Xông đất
Xông đất “độc cô” Nguyễn Hiệp
BTO-
Thuở đôi mươi, mỗi dịp tết, về nhà, quyện mình trong ngập tràn hương, hoa, tôi
đọc sạch các ấn phẩm xuân của báo Bình Thuận, tạp chí Văn Nghệ Bình Thuận... Cái
tên tác giả ấn tượng mạnh trong tôi lúc bấy giờ - Nguyễn Hiệp. Từ đó, tôi đọc
tác phẩm của anh nhiều hơn. Nghinh xuân Tân Sửu, chợt nhớ những khoảnh khắc bên
khung cửa bầu trời tuổi thơ đọc Nguyễn Hiệp, tôi mở “chat” xin trò chuyện cùng
anh – Một “độc cô” trên văn đàn đất Bình Thuận.
 |
Nhà văn Nguyễn Hiệp. |
Kim Hồng
Đăng (KHĐ):
Chúc mừng năm mới! Anh khai bút Tân Sửu chưa?
Nhà văn
Nguyễn Hiệp (NV Nguyễn Hiệp):
Đang đây.
KHĐ:
Những con chữ đầu tiên?
NV
Nguyễn Hiệp:
Niềm vui! Vui vì nhìn lại năm qua, dù khó khăn chung do dịch bệnh nhưng tôi thấy
hài lòng với những gì mình làm được. 2 tập truyện ngắn “Chỗ trống dưới ngón tay
Phật” và “Dự án chôn dọc” được xuất bản (Nhà xuất bản Dân Trí và Nhà Xuất bản
Hội Nhà Văn). Cộng tác với gần 20 tờ báo, tạp chí xuân. Cùng bạn bè, góp xây
được 1 căn nhà “tình thương”. Vui vì thấy xung quanh bớt ấu trỉ, lạc hậu hơn.
Vui vì có nhiều tấm gương trẻ đột phá rất hiệu quả trong lập nghiệp, trong cuộc
sống. Vui còn vì 3 con trai nghiên cứu, học hành tấn tới ở nước ngoài. Tất cả
giúp tôi có động lực, ý tưởng mới để tiếp tục viết và viết.
KHĐ:
Độc giả sẽ đón nhận những “đứa con tinh thần” nào của Nhà văn Nguyễn Hiệp trong
năm Tân Sửu?
NV
Nguyễn Hiệp:
Tôi được một nhà xuất bản đã ký hợp đồng cho tiểu thuyết “Vực thẳm trắng”. Hết
sức nỗ lực để ra mắt vào tháng 5/2021. Đến cuối năm, tôi sẽ giới thiệu thêm tập
tản văn “Ám ảnh mờ” với công chúng.
KHĐ:
Nghe những cái tựa, cảm giác “tầng tầng”. Trong sâu thẳm, anh gửi gắm điều gì?
NV
Nguyễn Hiệp:
Tiểu thuyết “Vực thẳm trắng” viết về những điều đã mất, dự báo sẽ mất hẳn. Đó là
văn hóa, là ngôn ngữ, là tập quán, là lịch sử,… Riêng tập 1, độc giả người Bình
Thuận sẽ bắt gặp những vỉa tầng lịch sử quen thuộc. Trong tác phẩm có đề cập đến
chiến tranh. Chiến tranh không phải là điều mong muốn của con người. Con người
cần đời sống ấm no, cần tình yêu thương, cần văn hóa hơn tất cả mọi thứ.
KHĐ:
Chiến tranh! Có gì mới, khác hơn trong cách nhìn của anh qua “Vực thẳm trắng”?
NV
Nguyễn Hiệp:Tôi
nói những được – mất của tất cả mọi chuyện, chấp nhận nhiều góc nhìn. Có một số
chương dùng thủ pháp “đồng hiện”. Tức là cùng một sự kiện và cùng một thời điểm
nhưng có hai dòng ý thức khác nhau được thể hiện. Điều mất đi cuối cùng tùy vào
tương tác của người đọc…
KHĐ:
Ngoài viết, anh còn vẽ tranh. Anh từng được nhà xuất bản sử dụng tranh của anh
làm bìa cho sách của chính anh. Bạn bè, thân hữu nhìn nhận, anh vẽ tranh cũng lạ
và “nhiều tầng” như những trang viết. Vậy anh có dự định tham gia một cuộc triển
lãm nào đó trong năm nay?
NV
Nguyễn Hiệp:
Tôi cũng vừa nhận lời tham gia một cuộc triển lãm tranh “Nhà văn vẽ” tại Hà Nội
được tổ chức trong năm nay. Tôi sẽ “trình làng” 5 bức. Chủ đề lần lượt là “Sen
và thừng”, “Vòng xoáy”, “Câu hỏi của bướm”, “Bướm đỏ”, “Nắng lạnh”. Cả 5 đều vẽ
bằng chất liệu sơn dầu và thủ pháp “phúng dụ”.
KHĐ:
Năm qua, anh cũng tham gia tích cực vào việc biên tập văn xuôi cho tạp chí Văn
Nghệ Bình Thuận, anh cảm nhận gì từ đây?
NV
Nguyễn Hiệp:
Lĩnh vực văn xuôi cần thay đổi nhiều nhưng cần nhất là nhận thức sâu, rộng hơn
về văn học – nghệ thuật; người viết cần quân tâm nhiều hơn các vấn đề xã hội,
thoát khỏi những “ê a, than nghèo, kể khổ” vụn vặt. Tôi đã đề xướng cách làm mới
và rất vui vì đa phần mọi người hồ hởi hưởng ứng nhưng dĩ nhiên vẫn không sao
tránh được còn những người còn hẹp hòi, bảo thủ.
KHĐ:Vậy
để người viết ở đây có thể viết sâu hơn, “người cầm trịch” cần làm gì?
NV
Nguyễn Hiệp:Việc
phát hiện, bồi dưỡng một tác giả khác với bồi dưỡng … học sinh giỏi văn. Đừng
nhầm lẫn điều cốt lõi này mà giao trách nhiệm bồi dưỡng cho các thầy cô ngành
giáo dục thay vì trách nhiệm đó là của nhà văn, nhà thơ có uy tín. Ở một số tỉnh
như Bình Định, Đồng Nai có cách làm phù hợp là Hội Văn học Nghệ thuật được quyền
tổ chức các trại sáng tác trẻ. Ở đó, các nhà văn, nhà thơ được mời về nói chuyện,
trao đổi nghiệp vụ chứ không liên quan gì đến sở Giáo dục và Đào tạo.
KHĐ:Anh
gửi gắm gì đến với các bạn trẻ muốn dấn thân vào nghiệp viết và người mới viết?
NV
Nguyễn Hiệp:Hãy
dấn thân và viết vì nỗi ưu tư với cuộc đời, vì đam mê cháy khát, và đừng bao giờ
nghĩ đến được – mất. Vì với nghiệp văn chương, cả nỗi đau chua chát lẫn thất bại
đắng cay đều là những khối vàng ròng…
KHĐ:Trân
trọng cám ơn anh! Kính chúc anh bút lực luôn sung mãn và gia đình mãi an vui!
NV
Nguyễn Hiệp:Trân
trọng cám ơn báo Bình Thuận! Kính chúc quý báo ngày càng phát triển. Kính chúc
quý độc giả vạn sự an khang!
Nguyễn Hiệp tên thật là Nguyễn Văn Hiệp
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
Giải thưởng:
-
Giải nhì truyện ngắn báo Văn nghệ - Hội
Nhà văn Việt Nam (2003 – 2004)
-
Giải ba truyện ngắn Nhà văn và Tác phẩm
Hội Nhà văn Việt Nam (2018 – 2020)
-
Nhiều giải thưởng khác |
KIM HỒNG ĐĂNG