Theo dõi trên

Văn minh trong việc cưới, việc tang ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số 

10/06/2020, 16:06

BT - Thực hiện Chỉ thị số 05 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, thời gian qua, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong tỉnh đã thay đổi nếp nghĩ, tối giản các nghi lễ, nhưng vẫn gìn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc…

Thay đổi trong nhận thức

Trên địa bàn tỉnh hiện có 34 dân tộc thiểu số sinh sống. Trong đó đông nhất là dân tộc Chăm (gần 41.000 người), kế đến là dân tộc Raglai (hơn 19.300 người), K’ho (gần 12.700 người), Hoa (hơn 10.700 người)… Đồng bào các DTTS ở Bình Thuận sinh sống tập trung ở 17 xã thuần và 43 thôn xen ghép thuộc 9/10 huyện, thị, thành phố. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, lễ nghi, lễ hội riêng, tạo nên tính thống nhất, đa dạng trong nền văn hóa tại địa phương. Tuy nhiên một số hủ tục, tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại, tác động tiêu cực đến đời sống làm ảnh hưởng lao động sản xuất, an ninh trật tự.

                
Lễ cưới của đồng bào Chăm đã được tiết giảm    theo nếp sống mới. Ảnh: N.Lân

Ông Hoàng Chiến Thắng, Chủ tịch UBND xã La Dạ cho biết: Việc tuyên truyền, vận động để bà con nhận thức không kết hôn khi chưa đủ tuổi theo quy định của Nhà nước, không tin vào bùa ngải, thầy mo, thầy cúng khi ốm đau… ban đầu gặp nhiều khó khăn, do những phong tục, tập quán đã ăn sâu vào nếp nghĩ. Nhưng “mưa dầm thấm lâu”, kết hợp với phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư” và sự nêu gương của những người đứng đầu thôn đã giúp bà con dần có cách nhìn cởi mở, phù hợp hơn. Trong đó chấp hành khá nghiêm những quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Các đôi nam nữ đều đăng ký kết hôn tại UBND xã trước khi tổ chức cưới. Tỷ lệ tảo hôn trong 5 năm gần đây chỉ còn 3 trường hợp. Lễ vật cưới cũng giảm hẳn, cùng với đó các đám cưới được tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm, không tổ chức nhiều ngày, không phô trương lãng phí, phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình.

Còn tại huyện Bắc Bình, lễ cưới, lễ tang của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn cũng được sắp xếp thời gian và kinh phí phù hợp theo nếp sống hiện nay. Ông Lâm Tấn Bình – Thường trực Ban phong tục Bàlamôn giáo địa hạt Bắc Bình cho biết: Trước đây lễ cưới của đồng bào ChămBàlamôn được chọn tổ chức vào ngày thứ 4 (là ngày chẵn) trong tuần các tháng 3, 6, 8, 10 (Chăm lịch). Còn hiện nay dù vẫn duy trì chế độ mẫu hệ, quyền chủ động thuộc về nhà gái, nhưng nghi lễ được cắt giảm chỉ còn 2 giai đoạn gồm lễ hỏi và lễ cưới. Thời gian tổ chức linh hoạt, phù hợp với công việc của 2 bên gia đình. Việc kết hôn với người ngoài đạo giữa đạo Bàlamôn và Bàni không còn khắt khe như trước đây. Còn khi qua đời, thời gian thiêu cũng được tiết giảm từ 15 ngày xuống còn 4 ngày. Nếu người chết gặp ngày giờ không tốt hoặc gia đình có khó khăn thì đem chôn, 3 năm sau sẽ làm lễ thiêu khô.

Còn đồng bào Chăm theo đạo Hồi giáo khi có tang, hộ giàu cũng như hộ nghèo đều có 1 đêm kinh và đòn rồng đưa tiễn, không như trước đây chỉ có ở hộ giàu. Sau 24 giờ sẽ đem chôn, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Đẩy mạnh tuyên truyền

“Không phải đám cưới càng lớn, lễ vật càng nhiều, thì hạnh phúc của đôi trẻ càng bền chặt. Mà ngược lại sẽ tạo ra gánh nặng trả nợ cho vợ chồng và gia đình. Còn trong việc tang cũng vậy, con người có sinh, có tử đó là quy luật. Vì vậy, con cháu làm sao phải hiếu thảo với cha mẹ lúc còn sống. Lúc chết thì làm đám ma cho phải đạo, không nên quá xuề xòa, qua loa cũng không nên quá đình đám tốn kém”. Ông Hoàng Chiến Thắng vẫn thường xuyên nói với bà con như vậy trong các buổi sinh hoạt, gặp gỡ.

Tại địa phương này cũng thường xuyên tuyên truyền bà con các chủ trương, chính sách mới của Đảng. Thuyết phục đồng bào giữ gìn bản sắc văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo truyền thống, loại bỏ các hủ tục lạc hậu, ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, tinh thần. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng làm công tác tuyên truyền ở cơ sở, trong đó coi trọng vai trò của già làng, trưởng thôn. Hiện một số xã vùng cao Hàm Thuận Bắc và tại thôn Lâm Giang, nơi có đồng bào Chăm sinh sống đã thành lập được các câu lạc bộ phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống…

Cùng với đó, nhiều nơi trong tỉnh đã và đang quan tâm, xây dựng các thiết chế văn hóa, duy trì tổ chức hoạt động lễ hội, thể thao truyền thống các dân tộc. Đồng thời tuyên truyền về lịch sử, phong tục tập quán, giá trị văn hóa truyền thống, gương người tốt, việc tốt, tích cực lao động sản xuất, làm giàu chính đáng, thực hiện nếp sống văn minh, tinh thần đoàn kết dân tộc… Qua đó, giúp đồng bào các dân tộc thêm tin tưởng, phấn khởi, tự hào, tích cực tham gia lưu giữ, bảo tồn, phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc, tích cực lao động sản xuất.       

Thùy Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Văn minh trong việc cưới, việc tang ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số