Theo dõi trên

Văn nghệ lưu động, hành trình khó quên

30/12/2019, 10:47 - Lượt đọc: 30

BT- Giá trị ở chỗ giữa những thiếu thốn, người ta vỗ về nhau, an ủi nhau và mang đến cho nhau tiếng cười, sự ấm áp nhỏ nhoi… Nhưng lại là hành trình dài của những con người chẳng biết mệt mỏi… 

Đội “văn nghệ” lưu động

Vẫn biết bây giờ đi lại dễ dàng hơn trước nhiều lắm. Đường sá thuận lợi, cơ sở vật chất cũng thay đổi nhiều hơn trước. Nhưng, vẫn có mấy chục con người, trẻ có trung niên có vẫn thầm lặng ươm những hạt giống tinh thần khắp các vùng miền xa xôi, vùng cao, vùng dân tộc, miền núi. Bởi ở đó, cần  có những buổi văn nghệ, cần những câu chuyện đời được sân khấu hóa để tuyên truyền chính sách, để được hiểu chính sách, pháp luật thông qua những buổi văn nghệ mà sân khấu chỉ là phông màn dã chiến. Đó là Đội Văn nghệ tuyên truyền lưu động trực thuộc Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh.

Bây giờ có thể sẽ có nhiều gương mặt mới, trẻ hơn, năng động hơn nhưng ở đó vẫn dành tình cảm đặc biệt với cộng đồng người dân vùng khó khăn, khi mang đến lời ca, tiếng hát, những tiểu phẩm hài hước sau những ngày lao động cật lực trên nương rẫy. Hoạt động của Đội Văn nghệ tuyên truyền lưu động giữ vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, đưa thông tin về cơ sở, là cầu nối giữa các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước với quần chúng nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và các vùng đặc biệt khó khăn. “Thông qua các chương trình tuyên truyền lưu động này chúng ta đã chuyển tải được các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào đời sống của quần chúng nhân dân một cách nhẹ nhàng và có hiệu quả nhất. Công tác này đã thực sự đi vào đời sống xã hội” -  một thành viên của đội cho biết.

Văn nghệ quần chúng không chỉ mang giá trị tinh thần, mà ở đó còn có sự cổ vũ, động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sốn văn hóa”, xây dựng nông thôn mới, con người mới, nếp sống mới, văn hóa mới, xây dựng quê hương văn minh, giàu đẹp. Đấu tranh chống mọi thủ đoạn tuyên truyền, xuyên tạc từ bên ngoài, những quan điểm nhận thức lệch lạc, bài trừ các loại hủ tục lạc hậu, các biểu hiện phi văn hóa trong nhân dân… Trong năm 2019, Đội TTLĐ đã xây dựng 6 chương trình với nhiều nội dung khác nhau, trong đó 5 chương trình ca nhạc và 1 chương trình kịch với tiểu phẩm “Lãi mẹ - lãi con” tác giả và đạo diễn Hữu Tiến và Bảo Vy lên ý tưởng và dàn dựng. Đó cũng là 2 thành viên trong số những thành viên kỳ cựu của Đội Văn nghệ tuyên truyền lưu động. Chừng ấy con người làm nên 94/90 suất diễn đến với đủ đầy các xã vùng sâu, vùng xa là một nỗ lực rất lớn của tập thể.  

Kỷ niệm khó quên

Đối với những thành viên kỳ cựu của đội, như Bảo Vy gắn bó suốt chiều dài kỷ niệm. Bảo Vy chia sẻ: Thời đó vui lắm, nhưng cực khổ và khó khăn nhất là lúc đội còn đi xe U oát ngày xưa. Xe không có máy lạnh như bây giờ... Cứ tưởng tượng 8,9 con người cùng với âm thanh máy nổ trang thiết bị đạo cụ… các thứ chứa đầy xe. Tới nơi mặt mũi ai cũng lấm lem bụi đường nhìn thương lắm. Thời đó đường đất sét ổ gà, ổ voi không như đường nhựa như bây giờ. Hễ trời mưa thì trơn trượt và mắc lầy giữa đường, phải vận động bà con ra phụ đẩy xe mới chạy được. Tới nơi không có chỗ ở phải ở chuồng dê, căng bạt hứng nước mưa để sinh hoạt. Xuống suối tắm thì bị đỉa, vắt bu lại hút máu sợ lắm.

“Chưa hết, những ngày còn khó khăn, không ít lần anh em diễn viên khi tối treo mùng ngủ, nữ nằm ở giữa còn mấy anh nam người treo võng người nằm xung quanh chuồng dê, bốn bề trống lỏng không có tấm vách che chắn. Nửa đêm lạnh kinh khủng, kỷ niệm đó khó quên lắm” – Bảo Vy nói. Hồi đó còn anh ba Thái vừa là đội trưởng vừa lái xe vừa phụ trách âm thanh ánh sáng vừa là ca sĩ kịch sĩ làm luôn khuân vác bưng bê. Nữ như Vy cũng vậy, làm nhiều việc phụ giúp anh em. “Có lần Vy đang hát bị thanh niên nào ở phía dưới quăng đá trúng mặt, máu me tùm lum, mặt sưng húp, và đêm đó đội không phục vụ bà con trọn vẹn nhưng bà con rất thương và lo lắng cho Vy” - Vy kể.

Thời điểm đó, đội đi công tác trên rừng núi, phải qua sông, suối, sinh hoạt dã chiến, sếp Hòa (anh Nguyễn Văn Hòa - nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh) có lần nước dâng cao, thấy các em gái sợ nên phải cõng qua, đến bờ thì dép, đồ dùng cá nhân rớt lúc nào không biết. Có lúc ở rừng có người bị bò cạp chích sốt vừa run vừa đàn như anh Hòa bass, có người bị muỗi rừng chích, người bị heo rượt... Nhiều kỷ niệm mà khi nhắc tới thấy nhớ và thương. Trời mưa bà con cũng ngồi ngoài trời xem đội diễn, hái hoa rừng cỏ dại lên tặng cho diễn viên. Có bà con tặng đường, tiêu hột, và  mang cả con gà lên tặng. Đó là những tình cảm quý báu của bà con mà khi kể lại Vy lại rơi nước mắt. Cũng chính những điều này đã cho Vy thêm động lực để gắn bó với nghề cho đến bây giờ.

Bây giờ, đội đi diễn điều kiện cũng khá hơn, thường được thu xếp ở hội trường ủy ban để anh em dễ sinh hoạt, song vẫn còn nhiều chuyện đáng buồn xảy ra. Nhiều lần thành viên của đội bị mất trộm điện thoại, tiền, có lần nhiều thành viên nữ bị lấy hết điện thoại, giỏ xách kẻ gian mang ra trước cổng ủy ban xã lục tung và vứt vung vãi ở đó.

Hạnh phúc của những người nghệ sĩ là được phục vụ công chúng, ở đâu cần họ sẽ đến, yêu nghề bằng một tấm lòng trọn vẹn cho bà con nghèo xa xôi thiếu thốn những giá trị tinh thần. Cứ thế, hễ lớp người đi trước, truyền lửa cho thế hệ sau để tiếp bước. Hôm nay, sau Bảo Vy, Công Đoan, Hữu Tiến, lại có thêm Trà My, Hoàng Phúc cùng thắp lên vùng sáng cho văn nghệ quần chúng ở những nơi xa xôi.

QUANG NHÂN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Văn nghệ lưu động, hành trình khó quên