Theo dõi trên

Vu lan và mùa báo hiếu

08/09/2017, 16:52

BT- “Thùng! Thùng! Thùng”… Tiếng trống từ xa  đưa lại. Một số người đang tập thể dục sáng đưa mắt nhìn nhau, rồi  một người nói: “Chay tăng ở chùa Thiền Quang ấy mà!”.

                
Cầu nguyện cho cha mẹ, gia đình luôn được    bình an tại lễ Vu lan.

Nhắc đến chay tăng là nhớ tới mùa báo hiếu, nhớ tháng bảy âm lịch, nhớ đến mùa Vu lan!

Ở Phan Thiết, cứ đến tháng bảy, các chùa đều tổ chức đại lễ Vu lan, nhằm nhắc nhở mọi người  nhớ về nguồn cội, ơn đức của đấng sanh thành. Để tiện việc thuyết giảng và hành lễ, các chùa đều có lịch trình tổ chức đại lễ xoay vòng theo thứ tự các ngày trong tháng. Và, tùy khả năng mà từng chùa để tổ chức sao cho hợp lý, tránh lãng phí. Nhưng nhìn chung chùa nào ở Phan Thiết, tổ chức lớn nhỏ thế nào, cũng  đều tuân theo các nghi thức: khai mạc lễ, tụng kinh niệm Phật cầu siêu độ các hương linh, thuyết giảng về ý nghĩa của lễ Vu lan, công ơn sinh thành của cha mẹ. Những ai còn mẹ được cài hoa hồng đỏ, những người còn cha được cài hoa xanh, những ai mồ côi cả cha mẹ sẽ nhận hoa trắng! Tiếp chương trình buổi lễ là quy y Tam Bảo, quy y hương linh rồi đến cúng thí thực, phóng sanh và hoàn mãn…

Ngày còn nhỏ, tôi theo bà lên chùa chứng kiến tận mắt những nghi thức cúng bái thành kính thật thanh tịnh. Nay bà đi xa, gần nửa thế kỷ trôi qua vẫn còn ấn tượng về những ngày theo bà làm Phật sự dưới mái chùa  lợp ngói âm dương - Từ lời ăn tiếng nói, đến mọi hoạt động trong chùa của các ni sư và bổn đạo đều khẽ khàng cẩn trọng với một niềm thành kính tuyệt đối. Tan buổi lễ, sau niềm xúc động trào dâng, là sự lắng đọng, tưởng nhớ về công ơn sanh thành của mẹ cha, là niềm thư thái nhẹ nhàng và thanh tịnh trong không khí trong lành của mái chùa xưa cũ.

Việc thí thực, tuy có náo nhiệt nhưng vẫn có phần ôn nhu, hoàn kinh xong, các ni sư mang ra cổng phân phát… Và người nhận thí thực cũng rất nhu hòa, ít khi  xảy ra  chuyện tranh cướp…

Với vật phóng sanh, ngày xưa theo lời bà kể thì cũng do tình cờ tìm gặp được, có tính cách giải cứu và đem lại sự sống cho các loài. Nhân những ngày đại lễ, nhà chùa tổ chức phóng sanh để tránh sát hại động vật, tuyên truyền giáo lý về tính nhân văn chứ không như ngày nay nhiều người hiểu nhầm phải đặt mua trước. Có cầu ắt phải có cung. Thế là phải đặt bẫy chim, bẫy cá… đến đúng hẹn giao cho tín chủ để sau khi vừa phóng thích, thương lái lại có cơ hội bẫy tiếp lần hai, lần ba (là số ít nhưng hiện tượng này vẫn đã xảy ra)… Thật là một vòng lẩn quẩn.

Ngày xưa, không có cảnh bày bán thức ăn chay nơi cổng chùa nên bước chân vào với Phật, mọi người đều nhận được một cảm giác an nhiên tự tại với niềm tôn kính vô biên khi những ngày rằm, mồng một, chay tịnh trong tháng đến chùa với hương hoa dâng Phật… không như ngày nay Phật tử phải làm quen dần cảnh huyên náo trước những mâm, thau thức ăn ê hề đang bày bán, chẳng mỹ quan tí nào cả.

Ngày nay nhiều ngôi chùa được xây có chánh điện nguy nga, tây lang - đông lang rộng lớn, khách thập phương đông đảo hơn thì cũng nhiều phức tạp hơn không còn vẻ thanh tịnh như  xưa. Không kể những khi đại lễ, các tín chủ có điều kiện muốn làm chay tăng cho người thân…Bảo đảm những gia đình ở quanh gần chùa phải chịu tra tấn suốt buổi bởi tiếng ê a tụng kinh sám hối bằng micro từ trong chùa không qua cách âm vang vọng khắp chốn.

Phường Đức Nghĩa (TP. Phan Thiết) có hai ngôi chùa nằm sát với trường học. Chùa Thiền Quang liền kề với Trường Trần Phú, chùa Liên Trì sát cạnh Trường Đức Nghĩa. Bao năm rồi giáo viên và học sinh phải gặp những phiền toái như thế. Trò đọc không được, cô giảng không nghe - tranh thủ viết bài thôi. Hàng mấy trăm con người trong trường sau hồi khản giọng, ngồi nhìn nhau chờ buổi hành lễ nhà chùa kết thúc. Thế là phí gần cả buổi học!

Mùng 5 tháng 7 (âm lịch), chùa vừa đại lễ. May thay nhằm ngày thứ bảy và các em chưa đến lớp. Tháng bảy dần đi qua cũng trùng với những ngày đầu niên khóa mới; lực lượng trồng người mở cánh cửa tri thức đón các mầm xanh - tương lai của đất nước. Mong rằng mọi điều tốt đẹp đang dần  ở phía trước!

Lê Thị Tâm Thu



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vu lan và mùa báo hiếu