Nhà văn Tô Hoài với gia đình tôi
Nhà văn Tô Hoài với gia đình tôi
BT- Nghe tin nhà văn Tô Hoài mất vào
ngày 6/7/2014, tôi liền nhắn tin chia buồn cùng chị Sông Thao - con gái nhà văn
- Dẫu biết rằng sẽ đến ngày bác Tô Hoài phải ra đi, nhưng khi nghe tin cả gia
đình tôi không khỏi nao nao buồn. Bởi lẽ, từ lâu nhà văn Tô Hoài đã là người
anh, người bạn đáng kính của ba tôi – nhà văn Hoàng Văn Bổn. Cái tên nhà văn Tô
Hoài thường được ba tôi nhắc mỗi khi kể chuyện viết lách và đã xuất hiện trong
11 trang sách trong bài “Với nhà văn Tôi Hoài” của quyển truyện ký “Lượm cái hoa
rơi” của ba tôi. (từ trang 300 - 311 Nhà xuất bản (NXB) Tổng hợp Đồng Nai
3/2000). Trong 11 trang đó, ba tôi có trích 7 lá thư của nhà văn Tô Hoài gửi cho
mình, thường là cảm nghĩ của nhà văn sau khi đọc xong quyển sách mà ba tôi gửi
tặng cho ông.
 |
Nhà văn Tô Hoài. |
Trong mấy chục lá thư nhà văn Tô
Hoài gửi cho ba tôi, có bài viết “Đọc Hoàng Văn Bổn” là bài viết sau khi ông đọc
3 quyển sách với trên 3.000 trang in của 3 quyển tuyển tập Hoàng Văn Bổn 1, 2, 3
(NXB Đồng Nai 1997). Bài viết này được in trong phần phụ lục tập 4 bộ sách
“Hoàng Văn Bổn những tác phẩm tiêu biểu” (trang 1030 - 1037). Như vậy, đủ thấy,
tình cảm giữa hai nhà văn bền chặt như thế nào. Hai ông đã quen nhau từ khi
thành lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957 đến ngày 12/5/2006 thì ba tôi mất, nay
đến lượt ông.
Nhà văn Tô Hoài còn là người thầy
đáng kính của chồng tôi - nhà văn Mai Bửu Minh (Hiện là Chủ tịch Hội LH VHNT
tỉnh An Giang). Chồng tôi may mắn được gặp nhà văn Tô Hoài khi ra Hà Nội nhận
giải thưởng của NXB Kim Đồng trong Cuộc vận động sáng tác truyện và tranh truyện
cho thiếu nhi 1993 - 1995, mà nhà văn Tô Hoài là một thành viên trong Hội đồng
tư vấn cho NXB khi xét giải. Dịp này, chồng tôi cùng một số anh chị đoạt giải
đến tận nhà thăm ông. Lúc ấy, ông khen truyện dài “Một miền quê” (NXB Kim Đồng -
2006 dày 210 trang) của chồng tôi đã phản ánh khá hấp dẫn về một vùng quê sông
nước An Giang; và ông gợi ý “Anh làm đơn đi, tôi với nhà văn Bùi Hiển giới thiệu
vào Hội Nhà văn… Chúng tôi thích tác phẩm của anh lắm…”. Sau đó, khi nhà văn
Mai Bửu Minh đoạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng tác văn học cho tuổi trẻ của
NXB Thanh Niên kết hợp với Tuần báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn) tổ chức với tập
truyện ngắn “Hắn và tôi” (NXB Thanh Niên 1997), nhà văn Tô Hoài có viết thư nhận
xét tập truyện này, nội dung có khen, có chê một cách rất nghiêm túc, ông đã chỉ
ra những chỗ còn hạn chế, những chi tiết hay khiến chồng tôi vô cùng khâm phục.
Tôi là một giáo viên dạy môn văn
trung học phổ thông (dạy ngữ văn từ năm 1985 đến nay), tôi sinh ra ở miền Bắc
nên từ nhỏ đã mê “Dế mèn phiêu lưu ký”; đến khi dạy học, mỗi khi giảng cho học
trò nghe tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” tôi đều giảng với cả cảm xúc đủ để các em cảm
nhận hết cái hay của tác phẩm. Và, vào cuối tháng 6/2003, trong đợt Sở Giáo dục
- Đào tạo An Giang tổ chức lớp bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên ngữ văn của
tỉnh, tôi may mắn được nghe nhà văn Tô Hoài nói chuyện sáng tác tại Trường Đại
học An Giang và đã ghi nhận nội dung cuộc gặp gỡ đó in trong tờ nội san của
trường. Ngày hôm ấy, trên bục giảng, nhà văn Tô Hoài đứng trước hàng trăm giáo
viên vui vẻ, cởi mở và đầy chất hóm hỉnh khi trả lời những câu hỏi của giáo
viên. Ông kể về lý do lấy bút danh là Tô Hoài như sau: “Tôi bắt chước ông Tản Đà
lấy bút danh gắn với quê hương. Quê tôi ở ngoại thành Hà Nội, nơi có dòng sông
Tô Lịch chảy qua làng Hoài Đức, vì thế tôi lấy bút danh Tô Hoài. Tôi cũng xin
nói thêm là lúc đầu những bài viết của tôi ký bút danh Tô Hoài ít được báo nào
in” (cả hội trường cười ồ ).
Khi hỏi về tác phẩm tâm đắc nhất
trong sự nghiệp viết lách của mình, nhà văn đã nói: “Tôi năm nay đã tám mươi ba
tuổi, viết văn từ năm 1940, có thể nói trên 60 năm sáng tác đã làm nên đời văn
của tôi. Tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký” là tác phẩm đầu tay của tôi (như vậy chú
dế mèn ngày xưa nay cũng đã trên 60 tuổi rồi!). Cho đến nay, tôi đã có trên 100
tác phẩm thì đã có một nửa tác phẩm viết cho thiếu nhi, nhưng đề tài tôi tâm đắc
nhất là viết về Hà Nội - nơi tôi được sinh ra và lớn lên. Tôi đã có những cuốn
tiểu thuyết viết về Hà Nội như “Quê nhà”, “Quê người”, “Mười năm”. Đề tài thứ
hai là viết về miền núi, miền Tây Bắc, vì tôi đã sống và hoạt động ở vùng đất
này khá lâu nên có nhiều tình cảm với các dân tộc thiểu số anh em như dân tộc
Mông, Mán… Tôi sống và am hiểu về họ cho nên khi được bầu làm Đại biểu Quốc hội
thì lập tức được phân làm ủy viên phụ trách về dân tộc, mặc dù tôi là người
Kinh” (cả hội trường cười).
Rồi ông kể hoàn cảnh sáng tác nên
tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, những chi tiết cụ thể trong tác phẩm khiến hầu hết
giáo viên dạy ngữ văn có mặt hôm ấy đều thấy thú vị, vì nhờ đó mà chúng tôi sẽ
giảng cho học trò nghe tác phẩm này hay hơn. Nhất là, khi chúng tôi hỏi: “Có khi
nào nhà văn dự tiết giảng của giáo viên khi họ giảng tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu
ký” hay “Vợ chồng A Phủ” không? Cảm xúc của nhà văn như thế nào?”.
Nhà văn Tô Hoài vui vẻ trả lời cũng
với chất giọng hóm hỉnh: “Tôi cũng có dịp đến dự và nói chuyện với các cháu lớp
nhỏ, rồi học viên bổ túc. Khi nghe các thầy cô phân tích tác phẩm của tôi, tôi
thấy các giáo viên giảng phong phú hơn suy nghĩ của tôi” (cả hội trường bật lên
tiếng cười)…
Mùa hè năm 2013, tôi có dịp cùng với
chồng và hai con ra Hà Nội, Ban Giám đốc NXB Kim Đồng có lời mời chúng tôi đến
chơi, vì cả gia đình chúng tôi đã từng được NXB in tổng cộng 19 quyển sách
truyện thiếu nhi (nhà văn Hoàng Văn Bổn 8 quyển sách, chồng tôi 8 quyển, tôi 2
quyển, con trai tôi 1 quyển). Đến NXB Kim Đồng, chúng tôi không ngờ, đón tiếp
chúng tôi có biên tập viên Sông Thao, người đã từng biên tập tác phẩm của chúng
tôi lại là con của nhà văn Tô Hoài. Rất tiếc, vì chương trình đi Hạ Long đã hợp
đồng, chúng tôi không kịp đến thăm nhà văn Tô Hoài vì phải về An Giang gấp. Dự
tính, chuyến đi tiếp chúng tôi sẽ sắp xếp thời gian đến thăm… Nhưng nay đã không
còn cơ duyên đó nữa.
Hôm nay, tôi thay mặt gia đình viết
bài này như những nén nhang thành kính của gia đình tôi tiễn đưa nhà văn Tô Hoài
về cõi vĩnh hằng. Nơi ấy, có lẽ nhà văn sẽ được gặp những người bạn chân tình,
trong đó có ba tôi nhà văn Hoàng Văn Bổn.
Hoàng Mai Quyên