BT- “Mãi một đời về không…

Trong chập chùng thác nguồn”

(Trịnh Công Sơn)

Về không. Quả vậy, đời người đâu thể khác đi, tôi nhớ có lần mình đã viết: “Bóng chiều dẫu dài không chạm hết hoàng hôn” là để nói về sự hữu hạn, thậm chí mong manh của đời sống con người. Mấy ngày nay, báo chí dư luận sốt hầm hập lên vì vụ án ly hôn quá đắt tiền của ông bà trùm cà phê xứ Việt. Người bình luận “thiên tài gặp nạn”, kẻ chê bai “lòng tham vượt ngưỡng”, mấy bạn cửa giữa cứ nói tưng tửng “dù của cải lên đến tám chín ngàn tỷ đồng thì cũng về không thôi mà!”. Đúng là kiểu gì rồi cũng về không, ấy là chỉ nói về giá trị vật chất, còn giá trị tinh thần mà con người đạt được trong những ngày sống trên “cõi tạm” này thì tùy vào sức ảnh hưởng mà có đời sống dài ngắn khác nhau theo thời gian chứ.

                
Minh họa: Lý Long

Trở lại câu chuyện thời sự, chúng ta khoan phán xét vì thật ra chỉ “những người trong chăn mới biết chăn có rận” và những con rận ấy mặt mũi trắng đen ra sao. Nhưng có một chi tiết làm cho tôi cứ chạnh lòng mấy ngày nay đó là hình ảnh người cha, kẻ gầy dựng nên cơ ngơi bằng mồ hôi nước mắt của chính mình rồi giao lại cho con trai, đã sống những năm tháng qua với thực tế phũ phàng, dường như trước vụ xì vỡ này ông chưa một lần được nhắc đến. Trong “vinh quang” của con trai không có tên cha mình. (Tôi đặt chữ vinh quang trong ngoặc kép vì chính giới truyền thông đã thái quá khi ca tụng anh ta, ca tụng đồng tiền của anh ta một cách rất ác làm sinh căn bệnh vỹ cuồng, hoang tưởng nơi anh ta).

Vì đã làm cha của 3 đứa con nên tôi thật sự ngã mũ trước người cha trong câu chuyện này. Ông đã xác định và chấp nhận “về không” vô điều kiện để cho con trai mình trưởng thành và định danh trong thiên hạ, ông đã im lặng để cho con trai và con dâu mặc sức đánh bóng tên tuổi mình với tư cách người gầy dựng, người sáng lập, một đôi vợ chồng xuất thân sinh viên nghèo đã vượt khó, tích góp từng ly từng chút mà tạo nên một tập đoàn kinh tế lớn mạnh, vượt biên giới quốc gia như ngày nay. (Những người biết rõ về anh học sinh trường huyện được cưng chiều và cô nhân viên bưu điện trực 108 thì chỉ biết thở dài hoặc cười nửa miệng.) Mãi khi đến bên bờ vực anh con trai này mới nhớ đến cha, mới giương ra bộ hồ sơ mang tên cha, gào đúng cả họ cả tên cha mình như một thứ bùa chú để bám víu không phải rơi vào vực thẳm. Và người cha lại một lần nữa chấp nhận làm cái barie cứu con vô điều kiện. Im lặng. Lừng lững. Không một lời nào.

Tình người éo le là chuyện muôn đời, tôi chỉ muốn nói đến cái hiểu biết, tiên liệu sự “về không” của người cha trong vụ việc này, một vụ việc mà theo một số nhà báo là “qua đó thấy nhiều bài học nhân văn”, bài học về cái gọi là “khen cho chết”, bài học về lòng tham vô độ của con người, bài học bất nhân, bất nghĩa, bất hiếu, bài học về ăn ở hai lòng và cả bài học về việc lợi dụng, nhân danh con cái để phục vụ cho mưu đồ của mình…

Chẳng phải ông bà chúng ta đã mượn câu chuyện “Ông lão đánh cá và con cá vàng” để dạy cho con cháu một chiều rất sâu xa trong bài học về sự “về không” đó sao?!

Chẳng phải trong thực tế đời sống có biết bao người giàu có trước khi nhắm mắt xuôi tay muốn đưa cho thiên hạ xem thông điệp nơi hai bàn tay trắng của mình đó sao?!

Và cái câu nói gây bão mấy ngày nay của anh ta: “Tiền nhiều để làm gì?” tôi cứ ngỡ anh ta đang nói với chính mình, một lời nói chua chát, đắng cay với lòng ăn năn thật thà, nó như một lời xin lỗi muộn màng với người cha quá yêu thương và đã hy sinh đến tận cùng cho con trai của mình. Về không. Đời sống con người có thể khác được sao khi đã coi tiền là thước đo thành công duy nhất.

Nguyễn Tân Hải



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Về không