Theo dõi trên

40 năm trước, Tiểu  đoàn tình nguyện Thuận Hải!

26/07/2019, 15:12 - Lượt đọc: 1,110

 Ngày đó

BT- …Đã nửa đêm, con đường trước nhà hầu như không còn xe qua lại, đèn trong phòng đã tắt, máy điều hòa đạt độ lạnh cần thiết, nhưng Nguyễn Thanh Phương  vẫn không ngủ được. Nhắm mắt lại, bên tai anh như có tiếng gọi thì thầm của ai đó, có lúc là tiếng trò chuyện với anh, có lúc là những câu thơ:

                
Lễ xuất quân của Tiểu đoàn tình nguyện.

“Đêm khô như tiếng mõ trâu

Rừng khô như tờ bánh tráng

Trời không một tia gió thoảng

...

Đêm cái nóng làm mềm mặt đá

Con mắt mưng lên đỏ máu nhìn trời

Bỗng hiện về một dòng sông xa xôi

Hiện về lu nước hoa cau rơi lấm chấm

 Chúng tôi nằm mê mùa mưa

Thấy sấm nổ rang trong từng thớ thịt”.

Lúc này anh nhớ ra, đó là bài thơ của nhà thơ Văn Lê in trong Tạp chí Văn nghệ Quân đội nói về mùa khô ở Campuchia, với người lính tình nguyện Việt Nam mà vợ anh, một cô giáo tình cờ lục thấy cách đó một tuần, đưa anh đọc.

Với anh, mùa khô Campuchia đã đi vào tiềm thức.  Luôn âm ỉ và chỉ cần ai đó gợi lại, nó liền hiện ra và lần nào cũng day dứt. Đêm nay, Bình Thuận đang nóng bức. Mấy ngày qua nhiệt độ ngoài trời lúc nào cũng trên 300C,  có lẽ vì vậy mà anh khó ngủ, rồi đâm ra nhớ đồng đội, nhớ những người của Tiểu đoàn tình nguyện Thuận Hải chăng? Hải ơi, Quỳnh ơi, Lộc ơi, Nam ơi… các bạn ở đâu rồi? Có nhớ một thời chúng mình đi qua những mùa khô, những mùa khô “như tờ bánh tráng?”… Những mùa khô mà cơ thể chúng ta cứ teo tóp dần vì chịu đựng cái nóng, cái khát của những chặng đường hành quân truy kích?

Cứ thế, nỗi nhớ làm anh hết nằm xuống lại ngồi lên, cuối cùng sau thoáng do dự, anh bấm máy, gọi một số máy rất quen rồi lên tiếng: “Ngủ chưa, ông Thanh?”. Đầu kia, Trần Thanh, bạn anh, đáp: “Chưa… Có chuyện gì hả?”. “Đêm nay tự dưng nhớ tới Tiểu đoàn tình nguyện  hồi trước”. Một thoáng yên lặng trôi qua. Trần Thanh trầm trầm đáp: “Gần kỷ niệm 40 năm, ngày tụi mình sang Campuchia rồi. Hồi đó bọn mình trẻ măng...”. “Thanh nhớ dai đó. Ngày đó nếu không về chung Tiểu đoàn tình nguyện, tụi mình đâu biết nhau như bây giờ” - Thanh Phương cười, nói.

 Lên đường

Một buổi chiều tháng 5/1979, không hẹn, Trần Thanh - nhân  viên chính trị Thị đội Phan Thiết và Thiếu úy Nguyễn Thanh Phương, Huyện đội Hàm Tân, cùng nhận quyết định về một tiểu đoàn. Đó là Tiểu đoàn tình nguyện Thuận Hải, thành lập trên cơ sở chỉ thị của Quân khu 5 và của Tỉnh ủy Thuận Hải lúc bấy giờ. Thanh Phương làm trợ lý tham mưu; Trần Thanh làm trợ lý chính trị. Trước ngày thành lập, tỉnh phát đi lời kêu gọi và  trong thời gian ngắn, tổng cộng có 800 lá đơn (có lá viết bằng máu) của cán bộ, nhân viên các cơ quan, học sinh, thanh niên các địa phương gởi về Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, đăng ký. Bộ Chỉ huy sau đó lọc được bộ khung cán bộ, là những người từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cũng như tham gia cách mạng sau ngày thống nhất hoàn toàn miền Nam  (30/4). Bộ khung ấy trực tiếp huấn luyện mấy trăm chiến sĩ mới trở thành chiến sĩ thực thụ. “Thanh  nhớ không? Hồi đó tiểu đoàn do tỉnh thành lập, mọi trang bị đều trông vào tỉnh (trừ vũ khí)” nên… có phần chưa chính quy, nhưng về tinh thần chiến đấu, chẳng thua đơn vị nào. Điều này chứng minh qua thực tế chiến trường”. Trần Thanh, tiếp lời: “Tôi nhớ chứ. Thay vì ra biên giới phía Bắc như ban đầu, bọn mình đi Campuchia… Ở chiến trường này, tiểu đoàn mình đánh đấm không đến nỗi tệ. Điều này được cán bộ chiến sĩ xác định ngay trong buổi lễ xuất quân tại Sông Mao”.

                
Tiểu đội 2, trung đội 1, đại đội 2, Tiểu    đoàn tình nguyện Thuận Hải năm xưa.

Ngày 27/7/1979, sau 2 tháng huấn luyện, tiểu đoàn lên đường với quân số 405 cán bộ, chiến sĩ. Tỉnh điều xe khách loại lớn nhất, chở bộ đội hành quân. Hôm ấy, với tư cách trợ lý chính trị tiểu đoàn, Trần Thanh phát hiện nhiều thanh niên, người lớn tuổi không đủ tiêu chuẩn lựa chọn, trốn vào nhà dân chờ xe chuẩn bị lăn bánh thì nhập vào đoàn. 40 năm trôi qua, bây giờ  Trần Thanh vẫn nhớ như in những nụ cười tươi rói, những nụ hôn nồng nàn của các em gái hậu phương tiễn người yêu, chồng đi chiến đấu. Gần như không có sự ủy mị chen vào... Rồi khi xe lăn bánh, cả rừng người vẫy tay chào, cùng với những tiếng nói theo của các cô: “Anh ơi nhớ giữ gìn sức khỏe, công tác tốt nhé… Em sẽ chờ anh…; anh ơi, “chân cứng đá mềm” nhé!”.  Là một trong những người lên xe sau cùng, Trần Thanh không khỏi xúc động. Trong anh bất chợt hiện về hình ảnh người chiến sĩ Vệ quốc đoàn năm xưa giã từ Hà Nội trong một sáng chớm thu, trong thơ Nguyễn Đình Thi: “Người ra đi đầu không ngoảnh lại, sau lưng thềm nắng, lá rơi đầy”. Vâng, chúng tôi cũng đang lên đường đây! Chúng tôi đi mà không hề bịn rịn. Dấn thân và không suy tính thiệt hơn!… Chúng tôi hứa với quê hương, đất nước  hết sức, hết lòng với nhiệm vụ được giao - Trần Thanh thầm nhủ khi đoàn xe vào khúc cua, bỏ lại sau lưng đám bụi mù.

Cuộc hành quân sang nước bạn kéo dài hơn 10 ngày sau đó. Trên đường hành quân, thiếu gạo, phải ăn lúa mì nguyên hạt cùng mắm nêm, song không một cán bộ, chiến sĩ nào dao động tư tưởng. Tiếng  Trần Thanh vang lên trong điện thoại: “Chưa buồn ngủ chứ, anh Phương?”. Chưa.  Nói chuyện với nhau về  kỷ niệm cũ, khó mà ngủ.  Tôi nhớ hồi đó, trừ số cán bộ khung chúng mình ít nhiều trải qua chiến đấu,  chiến sĩ  đa phần mới toanh. Nhiều chiến sĩ học tác xạ súng B40 rồi, nhưng khi bắn quả đầu tiên, thấy khói phụt ra cuối nòng vẫn ngơ ngác không hiểu vì sao? Có nhiều chuyện cười ra nước mắt như chuyện chiến sĩ Phước của đại đội 1 lần đầu  phục kích, thấy lính Pôn Pốt thì hồi hộp… quên cả bấm mìn… Chưa kể chuyện ông bạn Lê Văn Trọng, anh em mình gọi là “Cô gái đồ long”-  Thanh Phương cười giòn. “Cô gái đồ long là pho chuyện cười đó ông ơi”-  Trần Thanh hào hứng, nói thêm.

 “Cô gái đồ long”

Chuyện rằng: Chiến sĩ Lê Văn Trọng trước ngày nhập ngũ là nhân viên  Ty Thủy lợi Thuận Hải. Ngày còn đi học, Trọng mê truyện Kim Dung như điếu đổ. Biên chế vào đại đội 4, ít hôm sau,  anh em trong đại đội liền kháo nhau về tài kể chuyện kiếm hiệp của Trọng. Tiếng lành đồn xa, khi Trọng được điều về đội công tác Rích-Rê-Y của thị xã Rô - Viêng, thời gian có phần rộng hơn so với ở đơn vị nên hễ Trọng rảnh, các chiến sĩ tập trung lại treo võng nằm quanh, chờ nghe chuyện. Có chiến sĩ vì muốn nghe truyện, gọi Trọng bằng “đại ca”. Đại ca Trọng cười tít mắt. Một bữa, hết đường cát đã lâu, nhưng lại thèm ngọt, mới kể được vài câu: “Trương Tam Phong, bang chủ của phái Võ Đang uy trấn  giang hồ” thì đại ca Trọng la: “Ải ải… khát quá…!” rồi ngừng kể.  Một chiến sĩ vội mở nắp bình tông: “thưa đại ca nước đây ạ”. Đại ca nhắp một ngụm môi liền dẫu ra, lắc đầu: “Ải… ải... không phải nước này. Nước  này… làm sao mà trơn truyện được. Nước… đường…  kia”. Thế là, một chiến sĩ phải vét hết lượng đường cuối cùng  để đại ca… trơn giọng. Có lần, anh em chiến sĩ đang tròn mắt nghe chuyện giai nhân xinh đẹp Chu Chỉ Nhược - chưởng môn phái Nga Mi  yêu Trương Vô Kỵ thì bất ngờ đại ca dừng  kể. Đại ca tằng hắng than “khát quá”… nhưng mắt thì ngó lên cây thốt nốt bên ngoài sân đội công tác… Ấy thế là,  lính ta hiểu ra: đại ca muốn uống nước thốt nốt bèn vội  đi tìm! Có thể nói, mặc dù lính ta vẫn có các chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” phục vụ nhu cầu tinh thần của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị vào hàng quý... song cái cách mà Lê Văn Trọng kể chuyện kiếm hiệp ít nhiều cũng góp phần làm phong phú món ăn tinh thần của người đi làm nghĩa vụ quốc tế, ở đây là Tiểu đoàn tình nguyện Thuận Hải. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Mạnh hiểu điều đó nên những lần gặp Trọng, ông  bắt tay dặn: “Kể gì thì kể nhưng không được mất cảnh giác. Các cậu tập trung đông mà thiếu cảnh giác, bọn lính Pôn Pốt không tha đâu. Và nữa, dù là truyện kiếm hiệp cũng phải nêu cao ý chí chiến đấu nghe Trọng!”. Trọng không quên lời thủ trưởng tiểu đoàn, nên có dạo mấy lính ta “tha” đâu về một ống nước thốt nốt mới lên men, nài Trọng kể chuyện vì hôm trước mới kể đến đoạn Trương Vô Kỵ hôn môi Chu Chỉ Nhược (chi tiết này Trọng phịa ra cho  hấp dẫn) thì Trọng dừng lại. Lính ta muốn  biết: sau hôn môi, Trương Vô Kỵ làm gì nữa… Có… cái chuyện ấy xảy ra ? Trọng  nhìn đồng hồ đã quá 9 giờ đêm, cười khì: “Mình đếch… thèm nước thốt nốt của mấy cậu, về chỗ trực gác đi. Bữa nào thích nghe, cho mình chục viên đạn AK. Đạn của mình đi săn cải thiện cho đơn vị gần hết rồi”.

Tiếng Trần Thanh nhẹ nhàng trong đêm: “Mới đây, tôi gặp Trọng. Cậu ấy vẫn vui vẻ như xưa. Vợ chồng hiện sống trong căn nhà nhỏ bên cạnh Bệnh viện An Phước… Kể ra, nếu nhắc lại chuyện anh em mình, thì có khối chuyện. Gian khổ có, hy sinh có, nhưng vẫn tràn đầy lạc quan. Cả tiểu đoàn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi nhớ như in những gì tiểu đoàn làm được. Lần đầu tiên hành quân đánh địch là tháng 8/1979, diệt 20 tên, thu 9 súng. Từ tháng 9/1979 đến tháng 8/1980, truy quét phía Tây Nam Rô - Viêng giáp tỉnh Xiêm - Riệp. Đặc biệt, tháng 7/1981, được bạn giúp, lập mưu, tước vũ khí, bắt sống 25 tên, thu 26 súng… Đây là trận đánh thắng lợi nhất của tiểu đoàn, không tốn một viên đạn, hiệu suất cao, được Đảng và Nhà nước ta thưởng Huân chương Chiến công hạng hai… Suốt 9 năm hoạt động tại huyện Rô - Viêng và tỉnh Pret-vi-hia, tiểu đoàn xây dựng 18 xã có đủ chính quyền; giúp bạn xây dựng hàng chục lớp mẫu giáo, đưa hàng trăm cháu đến trường học, cứu chữa hàng ngàn bệnh nhân, tham gia trên 60 công trình phúc lợi, cứu đói hàng nghìn người… Nguyễn Thanh Phương nhắc bạn: “Ông phải thêm vào là sau ngày thôi làm nhiệm vụ quốc tế,  nhiều anh em mình trưởng thành. Có người hiện nay tham gia cấp ủy thành phố, là chỉ huy trưởng một đơn vị bộ đội, là bác sĩ, kỹ sư, quan tòa… Và chúng ta khác với nhiều đơn vị khác là luôn gắn bó, hỗ trợ nhau trên bước đường công tác hoặc khi đã làm người dân...”.

Đêm đã khuya. Chuyện của hai người bạn, hai người đồng đội còn có thể kéo dài, nếu như nội tướng của Trần Thanh không nhắc khẽ vì sợ chồng mệt. Nguyễn Thanh Phương cũng sực nhớ ra ngày mai phải cầm lái đưa bà xã về  La Gi, dự đám cưới của người bạn nên vui vẻ tắt điện thoại.

Vĩ thanh

Mới đây, tôi tình cờ gặp lại cả Nguyễn Thanh Phương và  Trần Thanh tại trụ sở Hội Cựu chiến binh Phan Thiết. Anh Thanh Phương đang nói oang oang  vấn đề gì đó, trông thấy tôi, liền dừng lại, thân mật mời khách dùng trà. Anh  nói: “Sắp tới 27/7, Tiểu đoàn tình nguyện Thuận Hải kỷ niệm 40 năm ngày xuất quân đi làm nhiệm vụ quốc tế. Chúng tôi, với tư cách là những người nằm trong tiểu đoàn bộ trước đây, đang bàn nhau cách đón anh em, trình bày  bản  tổng kết  hoạt động của đơn vị sao cho trọng tâm. Thời gian trôi nhanh quá, người nhỏ nhất của tiểu đoàn xấp xỉ 60; người lớn hơn, có anh không còn. Tôi nghĩ 9 năm chiến đấu, giúp bạn xây dựng chính quyền cách mạng và 40 năm tính từ ngày thành lập, đã trở thành vòng hoa lửa trong trái tim từng cán bộ, chiến sĩ chúng tôi. Sắp tới chắc là xúc động lắm đây”. Còn anh Trần Thanh, khi nghe anh Thanh Phương nhắc đến chuyện gặp gỡ anh em, khuôn mặt xương xương của anh có những nét giãn ra. Trần Thanh mỉm cười, nói:  “Hôm đó nếu anh không bận, mời dự với chúng tôi cho thêm vui”.

Tôi trò chuyện với hai anh thêm lúc nữa, thầm nghĩ: Ai bảo đàn ông, những người lính thường kiềm được cảm xúc? Hôm ấy chắc gì không có những  giọt nước mắt của tình bạn, tình đồng chí? Nước mắt của ngày gặp mặt là đáng trân trọng chứ sao!”.  

Ký: Hà Thanh Tú



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
40 năm trước, Tiểu  đoàn tình nguyện Thuận Hải!