Theo dõi trên

Từ cô bé nhặt cá… đến cô chủ cửa hàng hải sản

18/12/2019, 09:35

BT- Hôm rồi tôi gặp lại em Mai Thị Dương, cô học trò cũ của 10 năm về trước, trong một dịp tình cờ, sau những câu chuyện hàn huyên của thầy trò, em kể tôi nghe mới rồi mấy chị em mới mở thêm một cửa hàng hải sản và mua được căn nhà cấp 4 ở Biên Hòa, Đồng Nai. Nghe chuyện của em, bất chợt tôi nhớ về khoảng hơn 10 năm trước, khi ấy em hãy còn là một cô học trò lớp 6 nhỏ thó và gầy gò.

                
Mai Thị Dương.

Ngược dòng thời gian, năm học 2008 – 2009, lần đầu tiên về nhận công tác tại Trường THCS Tân Hải, thị xã La Gi, Bình Thuận. Ngày đầu tiên tôi vào lớp 6A4 với bao nhiêu cảm xúc, bao nhiêu điều muốn nói bởi sự bỡ ngỡ của người mới về trường. Nhưng có lẽ điều làm tôi nhớ mãi ngày hôm đó là hình ảnh một cô bé với khuôn mặt rất sáng nhưng lại nhỏ con và ngồi lọt thỏm ở góc trong cùng cuối lớp. Tôi mới nhận ra chiếc áo em mặc là chiếc áo đồng phục cũ của lớp tiểu học. Chiếc  áo đã cũ, nơi cổ áo đã rách dọc theo viền và xung quanh đã lấm tấm vài lỗ kim do ẩm mốc, cánh tay áo đã rách một lỗ, như biết tôi đang nhìn chỗ rách ấy, cô học trò vén vội tay áo như để che đi cái lỗ rách ấy. Chiếc quần màu xanh bạc màu và vì cũ nên bây giờ nó cao quá mắt cá, đôi dép em đi là một đôi dép tổ ong đã rách phần phía trước… Đã 10 năm trôi qua nhưng tôi chưa thể nào quên được ấn tượng đầu tiên ấy về em.

Gia cảnh em rất đặc biệt. Bố làm nghề thợ lặn biển, trong một lần lặn sâu đã bị tai biến phải nằm một chỗ. Mẹ em, người phụ nữ gầy còm, phải một mình gồng gánh, bươn chải bán buôn khắp các chợ ở Tân Tiến, Tân Hải; chị nhặt từng con cá dưới bãi biển Dốc Trâu  thuộc thôn Hiệp An, xã Tân Tiến, thị xã La Gi để có tiền nuôi chồng và lo cho 3 đứa con ăn học (Dương là chị đầu). Như thấu hiểu được nỗi vất vả của mẹ, mỗi ngày, trước 5 giờ sáng Dương lại phải dậy sớm ra biển nhặt cá với mẹ và đem về chợ bán mưu sinh qua ngày, tận trưa em mới về cơm nước để đến trường. Lần đầu tiên tôi bước vào căn nhà nhỏ của gia đình em nằm lọt thỏm trong động cát Dốc Trâu. Gọi là nhà thế thôi, chứ thực chất đó là một túp lều được dựng tạm, vách là mấy tấm vải dầu mục nát xếp chồng nhiều lớp, mái lợp bằng vài miếng tôn cũ xin được của hàng xóm. Cả nhà chỉ được một cái giường đóng tạm bằng mấy nhánh dương chặt ngoài biển… tất cả chỉ có vậy. 

Sau lần thăm nhà em, tôi viết bài gửi báo Bình Thuận “Mai Thị Dương – Cô học trò nghèo vượt khó ở Trường THCS Tân Hải”. Hiệu ứng của bài báo khá tích cực. Có một vài tấm lòng hảo tâm gần xa gửi một ít tiền giúp em qua cảnh khốn khó. Chính quyền địa phương cũng  hiểu được hoàn cảnh gia đình em nên xây tạm căn nhà tình thương ở gần chợ Hiệp An… Và từ ngày đó cuộc sống gia đình em cũng khá dần lên, bố em cũng bớt bệnh và đi lại được dù không thể lao động như trước đây. Bây giờ cuộc sống gia đình em đã đỡ vất vả.

Nhưng điều tôi học được ở em đó chính là nghị lực và lòng tin vào cuộc sống. Hiện Dương đang là sinh viên năm cuối Trường Đại học Lạc Hồng, Đồng Nai. Dù là sinh viên, nhưng ngoài giờ học em lại xin đi làm thêm để phụ gia đình ở một số quán hàng trên địa bàn. Cũng nhờ những công việc làm thêm đó đã cho em những kinh nghiệm quý báu để rồi em quyết định mở cửa hàng hải sản. Với lợi thế có nguồn hải sản từ ngoài quê gửi vào, cửa hàng hải sản An Bình của em được nhiều người biết đến. Tiếng lành đồn xa về chất lượng sản phẩm, phong cách phục vụ tận tình… cửa hàng giờ đã được mở rộng, cơ ngơi hơn.

Qua bao khó khăn của gia đình, em đã vượt lên tất cả, vừa học vừa buôn bán như thế để nuôi bản thân và phụ giúp cho cha mẹ quả là một điều đáng ngưỡng mộ. Đó chẳng phải là một gương tốt trong đời thường hay sao?

Trong cuộc đời làm nghiệp thầy giáo, tôi vẫn thường hay kể cho học trò của mình nghe về những tấm gương học sinh vượt khó. Trong những câu chuyện ấy, có câu chuyện về em Mai Thị Dương, một học trò cũ của tôi. Mỗi lần kể chuyện của em, lòng tôi lại hoài niệm về những ngày cùng em chia sẻ những vui buồn thời em còn là cô học trò nghèo, nhưng cũng dâng lên một niềm vui, niềm hạnh phúc bởi có một cô học trò biết vượt khó để thành công như em. Tôi thấy vui và hạnh phúc với nghề vì sau những lo toan, bận bịu áo cơm; sau những chuyện không vui ở nơi này nơi nọ liên quan đến nghề giáo, tôi vẫn thấy cuộc đời thật ý nghĩa. Bởi các em học sinh đã mang đến cho nghề dạy học những bài học sâu xa.

Sĩ Đông



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ cô bé nhặt cá… đến cô chủ cửa hàng hải sản