Theo dõi trên

10 năm theo “nghiệp” làm báo

25/10/2018, 08:10

BT- Thắm thoát cũng tròn 10 năm theo nghề báo, không ít lần tôi định từ bỏ bởi áp lực suốt 24 giờ/ngày của nghề báo. Thế nhưng, mỗi sáng sớm cầm tờ báo mới còn thơm mùi mực trên tay, trong đó có bài báo đề tên mình bên dưới, trong đầu tôi lại sục sôi suy nghĩ ngày mai, ngày kia… mình sẽ viết gì tiếp nhỉ?

Và cứ thế, nghiệp chọn người, tôi không thể buông bỏ nghề báo và cũng không biết tự lúc nào tôi ngày càng say mê với nghề viết lách này.

                
Phóng viên tác nghiệp. Ảnh: Đ.H

Bước chân vào nghề báo khi tôi cầm trên tay tấm bằng cử nhân văn học. Chưa từng kinh qua một lớp học hay khóa đào tạo nào về báo chí, nhưng không biết cơ duyên nào đã đưa tôi bước chân vào con đường làm báo, có lẽ đó là cái duyên với những con chữ khi tôi theo học một chuyên ngành gần gũi với báo chí.

Còn nhớ ngày mới chập chững bước vào nghề, trong tâm trí tôi còn chưa định hình được tin phải viết thế nào hay tổ chức một bài báo phải làm sao… Vậy mà, thấm thoát thời gian thoi đưa, ngoảnh đầu nhìn lại tôi đã có gần chục năm gắn bó với nghề báo. 10 năm – một khoảng thời gian không quá dài nhưng cũng không phải là ngắn để tôi có thể thu lượm được những kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ… của nghề báo. Giờ đây, tôi đã thuần thục một số kỹ năng cơ bản của nghề báo, tuy vậy ở nhiều khía cạnh nhất định, tôi vẫn còn rất “lạc hậu” trước sự phát triển nhanh chóng của xu thế làm báo hiện đại. Nhưng hơn tất cả, trải qua một khoảng thời gian gắn bó với nghề báo, tôi ngày càng cảm hiểu và nhận thức rõ hơn về những yêu cầu cũng như áp lực của nghề mà mình đã lựa chọn theo đuổi.

“Phụ nữ làm báo khổ”, nhiều người từng nói với tôi như thế và tự tôi cũng cảm được điều đó khi áp lực tin, bài cứ chập chờn trong mỗi giấc ngủ. Rồi những khi con đau, con ốm mà công việc lại bắt buộc phải hoàn thành đúng thời hạn khiến tôi quay như chong chóng. Nhiều hôm chở con đến trường, con chỉ dặn duy nhất câu: “Mẹ nhớ đón con sớm nhé!”. Mong ước giản đơn ấy đôi khi lại trở thành khó khăn khi tôi kẹt các buổi họp kéo dài hay những chuyến công tác xa không về kịp. Là phụ nữ, lại được phân công những lĩnh vực “xương” như thời sự hay nội chính, đôi khi tôi sợ mình gồng gánh không nổi, nhưng rồi “lửa nghề”, niềm đam mê đã giúp tôi vượt qua tất cả, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đôi lúc tưởng phải bỏ cuộc, nhưng rồi nghề báo như cái duyên, cái nợ chưa thể dừng lại được. Rồi lại đi, lại viết, lại sống với đam mê như đã từng. Đôi khi niềm vui đơn giản chỉ là được trò chuyện với những người chưa từng quen biết hay đến những nơi chưa từng đặt chân… Tôi còn nhớ, một anh đồng nghiệp đi trước từng nói với tôi rằng: “Với mỗi một bài báo, người phóng viên phải gặp ít nhất 3 người để thu thập ý kiến viết bài, thì cả chặng đường làm báo sẽ gặp hàng nghìn người và tích lũy được một “kho” kiến thức từ những người đã gặp. Đấy là những kiến thức vô cùng quý báu mà không một trường lớp nào có thể cung cấp được…”. Có lẽ, chính từ những điều giản dị đó mà nghề báo có sức hút khó cưỡng đối với rất nhiều người, cho dù nghề báo luôn được xếp vào những nghề nguy hiểm.

Nhìn lại chặng đường 10 năm với khối “tài sản” là hàng trăm tin, bài mình đã chắp bút, tôi thầm nghĩ “Liệu mình sẽ gắn bó lâu dài với nghề phu chữ?”. Tôi không dám khẳng định, nhưng khi nào còn cầm bút thì nghề báo sẽ là một lựa chọn xứng đáng để tôi dấn thân”.

Song Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
10 năm theo “nghiệp” làm báo