào mào. Tôi có cảm giác đây là cuộc thi “hoa hậu” chim mới đúng. Sân khấu để các chú chim trình diễn là dàn khung sắt dựng sẵn. “Thí sinh” là những chú chim được nuôi trong những chiếc lồng được chạm trổ rất đẹp, bên ngoài là những chiếc áo phủ được may phối đẹp mắt và trang nhã theo “gu” thẩm mỹ của người nuôi. Lần lượt, các nghệ nhân mang chim đến, Ban tổ chức phát số báo danh cho từng “thí sinh”. Lúc này, chủ nhân – nghệ nhân nuôi chim giống như những ông bầu đưa “gà” đi thi. “Chơi chào mào kỳ công lắm, chăm sóc từng chế độ ăn, uống vào từng thời điểm. Lúc nào cho đi tắm nắng, khi thay lông phải cho ăn gì... Có người mua về, phải xin nguồn nước uống cho quen dần chứ không là thất bại ngay” – anh Duy chia sẻ.

Có điều thú vị là, nếu như thú chơi chim thanh tao này thường thấy ở những người lớn tuổi, có điều kiện kinh tế ổn định thì hiện nay nhiều bạn trẻ cũng tìm đến và học cách chơi chim. Nuôi chim chào mào là một trong những thú vui tao nhã và kỳ công nhất trong các loài chim, vì dáng đẹp, tiếng hót hay. Tại khu vực treo chim, tôi có dịp quan sát kỹ hơn về từng chiếc lồng son của từng chủ nhân. Ở đó nó phần nào phản ánh tiềm năng kinh tế của người chơi loại chim này. Một chiếc lồng rẻ nhất cũng vài ba triệu đồng/chiếc, cao nhất có chiếc lên đến vài chục triệu đồng như hiện nay của chủ quán nhậu khá nổi tiếng trên đường Tôn Đức Thắng. Giá trị từng chú chim chào mào thì khỏi nói, phần định lượng này phụ thuộc vào thành tích cống hiến của từng chú chim, vài triệu đồng có, vài chục triệu đồng cũng có, chỉ những nghệ nhân mới nhận ra giá trị thật của nó.

Hội thi chim chào mào lần thứ 3 do CLB Chim chào mào TP. Phan Thiết tổ chức. Đây cũng là dịp để những nghệ nhân trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, nuôi dưỡng thú nuôi và thú vui tao nhã. Gần 70 chú chim chào mào được tập kết tại điểm thi, từ các nơi: Mũi Né, Hàm Thuận Nam, Hàm Tiến... “Ban tổ chức sẽ tuyển lựa theo từng vòng, các trọng tài là người có kinh nghiệm sẽ lựa chọn những “thí sinh” mắc lỗi và loại từ từ, sau đó sẽ chọn 10 “thí sinh” vào chung kết. Nói vậy chứ khó lắm, như thi hoa hậu vậy” – anh Lê Văn Bảy, Phó chủ nhiệm CLB Chào mào Phan Thiết chia sẻ.

Như thi hoa khôi

Mỗi vòng thi 5 phút, 5 giám khảo phải tinh tế trong từng ánh mắt quan sát, tai phải lắng nghe để chú chim bị loại phải được chủ nhân tâm phục khẩu phục. Phương, một bạn trẻ ở phường Đức Thắng, với thái độ bình tĩnh ngồi xem “gà” mình thi đấu. “Lần trước, lọt vào top 20 nên năm nay em thử sức tiếp. Cũng hên xui anh, vì thời tiết này, rất dễ làm các “thí sinh” hoảng loạn hoặc mắc lỗi” – bạn Huỳnh Nhật Phương nói. Ngay trong thời gian thi, trời chuyển mưa. Sân khấu ngoài trời phải chuyển vào trong nhà, nên ít nhiều các “thí sinh” chào mào xuống tinh thần. Ban tổ chức phải cần có thêm thời gian để ổn định.

Đúng như nhiều nghệ nhân chia sẻ, những chú chim chinh chiến nhất đã lộ diện: đẹp từ dáng vóc đến tiếng hót theo tuyên bố của trọng tài trong tiếng vỗ tay của những “ông bầu” có “thí sinh” vào vòng chung kết. Giải nhất thuộc về chào mào của nghệ nhân Nguyễn Minh Hưởng, giải nhì thuộc về chào mào của Huỳnh Nhật Phương, giải ba thuộc về chào mào của anh Nguyễn Hồng Lĩnh.

“Giải thưởng tuy không cao, nhưng đây là nguồn động viên tinh thần cho anh em khi chăm sóc, nuôi dưỡng chim, vì tôi nghĩ rằng đây là thú vui thanh tao cần duy trì để cuộc sống được cân bằng” – anh Lê Văn Bảy cho biết. Cuộc thi chim chào mào lần thứ 3 được tổ chức sẽ là bước đệm để tổ chức cuộc thi chim chào mào mở rộng sắp đến. “Điều đáng mừng là những nghệ nhân chăm sóc và nuôi dưỡng theo thú vui tiêu khiển của mình chứ không để tình trạng biến tướng theo chiều hướng tiêu cực như cá cược làm mất đi nét văn hóa, thanh tao của thú chơi chim” – Phó Chủ nhiệm CLB Chào mào chia sẻ.

Quang Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tôi đi xem “hoa khôi”  chim chào mào