Theo dõi trên

Trường Dục Thanh - Người ươm mầm năm ấy

06/12/2018, 09:18 - Lượt đọc: 186

BT- Dọc theo chiều dài đất nước, trên dải đất cực Nam Trung bộ, tên gọi thân thương - Phan Thiết, Bình Thuận với tình đất, tình người thân thiện. Nhìn lại những năm đầu kháng chiến chống Pháp, Bình Thuận là mảnh đất giàu truyền thống, là nơi gặp gỡ, bàn chuyện nước non của các sĩ phu yêu nước. Cụ Nguyễn Thông (1827 - 1884), nhà thơ, văn yêu nước hoạt động xã hội từ Tân An ra Phan Thiết và chọn địa điểm này để ẩn dật. Cụ Nguyễn Thông cho xây dựng một ngôi nhà nhỏ bên cạnh dòng sông Cà Ty hiền hòa, thơ mộng và đặt tên là Ngọa Du Sào, đây là nơi cụ đọc sách, ngâm thơ, bình văn và sáng tác và cũng là nơi tiếp xúc, luận bàn chuyện nước non với các nhân sĩ yêu nước thời bấy giờ.

                
Các em học sinh tham quan Trường Dục Thanh.    Ảnh: Đ.H

Những năm đầu thế kỷ 20, phong trào Duy Tân của cụ Phan Chu Trinh đề xướng với chủ trương “Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh” phát triển mạnh mẽ ở miền Trung và đã được hai người con của cụ Nguyễn Thông, đó là Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh và các nhân sĩ yêu nước  Bình Thuận hưởng ứng. Một số hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội được thành lập tại Bình Thuận như: Liên Thành thư xã tháng 5/1905, Liên Thành thương quán tháng 3/1906, và Dục Thanh học hiệu (tức Trường Dục Thanh) ra đời khoảng tháng 5/1907.

Một dữ kiện mà các cụ Nguyễn Quí Phầu, Nguyễn Đăng Lầu, Từ Trường Phùng là học trò của Trường Dục Thanh năm 1910, sau năm 1975 còn nhớ và kể lại rằng: Thầy Thành có dự 2 cái tết ở Trường Dục Thanh, một là Tết Trung thu và một là Tết Nguyên đán, (Trung thu năm Canh Tuất vào ngày 18/9/1910 và Nguyên đán năm Tân Hợi là vào ngày 30/1/1911). Như vậy thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết) trong khoảng thời gian từ tháng 9/1910 đến tháng 2/1911. Cách đây 108 năm, Phan Thiết, Bình Thuận vinh dự được đón người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành dạy học tại Trường Dục Thanh. Nhân dịp này, chúng ta khái quát lại thời gian dừng chân ở từng địa điểm mà Người đã đi qua trước khi rời Tổ quốc tìm chân lý cứu dân, cứu nước.

- Huế từ tháng 5/1906 đến tháng 5/1909 là khoảng thời gian 31 tháng.

- Bình Định từ tháng 5/1909 đến tháng 7/1910 khoảng 14 tháng.

- Bình Thuận từ tháng 8/1910 đến tháng 2/1911 khoảng 6 tháng.

- Sài Gòn từ tháng 2/1911 đến tháng 6/1911 khoảng 4 tháng.

Từ mái Trường Dục Thanh lịch sử, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã có thời gian tìm hiểu sâu kỹ hơn tình hình phía Nam, đồng thời chuẩn bị thêm vốn kiến thức văn hóa để thực hiện quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước. Tuy thầy Thành chỉ sống và làm việc tại Trường Dục Thanh trong thời gian ngắn, nhưng đã để lại những dấu ấn sâu sắc và tốt đẹp qua phương pháp giảng dạy, phong cách, lối sống, tình thương yêu con người và những việc làm của thầy Thành. Đây là những bài học rất quý báu để chúng ta học tập và làm  theo Người.

Các học trò của Trường Dục Thanh năm 1910 kể rằng: “… thầy Thành dáng người thanh thanh, hớt tóc ngắn, trán cao, nét mặt tươi, đôi mắt long lanh như lúc nào thầy cũng cười. Thầy thường mặc bộ đồ bà ba trắng, thắt lưng màu hoa lý thả lòng thòng bên hông như thanh niên đương thời, thầy đi guốc đẽo bằng gỗ vông hoặc giày vải hàm ếch. Thầy được nhà trường bố trí ở tại nhà Ngọa Du Sào, nhưng thầy không ở đó mà thầy sang nhà Ngư để ăn chung, ở chung với học trò và các thầy giáo khác”.

Trên gác của nhà Ngọa Du Sào có tủ sách của nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông để lại. Tại đây có nhiều loại sách được xem là tiến bộ vào thời bấy giờ. Các thầy giáo cũng thường đến đây để đọc sách. Học trò thầy Thành kể lại: “Thầy Thành thường lui tới đây để đọc sách, có khi đọc mãi tới khuya mới về nghỉ”… “Thầy còn vận động các thầy giáo và học trò góp sách, góp tiền để xây dựng tủ sách của trường. Bản thân thầy đã góp 2 đồng và một số sách…”.

Những ngày nghỉ, thầy Thành thường đi thăm dân nghèo ở bến cá Cồn Chà. Các học trò của thầy Thành kể thêm: “Không biết thầy Thành ra xóm Cồn Chà đã mấy lần, nhưng khi gặp thầy, bà con ai cũng mời thầy vô nhà chơi, toàn là bà con lao động biển nghèo. Vô thăm nhà nào, thầy cũng hỏi thăm tỉ mỉ từng bữa ăn, về cuộc sống. Đặc biệt, thầy hỏi cặn kẽ về cách đánh bắt cá, cách luyện tập để đi biển, cách xác định phương hướng ở ngoài biển…”.

“…Thầy Thành thường hay đi thăm dân ở những xóm lao động biển nghèo, có lần gặp cụ già đang dùng sóng rựa để băm trầu, thầy Thành vội thưa và xin nhận làm hộ cho bà cụ. Khi ra về thầy tâm sự với học trò: Bà con ngư dân mình sống trên bạc, trên vàng mà đến lúc đầu bạc, răng long cũng không sắm nổi cái cối ngoáy trầu”.

Những ngày nghỉ, thầy Thành thường dẫn học trò đi xem hát tuồng hoặc đưa học trò đi cắm trại ở những nơi có cảnh đẹp như: đình làng Đức Nghĩa, bãi biển Thương Chánh, bến đò Văn Thánh. Những buổi vui chơi đó, thầy Thành cũng thường kể những mẩu chuyện ca ngợi công lao của những anh hùng dân tộc như Bà Trưng, Bà Triệu, Quang Trung…. Và vui nhất là bốc thăm kể chuyện, ai bắt trúng thăm sẽ kể một câu chuyện tự chọn, sau khi kể xong, thầy sẽ có nhận xét và hướng dẫn cho học sinh cách kể chuyện sao cho hấp dẫn. Vì thầy Thành dạy chữ quốc ngữ, nên thầy thường chú trọng việc rèn luyện cho học trò kỹ năng kể chuyện.

Còn đối với học trò, thầy Thành rất mực thương yêu, ân cần dạy dỗ. Khi giảng bài trên lớp, những vấn đề khó, thầy thường giảng chậm và kỹ, sau đó thầy ân cần hỏi lại từng em: “Các trò có hiểu bài chưa?”. Học sinh đã hiểu bài rồi thầy mới cho làm để chấm. Có lần thầy giáo Phiên gọi học trò trả bài, bị thầy la rầy và bị phạt roi vì chưa thuộc bài, thầy Thành liền khuyên các thầy không nên dùng hình phạt và thầy Thành động viên học sinh, nếu vì sợ mà quên bài thì nên bình tĩnh ôn lại bài, thầy sẽ dò bài lại sau... Thầy Thành ở nội trú tại trường, cho nên sáng nào thầy cũng dạy sớm múc nước ở giếng tưới cây trong vườn, gọi các học sinh nội trú tập thể dục và đào hố để nhảy cao, nhảy bao bố, vệ sinh trường lớp...

Qua một vài chuyện kể của học trò năm xưa, cho chúng  ta thấy, thầy Thành chưa qua trường lớp đào tạo để làm nghề thầy giáo, nhưng chính nhờ ở “trường đời” và thực tế cuộc sống hiện tại, đồng thời đã tiếp thu, vận dụng những bài học giáo dục tốt của người xưa mà thầy Thành đã thực hiện quan điểm giáo dục của mình một cách sáng tạo và xuất sắc. Như “các trò đã hiểu bài chưa”, đây là một phong cách giảng bài rất đặc biệt chỉ có ở Người. Sự quan tâm đến người học, người nghe và bằng những câu hỏi mộc mạc, đầm ấm mà sau này chúng ta có dịp nghe lại khi Bác đọc Tuyên ngôn độc lập ở Quảng trường Ba Đình: “Đồng bào có nghe tôi nói rõ không?” - Giản dị, gần gũi và ấm áp tình người.

Chúng ta còn bắt gặp rất rõ nét ở thầy giáo Thành, đó là tính giản dị trong cuộc sống. Giản dị nhưng không giản đơn, mỗi việc làm của thầy đều có ý nghĩa với cuộc sống. Từ chỗ ở đến cách ăn, mặc, vui chơi giải trí… Thầy Thành rất ham đọc, ham học ở sách vở. Ngoài ra thầy còn học ở đồng nghiệp và học ở cả nhân dân. Người đã hòa nhập mình vào cuộc sống tập thể (trong trường và ngoài xã hội), tác động tích cực vào cuộc sống với mong muốn sao cho cuộc sống tốt đẹp lên. Tính cách ấy Người vẫn giũa mãi cho đến những giây phút cuối của cuộc đời.

Tự hào thay Phan Thiết ngày ấy, Bình Thuận ngày nay, đã có vinh dự là một chặng thanh xuân đặc sắc đáng ghi nhớ trên hành trình của “Người Việt Nam đẹp nhất”, là cái vạch nối liền truyền thống của lớp lớp thầy giáo ưu tú của dân tộc mà tên tuổi vẻ vang, nhân cách cao thượng và trí tuệ siêu việt mãi mãi là niềm kiêu hãnh của đất nước.

VĂN QUỲ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trường Dục Thanh - Người ươm mầm năm ấy