Theo dõi trên

Trường tôi - một miền thương nhớ!

05/10/2018, 14:04 - Lượt đọc: 486

BT- Khá bất ngờ khi thầy Nguyễn Văn Đông - Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt (thị xã La Gi) hẹn gặp ở Phan Thiết. Gặp tôi thầy nói: Em là nhà báo, em coi có cách gì giúp thầy lan tỏa thư ngỏ này để các cựu học sinh biết về dự 60 năm hội trường. Xem thư xong tôi trả lời: Cách tốt nhất là đăng trên Báo Bình Thuận thư ngỏ này thầy ạ. Báo binhthuan0nline trong nước, hải ngoại đều xem được. Tốt, em giúp thầy coi ai có tư liệu, hiện vật gì cho phòng truyền thống của trường, hoặc viết bài in kỷ yếu 60 năm thành lập trường - Thầy Đông dặn thêm khi chia tay.

                
Tiết mục văn nghệ tại buổi khai giảng năm    học mới của Trường THPT Lý Thường Kiệt.

Vậy là trường tôi đã 60 tuổi. Tiền thân trường có tên là Trung học Bình Tuy, THPT Hàm Tân và nay là THPT Lý Thường Kiệt. Bao nhiêu ký ức từ mái trường xưa bỗng hiện về… Cũng như rất nhiều gia đình khác ở Hàm Tân, La Gi, năm anh em trong gia đình tôi đều học hành và trưởng thành nhờ mái trường này. Giờ lại đến thế hệ con cháu tôi và sẽ còn nối tiếp nhiều thế hệ nữa được dạy dỗ dưới mái trường này.

Tỉnh Bình Tuy được Tổng thống VNCH - Ngô Đình Diệm ký Sắc lệnh 143-NV thành lập vào ngày 22/10/1956. Hai năm sau, năm 1958 Trường trung học Bình Tuy ra đời với 3 căn phòng xây bằng xi măng. Niên khóa đầu tiên 1958 - 1959, trường chiêu sinh được một lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ) khoảng 30 học sinh tuổi toàn 15, 16, có người 17 tuổi. Trước đó, Bình Tuy chỉ có các trường tiểu học, muốn học lên trung học học sinh phải ra Phan Thiết, Nha Trang hoặc vào tận Biên Hòa, Sài Gòn. Do vậy chỉ có nhà giàu mới theo lên trung học được, nhà không có điều kiện học hết tiểu học là tốt quá rồi, có thể đi làm thư ký cho các tiệm buôn.

Ngày xưa gia đình tôi ở Tam Tân, gần Dinh Thầy Thím, phía bên xóm biển Ba Đăng. Các anh chị tôi học trường làng Tam Tân. Năm 1965, anh đầu tôi học xong tiểu học, cha mẹ tôi quyết định dời nhà lên Tỉnh (phường Tân An ngày nay) để tiện việc học hành cho các con. Cha tôi mua đất cất nhà ngay bên Trường trung học Bình Tuy, thường gọi là xóm Đồng Tiến, vì gần nhà thờ Đồng Tiến. Niên khóa 1965 - 1966, anh tôi vào học đệ thất. Riêng chị em tôi thì học Trường tiểu học Cộng đồng Tỉnh lỵ (nay là Trường tiểu học Tân An 2), cũng nằm sát bên Trường trung học Bình Tuy. Nhiều năm sau đó, mấy chị em tôi lần lượt được dạy dỗ dưới trường này.

Khuôn viên Trường trung học Bình Tuy khá rộng, trước năm 1975 có rất nhiều cây cổ thụ, chủ yếu là cây dầu, mùa trái dầu khô rụng như chong chóng xoay tròn rất đẹp. Sau năm 1975 vùng đất này vẫn còn nhiều cây rừng tự nhiên. Tôi còn nhớ ngay sau dãy trường lầu (do các kỹ sư người Mỹ thiết kế và thi công vào đầu thập niên 1970) còn có một cây trâm cổ thụ, đến mùa trái chín màu tím phủ cả cây, rụng đầy sân. Mùa hè, sân trường rợp mát là sân chơi lý tưởng của bọn nhóc chúng tôi. Sau những trận banh nhễ nhại mồ hôi là rủ nhau trèo hái trâm. Những trái trâm ngọt ngọt chua chua nhuộm tím miệng lũ trẻ. Vừa ăn trâm vừa nghêu ngao bài đồng dao: “Trời mưa lâm râm/ Cây trâm có trái/ Con gái có duyên/ Đồng tiền có lỗ…”.  Do nhiều cây cổ thụ nên chim chóc rất nhiều. Ngoài các loại chim sẻ, chim ri làm tổ dưới các mái kèo của lớp học, là các loài chim rừng như chim cưỡng, chim sáo, chim cu… làm tổ trên các nhánh cổ thụ trong sân trường. Bọn trẻ chúng tôi thường trèo bắt các tổ chim sáo, chim cưỡng non về nuôi tập cho nó nói. Sau này các cây cổ thụ chết khô, hoặc bị đốn bỏ để lấy đất xây dựng mở rộng trường, thay vào đó là trồng thêm các loại cây dương liễu, phượng vĩ, bạch đàn. Trường lúc nào cũng cũng được bao phủ cây xanh, bóng mát.

Năm 1973, gia đình tôi dời nhà ra phía trước Trường trung học Bình Tuy, đường Phạm Hồng Thái bên hông Ty Điền địa. Ngày đó, trước Ty Điền địa đối diện với trường có một hàng cây điệp vàng rất đẹp. Hàng điệp vàng này còn tồn tại đến khi Cửa hàng Dược phẩm quốc doanh thay chỗ Ty Điền địa. Tan học các nam sinh thường bẻ những nhành điệp vàng tặng bạn nữ. Ngày đó mà có điện thoại di động smartphone thì chắc rằng đây là chỗ cho các nàng seo-phi (selfie) lý tưởng. Trước năm 1975, tất cả nữ sinh từ lớp 6 đến 12 đều mặc áo dài trắng đi học. Học sinh phần lớn đến trường bằng đi bộ, ai ở xa thì đi xe lam, một số ít đi xe đạp, xe hon đa. Tan trường những tà áo trắng bay bay làm điếng tim bao gã trai si tình. Chưa ai thống kê và cũng không có dữ liệu nào nói là nữ sinh của trường trước đây và bây giờ thời nào đẹp hơn. Nhưng trước đây, trước cổng Trường trung học Bình Tuy luôn là điểm để các chàng trai trẻ, có cả công chức, sĩ quan ngắm tìm một bóng hồng cho mình. Tôi có nghe các đàn anh kể về những giai thoại tình sử của ngôi trường này. Trong đó có câu chuyện tình về một hoa khôi của trường ở thập niên 1960 tên là Vũ Thị Thanh Xuân đã lọt vào mắt của tỉnh trưởng Bình Tuy- Lê Văn Bường và sau đó bằng mọi cách ông ta đã cưới nàng về làm thứ phu nhân, không biết chuyện trên thực hư bao nhiêu phần trăm?

Sau năm 1975, thầy trò người đi người ở, thế nhưng nhờ  một số thầy cô từ miền Bắc tăng cường vào mà niên khóa 1975 - 1976 vẫn được khai giảng. Niên khóa 1975 - 1976, trường có 34 lớp với hơn 1.600 học sinh từ đệ thất đến đệ nhất (lớp 6 đến lớp 12). Xin nói thêm, trước năm 1975 cũng như tất cả các trường trung học ở miền Nam, Trường trung học Bình Tuy gồm dạy cả Trung học đệ nhất cấp (từ đệ thất - lớp 6 đến đệ tứ - lớp 9) và Trung học đệ nhị cấp (từ đệ tam - lớp 10 đến đệ nhất - lớp 12). Các thầy cô trước 1975 tiếp tục ở lại dạy có thầy Thịnh, thầy Thuận, thầy Hộ, thầy Đức, thầy Lợi… Thầy cô miền Bắc tăng cường vào có thầy Lộc, thầy Bảng, cô Nguyệt, thầy Thế… Và sau này có thêm nhiều thế hệ thầy cô, có không ít thầy cố vốn là học sinh cũ của trường. Thầy Lê Văn Hộ là một trong những người thầy để lại dấu ấn sâu sắc đến với các thề hệ học sinh. Thầy tốt nghiệp Cao học sử - địa trước 1970, cộng thêm kiến thức tự học, tự trang bị, thầy như một pho tự điển bách khoa toàn thư đối với học sinh chúng tôi. Thầy dạy môn địa lý (trước 1975 thầy dạy cả sử, địa),  là những môn khô khan, thế nhưng học sinh nào cũng mong đến giờ để được nghe thầy giảng bài. Ngoài kiến thức về môn học, thầy còn truyền đạt cho chúng tôi rất nhiều những kiến thức, hiểu biết khác về đời sống, xã hội. Tiếc rằng “tài hoa bạc mệnh”, thầy bị tai nạn đường thủy khi đang đi công tác (làm phiên dịch cho Bộ đội Biên phòng trong xử lý tàu nước ngoài vi phạm lãnh hải ở vùng biển La Gi) và ra đi vĩnh viễn khi mới 49 tuổi đời, 25 tuổi nghề. Đám tang của thầy Hộ là đám tang có đông người đưa tang nhất ở La Gi - Hàm Tân từ trước đến nay trong sự bàng hoàng, tiếc thương. Rất nhiều kỷ niệm, cả vui lẫn buồn khi nhắc đến ngôi trường thân thương của bao nhiêu thế hệ học sinh, khi ngôi trường đã bước qua tuổi lão niên -60.

Trường THPT Lý Thường Kiệt hôm nay khang trang hơn Trường THPT Hàm Tân và càng quy mô, khang trang hơn thời Trung học Bình Tuy, đó là tất yếu của sự phát triển xã hội. Hiện nay trường có 46 lớp với gần 2.000 học sinh, chưa kể các lớp giáo dục thường xuyên được duy trì hàng năm. Cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy và học được Nhà nước và ngành giáo dục quan tâm đầu tư nên đảm bảo cho việc nâng cao chất lượng dạy và học. Năm 2013, trường được công nhận là trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Để được công nhận, các trường phải đạt năm tiêu chuẩn: về tổ chức nhà trường, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất, thiết bị và công tác xã hội giáo dục.

Ngày 17/11/2018, Ban Giám hiệu sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập trường, tôi - chúng ta, những cựu học sinh nhất định phải về thăm lại thầy cũ trường xưa!

Tùy bút: Huỳnh Thanh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trường tôi - một miền thương nhớ!