Theo dõi trên

Trong gió có sen

09/03/2018, 08:01

BT- Này em, trong gió có sen

trong ma có Phật

trong đen có vàng

Lâu ngày, gặp lại mấy học trò cũ, câu chuyện của chúng tôi miên man một vòng đời sống hiện tại- ngày xưa, ngày xưa- hiện tại. Gọi là học trò nhưng giờ các em cũng đã là những ông nội, bà ngoại tóc bạc trắng cả rồi nên chính kiến đưa ra được coi là của những người từng trải.

                
Ảnh minh họa

Có em đưa ra câu chuyện một thiền sư đời Đường, trong đêm đông lạnh giá đã ném bức tượng Phật vào lửa để lấy hơi ấm vì theo thiền sư, xét cho cùng tượng chỉ là gỗ và hình thức bên ngoài không phải là tinh thần nhà Phật. Câu hỏi em đặt ra khá sốc: Thời này có nên làm vậy không?

Cái ranh giới từ gỗ tới thần thánh, cái điều thiêng hay không thiêng là những điều “bất khả tư nghì” nhưng tôi hiểu ý em học trò của tôi, ngày nay không còn là “đêm đông lạnh lẽo” bế tắc như ngày xưa nên việc giữ gìn những giá trị là cần thiết, nếu cần ấm thì con người ngày nay nghĩ tới giải pháp khác. Khi và chỉ khi có một đêm đông như vậy thật thì câu chuyện thiền ấy còn nguyên giá trị…

Một học trò tóc trắng khác đẩy vấn đề quay ngoắt 180 độ: Ngày xưa, người ta cho rằng “Vạn ban duy hạ phẩm/ Duy hữu độc thư cao”, bây giờ không thể nghĩ như vậy được, trước hết vì các nghề nghiệp cần được coi trọng nhưng khách quan mà nhận xét thì cho rằng việc đọc sách ngày nay đã trở thành văn hóa đọc đều khắp trong các tầng lớp thì cũng chưa hẳn. Ở nông thôn, có nhiều người mười năm chưa đọc trang sách nào. Có nhiều người đọc nhưng chỉ quanh quẩn với mấy cuốn ngôn tình và tử vi. Một số không ít chuyện nói leo, vỗ đùi ké nhưng kì thực là chưa đọc gì cả, sách mua về để gọi là chơi sách cho có vẻ mà thôi, khá hơn một chút là cầm sách cho mỏi mắt dễ ngủ. Người đọc thật, đọc sâu thời nào cũng có nhưng bệnh hình thức thì bây giờ nhiều hơn.

Hai câu chuyện trái ngược nhau: Bỏ hình thức lấy nội dung và bỏ nội dung lấy hình thức vô tình đã làm cho câu chuyện tưởng là phiếm của thầy trò tôi lại bắt đầu thú vị hẳn ra. Những kiểu đặt vấn đề có vẻ cực đoan như vậy thường mang lại hiệu quả hâm nóng đời sống vốn dễ rơi vào phẳng lặng của con người. Riêng với vấn đề sách, từ góc độ một người viết, tôi muốn nhắn các học trò của mình rằng: Người Việt mình vốn coi sách là vật thiêng liêng, ngày nay, các phương tiện truyền thông phong phú, có thể việc đọc diễn ra với hình thức khác khó nhận biết, không nên vội phê phán hay nhận xét như thế. Còn một cách nhìn khác nữa, việc xuất bản sách trở nên dễ dàng quá cũng dễ bị lọt sàng những hạt sạn, những quyển sách vừa không có tâm vừa không có tầm làm cho người đọc chán ngán. Cũng đừng vội trách ai đó lười đọc! Mà ngay cả những người siêng đọc nhưng lại không vận dụng được gì vào cuộc sống cũng chưa phải là ưu tú gì đâu…

Cuộc sống vốn nhiều mặt như thế mà! Đôi khi ta cứ nhìn đâu cũng thấy sự lên men. Dòng sông, con suối, ao hồ lên men. Những quán ăn, thức uống lên men. Và cả óc não mình, tâm trí mình cùng các mối quan hệ ngờ vực xung quanh cũng... hình như đang lên men. Và như vậy nghĩa là bầu không khí xung quanh đang thiếu oxy trầm trọng, những sinh khối người sẵn sàng biến chuyển. Và rồi ta tìm đến với tình thầy trò, những gặp gỡ, trao đổi, đào xới, tranh luận cứ như một cuộc trở về trong trạng thái cân bằng động. Riêng mình, tôi rất tâm đắc với cách nói của ai đó, dạy là học lần thứ hai. Nó như một phép thủ khí cho riêng mình để có cuộc sống mạnh khỏe, phong phú. Nếu biết cách sẽ nghe được mùi sen trong gió, là hương sen thật chớ không phải chỉ mùi bụi bặm.

Nguyễn Hiệp



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trong gió có sen