Theo dõi trên

Tượng Đức Thánh Trần ở Phan Thiết vì sao chỉ tay xuống sông Cà Ty ?

08/03/2019, 14:52

BT- Tượng Đức Thánh Trần ở Phan Thiết được xây dựng từ khi nào không ai còn nhớ rõ. Trong nhiều tượng Đức Thánh Trần, thì tượng ở Phan Thiết có nhiều điều “bí ẩn” đến nay vẫn chưa có lời giải thích thỏa đáng.

Tác giả tượng Đức Thánh Trần ở Phan Thiết là ai?

Tượng Đức Thánh Trần ở Phan Thiết nằm ngay trong khu quần viên với một bên là cầu Trần Hưng Đạo, một bên là công viên và ngay trước cổng trụ sở UBND tỉnh bây giờ. Tuy nhiên, hỏi tác giả của cụm tượng này thì rất ít người ở Phan Thiết biết được.

Tượng Đức Thánh Trần nằm bên cầu Trần Hưng Đạo.

Ông Nguyễn Văn Cao (82 tuổi, người gốc làng Đức Thắng, TP. Phan Thiết) từng là Hiệu trưởng Trường Đức Thắng từ những năm trước giải phóng  (nay là Trường tiểu học Đức Thắng) kể lại: “Tôi không nhớ rõ năm nào. Nhưng chắc chắn phải là sau chiến dịch Mậu Thân 1968 mới xây tượng Trần Hưng Đạo. Khi đó, ngày nào tôi cũng đến xem các nhà điêu  khắc làm tượng Đức Thánh Trần. Do là người cũng làm điêu khắc, nên tôi biết chính xác tác giả là điêu khắc gia Trọng Nội. Ông này là điêu khắc gia nổi tiếng ở Sài Gòn thời trước năm 1975. Nhà điêu khắc Trọng Nội không chỉ là người vẽ thiết kế, trực tiếp thi công tượng Trần Hưng Đạo ở bờ sông Cà Ty Phan  Thiết, mà ông còn làm nhiều phù điêu trong dinh Độc Lập của Tổng thống chế độ cũ Nguyễn Văn Thiệu”.

Ở nơi đặt tượng Trần Hưng Đạo (sát bờ sông Cà Ty), theo lời kể của ông Nguyễn Văn Cao thì vị trí này trước đây cũng là nơi có một Phòng Nhì (phòng điều tra đặc biệt của chế độ thực dân Pháp - NV). Nơi đây có một sân bay dã chiến. Ngoài ra khi xây dựng tượng Đức Thánh Trần, các nhà điêu khắc còn làm một tấm phù điêu tưởng nhớ những người chết trận (chế độ cũ) ngay sát đó.

Nhà điêu khắc Hồ Thái Thiết (nguyên cán bộ Sở Văn hóa tỉnh Thuận Hải), kể: “Hồi tôi học ở Trường Mỹ Thuật Sài Gòn có biết đến điêu khắc gia Trọng Nội. Ông này không chỉ là tác giả của bức tượng Đức Thánh Trần ở Phan Thiết, mà ông còn là tác giả của bức tượng Đức Thánh Trần ở đường Hiền Vương, nay là đường Võ Thị Sáu (TP. Hồ Chí Minh) dù bức tượng này khá nhỏ.

Vì sao Đức Thánh Trần chỉ tay xuống sông Cà Ty?

Theo ông Nguyễn Văn Cao, đây là câu hỏi của nhiều thế hệ ở Phan Thiết, nhưng chưa có câu trả lời phù hợp. “Tôi là người chứng kiến bức tượng từ khi bắt đầu xây dựng, nhưng cũng không rõ nguyên nhân vì sao tượng tướng quân Trần Hưng Đạo lại chỉ tay xuống sông. Ban đầu, tay của tướng Trần chỉ sang phía làng Đức Thắng, tức cảng Cồn Chà Phan Thiết bây giờ. Nhưng sau đó các điêu khắc gia lại cho ngài chỉ tay xuống sông Cà Ty. Có người giải thích rằng tướng quân Trần Hưng Đạo là ông tổ của binh chủng Hải quân, nên phải chỉ tay xuống sông, xuống biển”- ông Cao kể.

Ông Nguyễn Văn Cao - người gốc làng Đức Thắng, TP. Phan Thiết.

Tuy nhiên, ông Cao cũng kể rằng khi bức tượng tướng Trần Hưng Đạo chỉ tay sang làng Đức Thắng của ông thì một số bô lão ở Đức Thắng lúc đó phản ứng. Do vậy nhà thiết kế mới chỉnh sửa để tay tướng Trần chỉ xuống sông Cà Ty như bây giờ (!?).

Điểm đặc biệt tượng Đức Thánh Trần ở Phan Thiết?

Theo ông Nguyễn Văn Cao, các bức tượng tướng Trần Hưng Đạo chủ yếu được thiết kế, điêu khắc là cánh tay trái cầm gươm, tay phải chỉ xuống bên dưới.

Riêng tượng Đức Thánh Trần ở bờ sông Cà Ty thì đeo gươm phía trước, tay trái cầm dây đeo gươm, tay phải chỉ xuống sông Cà Ty. Đặc biệt nhất, có lẽ không tượng Đức Thánh Trần ở đâu có, đó là tượng Đức Thánh Trần ở Phan Thiết còn có hai bức tượng khác, thấp hơn đứng hai bên tướng quân Trần Hưng Đạo.

    
Theo   sử sách, Trần Hưng Đạo không chỉ là một danh tướng kiệt xuất thời nhà   Trần với chiến công hiển hách 3 lần đánh tan quân Nguyên Mông, ông còn   là một vị tướng tài ba về thao lược quân sự. Trần Hưng Đạo chính là tác   giả hai bộ binh pháp “Binh thư yếu lược” và “Vạn kiếp tông bí truyền thư”.   Trần  Hưng Đạo là vị tướng có quan điểm lãnh đạo đất nước dựa trên tinh   thần đoàn kết dân tộc “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc”. Ông còn   là  vị tướng duy nhất được muôn dân phong là thánh với tên gọi tôn kính   là Đức Thánh Trần.

Nhà điêu khắc Hồ Thái Thiết cho biết, hai vị tướng này một người là Yết Kiêu, còn một người là Dã Tượng. “Đây là điểm đặc biệt nhất, không có tượng Đức Thánh Trần ở đâu có tướng gia Yết Kiêu và Dã Tượng như tượng Đức Thánh Trần ở Phan Thiết”- ông Thiết khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Cao kể, khi giải phóng Phan Thiết năm 1975, một số công nhân đã đập bỏ bức phù điêu của chế độ cũ. Khi đó, công nhân không hiểu nên có người đã làm hỏng tượng Trần Hưng Đạo, nhưng rất may được chính quyền phát hiện và ngăn chặn kịp thời nên chỉ xây xát. Nhưng cánh tay chỉ xuống sông Cà Ty của tướng Trần bị gãy một ngón.

Nhà điêu khắc Hồ Thái Thiết chính là người được chính quyền tỉnh Thuận Hải lúc bấy giờ yêu cầu khắc phục sự cố trên, kể lại: “Tôi không biết nguyên do vì sao ngón tay của tượng Trần Hưng Đạo bị gãy. Nhưng nghe kể lại, người quản lý cho công nhân đập “bức tường” (có phù điêu), thì những người công nhân lại nghe nhầm thành đập “bức tượng” nên mới có sự cố ngón tay  tượng Đức Thánh Trần bị gãy, khiến chính tôi được phân công chỉnh sửa lại”.

“Tôi được Giám đốc Sở Văn hóa tỉnh lúc đó là anh Xuân gọi lên nói Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu sở cho tu sửa lại tượng Đức Thánh Trần. Tôi chỉ là người sơn phết lại cụm tượng Trần Hưng Đạo và đắp thêm ngón tay bị gãy của ngài”- điêu khắc gia Hồ Thái Thiết kể. Ngoài ra, theo ông Hồ Thái Thiết, tượng Đức Thánh Trần ở Phan Thiết còn có các họa tiết hoa văn khác hẳn với tượng Đức Thánh Trần ở các địa phương khác và được làm thanh thoát, không thô cứng. Tướng Trần Hưng Đạo và hai vị Yết Kiêu, Dã Tượng khoác chiến bào oai phong, gương mặt Đức Thánh Trần rất nghiêm nghị.

Theo quan sát của chúng tôi, ngay sát tượng Trần Hưng Đạo là một ngôi miếu và tấm “bia ghi nhớ”, tại nơi này có 12 chiến sĩ cách mạng đã bị địch bắt và bắn chết trong chiến dịch Mậu Thân, năm 1968.  Nhà văn, nhạc sĩ Đỗ Quang Vinh (nguyên Trưởng Phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) khi trả lời PV  không lý giải được vì sao trước tượng Đức Thánh Trần ở Phan Thiết lại không có lư nhang.

Ông Đỗ Quang Vinh cho biết, tượng Trần Hưng Đạo ở sông Cà Ty là từ chế độ cũ để lại. Sau giải phóng, chính quyền có ý định muốn di dời đi nơi khác phù hợp hơn nhưng không có kinh phí, nên cứ để vậy.

QUỐC HANH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Vào mùa sen Đức Linh
Đức Linh mùa này không chỉ có những vườn cây trái trĩu cành với hương thơm trái ngọt, cánh đồng bát ngát lúa chín vàng ươm mà đến với huyện miền núi này người ta còn muốn dạo chơi trên những ao, hồ rộng lớn thưởng ngoạn những đóa sen hồng ngát hương tỏa bay trong gió. Đang vào mùa sen nở nên đây là thời điểm tốt nhất để chúng ta khám phá, thưởng thức hương thơm dịu mát của sen hồng.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tượng Đức Thánh Trần ở Phan Thiết vì sao chỉ tay xuống sông Cà Ty ?