Theo dõi trên

Trao đổi ý kiến:

24/09/2017, 10:50

Trung thu 2017 : Bình cũ, “rượu” có ngon?

BTO - Trung thu đến gần. Tết thiếu nhi và Tết dĩ nhiên phải vui. Năm nào hễ cứ bắt đầu tháng 9, không khí lại chộn rộn với rất nhiều tâm trạng: háo hức, chờ đợi và thử thách trong “cuộc chơi” mang tầm quy mô của lễ hội. Phải thừa nhận từ khi nâng tầm, Lễ hội Trung thu là điểm nhấn trong hành trình chinh phục nét văn hoá của một vùng đất, mà ở đó du lịch đang thừa hưởng chứ không ai khác.

Chủ đề hay khẩu hiệu cứng nhắc?

Hẳn người dân Phan Thiết, lễ hội Trung thu chắc không còn xa lạ gì. Nó giúp chúng ta quay lại cả khoảng trời bình yên và thơ mộng của tuổi thơ. Bằng chứng, chính là vào đêm lễ hội diễn ra, hàng ngàn người đổ về hướng trung tâm, trên vỉa hè để thưởng lãm. Có chăng những tiếng xuýt xoa, bình luận và lần lượt trôi theo dòng người khi dòng sông ánh sáng ấy lướt qua chóng vánh.

Từ khi "nâng cấp" lên thành lễ hội và được ghi nhận là lễ rước đèn lớn nhất Việt Nam, có lẽ áp lực để “xứng tầm”cũng đang từng bước nâng lên. Thành đoàn Phan Thiết, trong mỗi năm để chuẩn bị cho lễ hội đã phải nghĩ ra chủ đề, tiêu chí chấm điểm. Và áp lực đó, muốn hay không phía các đơn vị trường học cũng phải thực hiện. Áp lực thi đua đã làm mất dần giá trị “Tết thiếu nhi” từ nhiều năm qua. Năm nay cũng không ngoại lệ, chủ đề “Chào mừng Đảng bộ Phan Thiết 70 năm hình thành và phát triển, Đại biểu Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố lần thứ XI nhiệm kỳ 2017 – 2022 và vui Tết Trung thu – Chào năm học mới 2017 - 2018”. Ngay cả chủ đề của một lễ hội mang tính chất văn hoá, truyền thống vẫn không thể thoát khỏi sự tuyên truyền máy móc và cứng nhắc. Lẽ ra, chủ thể của lễ hội phải là các em thiếu nhi, nhưng ở đây trẻ em trở thành thứ yếu. Có chăng là lực lượng hùng hậu diễu hành qua các con đường. Mệt lả thì lấy chi vui?!

Trong hội thảo gần đây nhất, bà Nguyễn Các Ngọc – phụ trách truyền thông (Trung tâm xúc tiến Thương mại TP.HCM), chia sẻ: “Khi tôi đọc thấy thông tin về chủ đề lễ hội trung thu như thế, tôi cam đoan không du khách nào hào hứng đến với lễ hội này. Lễ hội dân gian phải mang màu sắc của dân gian, trẻ em trong lễ hội phải được thoải mái bày tỏ, hào hứng và vui thích trong đem hội trăng rằm, với lồng đèn mà chúng yêu thích, vơi trang phục mà chúng yêu thích”. Bà Ngọc chia sẻ thêm: Bình Thận đang biến lễ hội Trung thu thành cuộc diễu hành khá gò bó cho học sinh suốt hành trình dài vài km, với đồng phục, tay cầm lồng đèn đồng màu, đồng kiểu.

Nói về Lễ hội Trung thu, ông Nguyễn Văn Mỹ có những phát biểu dí dỏm: “Nếu lễ hội Trung thu dành cho người dân Phan Thiết thì được, nhưng nếu phục vụ cho du lịch thì lạc hậu rồi. Mới nhìn thì thấy đẹp, nhìn lại thấy kỳ kỳ. Muốn tốt hơn chỉ có cách duy nhất phải thay đổi, sáng tạo và tiết kiệm. Lồng đèn nhỏ hãy để cho các cháu tự sáng to, tung tẩy trong suy nghĩ trẻ con thì mới có sức thu hút.”

Cạn kiệt ý tưởng

Nếu những ai từng tham gia đầy đủ các mùa lễ hội Trung thu, s sớm nhận ra rằng về mặt ý tưởng cho lồng đèn đối với các trường không phải chuyện đơn giản (vừa phải tính thẩm mỹ, vừa ý nghĩa...và dĩ nhiên phải có tiền). Hầu hết, vào mùa lễ hội Trung thu các trường học phải có ý tưởng rồi đặt hàng với các đơn vị thực hiện (công ty quảng cáo) làm lồng đèn lớn. Trường sẽ giao cho giáo viên chủ nhiệm vận động, hoặc nhờ ban đại diện cha mẹ học sinh vận động. Mỗi trường một lồng đèn lớn và 80 lồng đèn nhỏ. Kinh phí không phải con số nhỏ. Riêng lồng đèn nhỏ thì đặt khung và thầy cô có thể sẽ trở thành thợ dán, vẽ bất đắc dĩ.

Thật ra, cũng có nhiều trường xác định được ý nghĩa của lễ hội nên đã chọn những hình tượng, mô hình có tính chất gắn với tuổi thơ là những anh hùng, vị tướng, nhân vật bước ra từ câu chuyện cổ tích. Nhưng cũng không ít trường chọn gắn với các yếu tố thời sự, chính trị. Không sai, nhưng không phù hợp cho không gian đầy ắp sự trong trẻo của tuổi thơ.

Giá lồng đèn lớn trung bình dao động từ 35 đến 80 triệu/chiếc, lồng đèn nhỏ khoảng 250-500 ngàn/chiếc. Không chỉ có kinh phí làm lồng đèn, còn cả lực lượng hùng hậu kèn trống, nhà trường phải lo ăn uống cho học sinh tham gia đội rước đèn vào buổi chiều, kinh phí thuê xe, máy nổ, bồi dưỡng dân phòng tham gia đẩy xe, bảo vệ... Tất cả đều do nhà trường phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh vận động, từ phụ huynh, từ doanh nghiệp và các mạnh thường quân. Nhà trường không được cấp một đồng nào từ ngân sách hay nhận kinh phí từ thành phố để thực hiện chủ trương này.

Dĩ nhiên, với một lễ hội lớn lâu nay đã được duy trì càng không thể gạt bỏ, xong không thể kéo dài 2 năm một lần vì nó chứng tỏ sự kém ci trong khâu tổ chức. Nếu đã xác định và nâng tầm thành lễ hội rước đèn Trung thu lớn nhất Việt Nam để tạo điểm nhấn du lịch, Thiết nghĩ, UBND Thành phố Phan Thiết phải là chiếc cầu nối trực tiếp đối với các doanh nghiệp du lịch. Ở đây, không phải né tránh trách nhiệm nhưng cần thiết phải chung tay vì lợi ích chung và vì một lễ hội văn hóa dân gian đồng hành với du lịch suốt thời gian qua. Và xin đừng phí phạm tiền của sau mỗi đêm lễ hội, lồng đèn bị vứt bỏ trong những góc sân, bên vỉa hè, khi mà mới đêm hôm trước chính nó đã giúp thành phố xinh đẹp và lung linh hơn.

Quang Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trao đổi ý kiến: