BT- Cầm tập sách bề thế, bìa cứng dày gần 400 trang của Nhà xuất bản  Công an nhân dân trên tay có tựa đề Tự hào một thời vinh quang đáng nhớ tôi liền đọc ngay cho dù tập sách khá nặng, chỉ có thể để trên bàn lần lượt dở từng trang.

Vì sao cuốn sách hút tôi đến vậy, một lẽ tự nhiên đầy thuyết phục như lời của GS-TS Tô Lâm – Thượng tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương và là Bộ trưởng Bộ Công an: “Ký ức về những năm tháng chiến đấu, những chiến công hào hùng ấy đã và đang còn tồn tại, hiện hữu khắp mọi miền đất nước, thấm đượm trong tâm khảm của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân. Những giây phút quyết liệt nơi chiến tuyến, những thời khắc cam go trong cuộc đấu mưu, đọ sức với các thế lực thù địch và cả những lúc bình lặng, khó quên khi nhớ về tấm gương của những đồng đội, đồng chí…”.

Quả là tập sách có nhiều tư liệu quý vì chính họ là các chiến sĩ công an, những người trong cuộc đã sống sót trở về trên mặt trận an ninh sau ngày đất nước thống nhất cũng như trên 40 năm xây dựng đất nước, từng bước đổi mới để hội nhập thế giới.

Rất tiếc, do khuôn khổ một bài giới thiệu không thể nói hết được, tôi chỉ khoanh lại những thành tích của công tác an ninh ở Bình Thuận từ sau ngày thống nhất đất nước qua lời kể của Đại tá Nguyễn Kim Ngân - nguyên Trưởng Phòng tham mưu, rồi Trưởng Phòng trinh sát kỹ thuật Công an tỉnh Thuận Hải, sau này là Bình Thuận; sau đó nữa, Đại tá Nguyễn Kim Ngân được Bộ Công an điều về làm Phó Trưởng phòng Viện Khoa học hình sự trực thuộc bộ.

Theo lời kể của Đại tá Ngân về vụ minh oan cho anh Nguyễn Văn Thắng, quê ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận là một vụ điển hình về công tác an ninh với phương châm “không để lọt kẻ gian, không làm oan người ngay” làm tôi cảm phục về kỹ thuật điều tra mà chính Đại tá Ngân là người trực tiếp thực hiện.

Anh Thắng quê ở xã Hòa Thắng, cha là liệt sĩ chống Pháp, mẹ là cơ sở bên trong nuôi giấu cán bộ. Anh Thắng tham gia phong trào sinh viên, học sinh ở Sài Gòn. Sau khi bị bọn địch đàn áp anh về lại quê Hòa Thắng để tham gia hoạt động cách mạng.

Sau ngày miền Nam được giải phóng anh được cử làm Trưởng Phòng Giáo dục huyện đảo Phú Quý, sau đó lại được cử đi học Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Học xong anh được điều về làm Giám đốc Trường Đảng Quân khu 6 và là ủy viên Ban Thường vụ Quân ủy. Ấy vậy mà có tài liệu nói anh Thắng là tình báo của địch cài lại rồi không những anh Thắng bị khai trừ khỏi Đảng mà còn bị bắt bỏ tù.

Đại tá Phúc là người bà con với anh Thắng mà Đại tá Phúc cũng quen biết chúng tôi. Khi biết tin cháu mình là anh Thắng bị oan, Đại tá Phúc đã ra tận Hà Nội gặp các cán bộ cao cấp đề nghị điều tra lại. Tuy vậy, năm tháng trôi qua, anh Thắng vẫn bị giam cầm, hơn thế căn nhà của anh Thắng được Nhà nước cấp ở Phú Lâm cũng bị tịch thu, vợ bị bệnh tim ngất lên, ngất xuống, con cái phải bỏ học…

Bộ Công an đã giao công việc này cho Phân viện Khoa học hình sự phía Nam, người trực tiếp điều tra là Đại tá Ngân. Sau những tài liệu do địch để lại, bằng nghiệp vụ điều tra, Đại tá Ngân và đồng nghiệp đã phát hiện khi đưa lên máy Dcubox soi thấy rõ ở dòng thứ 8, tên Nguyễn Văn Khải quê ở Thái Bình chứ không phải Nguyễn Văn Thắng, kẻ giấu mặt đã tẩy chữ Khải thành chữ Thắng, do vậy mà anh Thắng bị bắt giam.

Đại tá Ngân đã trực tiếp làm việc với Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm về những tài liệu đã được điều tra, và kết quả anh Thắng đã được minh oan, tài sản bị tịch thu trước đó được trả lại, con cái anh Thắng cũng đã tốt nghiệp đại học.

Còn nhiều vụ việc khác nữa ở Bình Thuận sau ngày giải phóng như vụ phản động ở huyện Bắc Bình, một vụ việc cũng khá nổi cộm do tung tin thất thiệt để lấy thành tích, nhưng vì khuôn khổ bài viết không kể ra hết được. Qua những mẩu chuyện trong tập sách kể về thành tích an ninh của lực lượng làm công tác an ninh từ trong kháng chiến đến sau ngày hòa bình thống nhất thật xứng đáng với danh hiệu: Tự hào một thời - Vinh quang đáng nhớ. 

TRẦN DUY LÝ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vinh quang đáng nhớ