Theo dõi trên

Xứ đạo đầu tiên trên đất La Gi

19/12/2018, 08:50

BT- Trong quá trình mở đất lập làng ở La Gi phải kể đến một bộ phận người dân theo đạo Công giáo hình thành họ đạo La Gi và dựng lên ngôi nhà thờ vào năm 1885, cách đây 133 năm. Năm Thành Thái thứ 5 (1893) có trát truyền cho xã Tam Tân giao nhượng 4 sở đất cho Linh mục Huỳnh Công Ẩn đang ở giáo xứ Kim Ngọc (Phú Long, Phan Thiết), cắt từ đất ấp Liên Trì, thuộc làng Hàm Tân, huyện Tuy Lý, phủ Hàm Thuận lập thành một thôn mới lấy tên là Tân Lý (theo nghĩa Hán Việt là Làng mới). Có con dấu (triện) vuông “Tân Lý Thôn Hương Bản” của Trưởng thôn.

Đây là vùng phù hợp cho sự phát triển nông nghiệp, nằm cặp theo bờ tả ngạn sông Dinh chạy dài gần 3 km tiếp giáp cửa biển và một mặt là bờ biển dài trên 3 km. Thôn Tân Lý với cánh đồng mới khai hoang Ruộng Đụt, Ruộng Có giáp đến hồ Bưng Ngang. Bên hữu ngạn con sông, đối mặt với xứ đạo Tân Lý là hai làng Hàm Tân, Phước Lộc…

Trước đó, năm 1885 trong thời gian quy tập cư dân, Linh mục Huỳnh Công Ấn cho dựng ngôi nhà thờ tại Giếng Đụt cạnh chân động cát xóm chài Tân Long, là ngư dân từ miền Trung vào từ lâu sống nghề biển và theo đạo Phật. Do bất tiện về vị trí, năm 1916 khi La Gi được thành lập huyện Hàm Tân, có 2 tổng Phong Điền và Phước Thắng, xứ đạo Tân Lý thuộc tổng Phong Điền cũng là năm Nhà thờ mới được khởi công, lúc này Linh mục Trần Hiếu Lễ là quản xứ. Đến năm 1929, Linh mục Nguyễn Văn Giàu đến thay cha Lễ tiếp tục tu bổ, xây trường học, tháp chuông… Trong lịch sử địa phương khi tái hiện trận bắt Tây nhảy dù ở Đồi Dương (Tân Lý) vào chiều ngày 28/8/1945, cách nhà thờ khoảng 1 km, do lực lượng nhân dân nổi dậy nhưng chỉ có dao, rựa mà thôi, trong khi toán lính Pháp nhảy dù có vũ khí đang cố thủ trong rừng dương. Lực lượng đã vận động cha Giàu cho mượn khẩu súng săn 2 nòng để khống chế, áp đảo địch chống trả. Và nhờ cây súng này đã thêm sức chiến đấu cho lực lượng tiến công, kết thúc sớm trận đánh. Đến khi Pháp tái chiếm Hàm Tân đã ra lệnh bắt cha Giàu cùng 2 Dì Phước đưa về Phan Thiết vì cho rằng cha Giàu có quan hệ với Việt Minh và nhà thờ bị đánh sập theo chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, nhưng ngay sau đó có dựng lên một nhà nguyện trong rừng sâu phục vụ giáo dân sống tản cư.

Năm 1957, tỉnh Bình Tuy được thành lập nhà thờ Tân Lý được xây mới bằng vật liệu kiên có, số giáo dân có khoảng 400 người. Đến năm 1975 chỉ có 1.400 người nhưng hiện nay từ một Giáo họ La Gi sau trên 100 năm đã phát triển phải chia tách thêm giáo xứ Bình An và giáo xứ Đá Dựng.

 Xứ đạo Tân Lý ngày nay được coi là một địa bàn gần như trung tâm kinh tế của thị xã La Gi. Một bên là bờ biển đẹp Đồi Dương với hàng chục khu resort, khách sạn, nghỉ dưỡng cho khách du lịch và một bên là bờ sông Dinh chuyển từ những vườn rau, hoa quả xanh tươi ngày nào mọc lên những căn nhà phố nguy nga nối dài với làng biển Tân Long ghe thuyền neo đậu kín bến.

PHAN CHÍNH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xứ đạo đầu tiên trên đất La Gi