Theo dõi trên

Tri ân những người “gác cửa”

21/06/2018, 10:11 - Lượt đọc: 108

BT- Cứ gần đến Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi lại thấy lòng lâng lâng những cảm xúc khó tả. Lục lại tất cả những mẫu chuyện, những bài báo đã được đăng thuở nào mà ngỡ như mới hôm qua. Ấy vậy mà cũng gần 9 năm tôi bước vào nghề báo. Trong quãng thời gian làm nghề thì gần 5 năm tôi may mắn được làm việc cùng những người “gác cửa” ở Tòa soạn. Ngày 21/6 năm ngoái tôi đã viết về công việc của họ, năm nay, tôi muốn dành thêm một tri ân tới những người làm công việc ấy mà chưa một lần lưu tên trên mặt báo. 

Không thể phủ nhận rằng, tác phẩm báo chí là “đứa con tinh thần” của tác giả. Để có được tác phẩm báo chí hay, tác giả phải trải qua quá trình “mang nặng đẻ đau”, từ ấp ủ ý tưởng, khảo sát thu thập thông tin, xử lý số liệu tài liệu, giam mình trong một không gian, thời gian nhất định để thai nghén, định hình, nhào nặn nên một tác phẩm hoàn chỉnh. Tuy nhiên, dù cẩn trọng đến mấy tác giả vẫn không thể tránh khỏi những sai sót nhất định trong việc sử dụng ngôn từ, hành văn, lối diễn đạt, chính tả, kỹ thuật đánh máy... lúc đó vai trò của những người làm công việc biên tập, trình bày, soát lỗi rất quan trọng.

Đến bây giờ vẫn còn có người nghĩ rằng bộ phận thư ký nhàn nhã, nhưng không, đó là một chuỗi công việc không tên cuốn họ vào một guồng quay vô cùng áp lực. Bạn có biết để có một tờ báo đẹp, phong phú nội dung, đẹp về hình thức, ngày trước đó biên tập viên phải xử lý, chọn lọc và đọc một khối lượng rất lớn tin, bài của các phòng phóng viên, cộng tác viên để tổng hợp, phân loại rồi tiến hành biên tập, lên trang đảm bảo chính xác, đáp ứng tính thời sự. Ngay cả bộ phận kỹ thuật cũng đau đầu vì không phải hình ảnh nào của phóng viên chụp cũng đảm bảo bố cục, chất lượng tốt, nên nhiều khi phải mất hàng giờ để xử lý, cắt gọn để bài viết sinh động và làm “mềm” trang báo. Thậm chí họ còn nhiệt tình hướng dẫn phóng viên những chuyến tác nghiệp sau đặt góc máy như thế nào để đạt hiệu quả hơn. Nếu từng đọc một tờ đặc san của ngành, tôi tin bạn sẽ thấy sự khác biệt rất rõ đó.

Trước kia, chưa làm công tác morat, tôi cũng có suy nghĩ như nhiều người rằng đó là công việc đơn giản, chỉ việc đọc và soát lỗi chính tả. Thực tế, vào làm nghề tôi mới thấy sự khó khăn của việc đọc như thế nào và mới thấy một trong những đức tính cần thiết của công việc này là cần phải nắm bắt tri thức sâu rộng, đọc và biết tư duy một cách logic các sự kiện, hiện tượng được phản ánh trong bài cũng như yêu cầu đức tính cần cù, tỉ mẩn. Chúng tôi đã từng đánh vật với những bản thảo chi chít mực xanh, mực đỏ mà các biên tập trực xuất bản sửa; đã kịp thời phát hiện rất nhiều đề tài mà số báo trước vừa đăng. Công việc đọc hàng ngày trên bản bông, rà soát lỗi chính tả cũng không hề đơn điệu, tẻ nhạt như mọi người nghĩ mà qua việc đọc đó, những người làm morat đang tự làm giàu nguồn thông tin của mình. Và mỗi ngày, tôi lại học thêm được từ các anh chị ở Phòng Tòa soạn tính kỷ luật rất nghiêm, sự kiên nhẫn; thấy mình trưởng thành, chững chạc hơn so với ngày nào.

Một ngày đối diện với màn hình máy tính, đánh vật với những con chữ, mắt cay xè, nhưng họ chỉ thật sự thở phào khi ngày hôm sau tờ báo không mắc các lỗi về trình bày, sai tít bài, ảnh không phù hợp… Nói thế để thấy rằng báo chí là sản phẩm của một tập thể, công việc nào cũng rất quan trọng. Minh chứng là liên tục những năm qua, Báo Bình Thuận đã được bạn đọc trong và ngoài tỉnh đón nhận và có sự phản hồi tích cực nhờ sự đột phá về nội dung lẫn hình thức.

Thùy Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tri ân những người “gác cửa”