Theo dõi trên

Trôi về đâu đôi mắt thuyền thuở nọ?

04/05/2018, 13:59 - Lượt đọc: 840

BT- 1. Thuở bé, nhà ở gần vùng sông nước, cái khúc sông nhỏ, mở rộng ra vịnh biển, là nơi ghe thuyền ghé lại, nghỉ ngơi hay sửa chữa, chuẩn bị cho chuyến ngược thương hồ, hoặc chuyến hải hành xa...

Ghe thuyền từ miền Tây xuôi về, mỗi chiếc thuyền là một gia đình nhỏ với đủ vợ chồng, con cái nên mọi sinh hoạt đều diễn ra trên ghe, thuyền. Ghe miền biển thì hội tụ những bạn chài lưới, cùng chung đi biển và thường là những chiếc ghe lớn, chạy bằng máy dầu với mã lực lớn. Những bạn chài, làn da nâu đen bóng, lực lưỡng với những bắp thịt săn chắc, cuồn cuộn, khi kéo dây neo, dây buồm hoặc giũ lưới. Phần đông đều hiền lành, chất phác và rất thích trẻ con, nên đám trẻ con trong xóm thường hay lân la ra làm quen, đổi giùm can nước, mua bao thuốc, lít dầu lửa... và thường được trả công hay cho không vài con cá nục, bạc má hay những con mực khô một nắng, để lên bờ xúm xít đốt lửa, nướng ăn rồi chia phe làm Dã Tượng, Yết Kiêu, khuấy ngầu đục một khúc sông quê... 

2. Mười mấy tuổi, mới lên học bậc trung học vài ba năm, tôi bỗng có ước mơ bay cao, đi xa... và thường hay lén ngắm nhìn những lưng áo bà ba, với mái tóc đen dài được vén qua một bên, khoe phía sau khoảng cổ trắng ngần, mà trong sách vở hay gọi là... “trắng như bông bưởi”! của những cô con gái miền sông nước, từ Nam kỳ lục tỉnh ngược lên, hay ngồi ở cuối ghe thuyền, vo gạo, nấu cơm, hay đại loại làm một việc gì đó. Trong những chiếc ghe miền Tây, có một chiếc ghe của chú Năm Tài, vợ mất sớm, chú đi ghe cùng với đứa con gái, chắc cũng độ tuổi tôi, lại thích đọc truyện tàu như Tam quốc chí, Tây Du ký, Thủy hử... bởi lý do đêm đêm, cô bé thường phải chong đèn đọc truyện cho... cha ngủ! Và tôi là người mang những quyển truyện dày mo, quăn queo mép góc ra đổi cho chú, hoặc đạp xe ra chợ thuê những quyển mới theo yêu cầu của chú Năm Tài. Lần nào ghe chú cặp bến, người đầu tiên cô bé con chú Năm Tài tìm gặp chắc chắn phải là tôi!

Một lần lên ghe chú Năm, không gặp Trâm, con chú. Thấy chú ngồi gần mũi thuyền, lui cui sửa soạn một bó cần câu, tôi mon men đến gần để hỏi chuyện. Cúi nhìn mũi thuyền ghếch lên gò cao, một bên hình con mắt tròn xoe, tròng đen tròn, che gần hết con mắt. Nhìn phía xa, gần cuối khúc sông, có một chiếc thuyền lớn lườn sơn màu đỏ, xanh. Mũi thuyền với đôi mắt dẹt, tròng đen kéo dài theo con mắt, như đang nháy mắt cho câu hỏi tò mò đang lóe trong đầu tôi. Đưa tay thòng xuống che con mắt ở ghe chú Năm Tài, tôi hỏi:

- Ủa sao con mắt ghe chú Năm thì tròn xoe, còn con mắt ghe kia thì lại dẹt, lạ vậy chú?

Chú Năm nhìn tôi và khoát tay: “Mày bỏ cái tay ra ngay! Đó là điều cấm kỵ đó nhen?”

Nhìn thấy tôi rụt tay ngơ ngác, chú Năm cười hề hề, giải thích:

- Phàm bất cứ chủ ghe thuyền nào cũng không thích người lạ, lấy tay rờ vào hoặc che con mắt thuyền của mình, vì sợ người ta thuê ếm thuyền, vì con mắt là nơi linh thiêng của ghe thuyền, nhờ nó mà không sợ thủy quái làm hại, hay chạy được an toàn, bình yên... Chắc mày hiểu chớ?- Tôi gật đầu với giải thích của chú.

- Còn con mắt thuyền, thì tùy theo tín ngưỡng, phong tục tập quán, mà có những hình dạng khác nhau. Người có kinh nghiệm đi biển hay sông nước, chỉ nhìn hình hai con mắt ghe thuyền mà biết được chủ nhân của nó ở vùng miền nào, ví dụ ghe lưới vùng Phước Hải, Bà Rịa - Vũng Tàu, mắt tròn, hơi dẹt, có vẽ hình âm dương giữa thân ghe. Mắt ghe ở Phước Hải, Phước Tỉnh cũng giống như vậy. Ghe bầu Mũi Né, Bình Thuận, mắt dẹt, dài, đuôi tròng nhọn về phía sau. Ghe câu Bình Thuận mắt rất dẹt, bầu, hơi cong và nổi bật. Mắt ghe đua vùng Phan Thiết giống hình mắt phượng đuôi dài, tròng tròn, viền vàng, tạo cho ghe cái vẻ sắc sảo, tự tin, chiến thắng. Ghe câu Phan Rang mắt dẹt, dài và lớn hơn mắt ghe ở Bình Thuận... Ghe thuyền miền Tây, phần lớn cùng chung đặc điểm là mắt tròn, tròng đen, nhãn trắng, mang ghe được trang trí nhiều kiểu dáng khác nhau với đường viền trắng chạy xung quanh. Như mày thấy ở ghe của tao đó! Có khi cũng khác nhau chút đỉnh như ghe của vùng Trà Vinh mắt có độ lớn vừa phải, tròng đen với hình oval nằm ngay tâm mắt. Mắt ghe vùng An Giang có hình elip, tròng rất nhỏ, nằm gần về đầu mắt, mang ghe sơn màu xanh dương. Ghe vùng Rạch Giá, Phú Quốc, Kiên Giang, vịnh Thái Lan thường có mắt tròn, sơn đen và đỏ trên nền xanh, nhưng lại nhìn cúi xuống như ghe câu Phú Quốc chẳng hạn. Các loại ghe hàng, thường gọi là “ghe Kiên Giang” gốc Rạch Giá, hoạt động từ Rạch Giá đến Vũng Tàu, mắt tròn lớn và gần nhau, nằm sát lô mũi. Ghe của miền Tây có mũi nhọn, mắt tròn to, có ghe vẽ hình âm dương nơi vị trí mắt thuyền. Ghe vùng Mỹ Tho, Tiền Giang, hai con mắt chạy sát về trước mũi thuyền...

Tôi ngồi chăm chú lắng nghe, như nuốt từng lời của chú Năm Tài, không ngờ ông chủ thuyền mê truyện Tàu này lại có vốn kiến thức về ghe thuyền phong phú quá vậy.

Mặt trời chếch bóng về phía tây, như giăng mắc một mẻ lưới màu nắng quái, đỏ hồng phía cuối vịnh biển, tôi xuống ghe chia tay chú Năm về nhà.

Gần tới khúc cua, ngang những bụi dứa gai, tôi ngoái đầu nhìn lại đôi mắt trên ghe của chú Năm. Một đôi mắt tròn xoe, long lanh. Bất ngờ một vật gì đó đâm mạnh vào người tôi. Tôi chỉ kịp thấy đôi mắt to đen tròn của cô bé Trâm và chiếc xe đạp mi ni, ủi thẳng vào tôi. Người Trâm lao theo tốc độ của chiếc xe chạy xuống dốc, cả khuôn mặt và đôi môi mềm mại, rát mặn đập vào mặt tôi. Cả bầu trời hoàng hôn ráng đỏ như sập xuống, đè cả hai đứa...

Không biết đến bao lâu, tôi lồm cồm gượng ngồi dậy, còn Trâm thì ngất lịm, bên chiếc xe đạp vênh vao, cong vành, thảm hại... 

3. Tôi xa bến sông, xa cả vùng sông nước và biển cả bao la, dạt dào con sóng của thời mới lớn vì sự học và đường công danh...

Tôi đã gặp và... nhìn ngắm nhiều đôi mắt, song đôi mắt tròn to, tròng đen gần chiếm đôi mắt thì lâu lắm rồi không gặp lại. Cô bé Trâm ngày ấy, chắc giờ đã trở thành bà nội, bà ngoại. Chiếc ghe của chú Năm Tài, giờ chắc cũng đã già nua lắm rồi. Có khi đã lên bờ làm bạn cùng với cát bụi. Chiều nay, trên bến thuyền xưa cũ, giờ đã trở thành một cảng cá, đông vui, tấp nập. Hàng chục chiếc thuyền neo đậu vào nhau san sát, dập dềnh trên sóng nước. Những con mắt hình oval, hình elip, dài dẹt... nhìn tôi như mỉm cười. Song đôi mắt thuyền xưa, tròn to, lay láy đôi tròng đen, thăm thẳm đã không còn. Biết trôi về đâu một đôi mắt thuyền... lung linh kỷ niệm?..

TRẦN HOÀNG VY



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trôi về đâu đôi mắt thuyền thuở nọ?