Theo dõi trên

650 ha mía và ông chủ tuổi 40

02/06/2017, 08:43

BT- Làm nông nghiệp có thể giàu không? Câu trả lời là: Hoàn toàn có thể! Đất đai sẽ trả công xứng đáng cho những người xứng đáng... Huỳnh Hữu Thoại, người đàn ông 40 tuổi hiện có 650 ha đất trồng mía, bắt đầu câu chuyện  như vậy khi  hai chúng tôi ngồi cùng xe  từ nhà Thoại ở Tân Đức (Hàm Tân) đi xuyên qua đồng mía 814 thuộc huyện Tánh Linh.

                              
Dùng máy trồng mía thay cho việc trồng trực    tiếp bằng tay.
   
Huỳnh Hữu Thoại đang xem công việc trồng    mía.

Máy móc thay sức người

Tháng 5, trên đồng mía, đất được cày sạch sẽ, Huỳnh Hữu Thoại vừa lái xe vừa nói: Chỉ còn 50 ha nữa là hoàn thành khâu xuống giống cho mùa này, tháng 4, tháng 5 xuống giống thì cuối năm có thể thu hoạch cho đến tháng 3 năm sau. Chiếc bán tải quẹo vào con đường đất vào tận giữa đồng đất mênh mông. Trước mắt chúng tôi, 2 chiếc máy trồng mía đang vạch từng luồng đất thẳng tắp, máy chạy đến đâu giống đã được xuống xong rồi. Những chiếc máy trồng mía này chạy cho đến khi mặt trời gác núi mới dừng lại, tất cả hối hả dồn lực xuống giống cho kịp đón những cơn mưa đẫm nước đầu mùa.

Thoại giải thích về máy trồng: Mía giống từ trên hộc khi đẩy xuống sẽ được cắt đều nhau và lần lượt rơi đều xuống rãnh cùng với phân bón lót theo hàng đôi cách nhau 30cm, hai con lăn phía sau lấp phẳng đất trở lại. Máy trồng chạy một đường như vậy coi như bón phân, xuống giống xong một hàng. Hàng tiếp theo cách hàng đôi kia 1,6m. Với công suất thế này, một ngày máy sẽ trồng và bón phân xong một mẫu. So với trước đây, bình quân một mẫu phải mất 27 công trồng và 300.000 đồng tiền thuê người bón lót. Chi phí được giảm đi rất nhiều và vấn đề rút ngắn thời gian cho đúng kịp thời vụ cũng đã được giải quyết...

Trên máy trồng, chúng tôi để ý thấy mía giống phía sau để nguyên cây nên có ý dò hỏi hình như ngày trước người ta chọn hom ngọn hoặc cận ngọn để trồng, cách trồng cả những hom phía dưới này có gì khác không?  Thoại cho biết: Trồng hom ngọn hoặc toàn bộ cây đều được tuy nhiên không nên trồng cây quá già mà chọn cây khoảng 6 - 7 tháng tuổi, điều kiện quan trọng là phải sạch bệnh. Với cách trồng hàng đôi và chú trọng tăng cường can xi, cây mía của ông luôn có trữ đường cao lại không bị đổ ngã hay nứt nẻ.

Tranh thủ lúc máy trồng dừng lại "ăn mía giống", chúng tôi hỏi chuyện tài xế Nguyễn Đình Tuyên. Với tiếng nói vang vang, Tuyên nói át cả tiếng máy đang nổ giòn: Chạy máy trồng mía không khác gì chạy máy cày, hai công nhân ngồi phía sau sẽ đặt từng bó mía giống và phân bón vào hộc, phần còn lại máy sẽ tự động... Cũng xe này nhưng lắp được nhiều hệ thống máy khác, chẳng hạn máy đánh rãnh bón phân... Tôi lái máy này đã hơn 3 năm, thấy hiệu quả công việc đã được nâng lên rõ rệt. Anh Thoại rất giỏi, các bộ phận của máy có gì không ổn hoặc chưa hợp lý, anh Thoại tự tay sửa chữa, thiết kế lại ngay. Được làm việc với những người giỏi mình yên tâm lắm.

"Dùng máy trồng mía thay cho việc trồng trực tiếp bằng tay chân trước đây chỉ là một trong vô vàn khâu trồng tỉa, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển. Dẫn ra cho anh thấy tận mắt một công đoạn như vậy để anh hiểu sâu hơn về lợi ích của việc máy móc hóa".  Thoại vui vẻ trò chuyện với tôi như thế.

Tăng diện tích canh tác đồng nghĩa với tăng lợi nhuận

Tôi hỏi: “Thật không thể tưởng tượng nổi, với diện tích trồng mía lên tới 650 ha thì ông quản lý, điều hành tất cả bằng cách nào?”.  Thoại lại cười hiền: "Cũng công nghệ luôn anh, trừ những lúc thật cần thiết có mặt trên đồng, ngoài ra em điều khiển, coi ngó tất cả bằng điện thoại và camera. Tất nhiên mình đã dùng người thì phải tin! Em sống với công nhân, với các tổ trưởng, nhóm trưởng rất tình cảm mà cũng rất minh bạch. Quan trọng nhất là trả công thế nào cho người ta yên tâm về đời sống, sự thiếu thốn là nguyên nhân của trăm thứ tật xấu".

Mía là cây trồng không kén đất nên có thể sinh trưởng và cho năng suất cao trên nhiều loại đất khác nhau như đất ba-zan, đất phù sa, đất xám, đất cát, cát pha và cả đất phèn... Trong 650 ha đất mía của  Thoại thì có 30% đất anh thực sự sở hữu, số còn lại Thoại thuê ở nhiều nơi, nhiều dạng đất. Đất thuê nhiều nhất ở Thuận Minh, Hàm Phú, Thuận Hòa (Hàm Thuận Bắc), số còn lại ở Sông Bình (Bắc Bình), Suối Kiết (Tánh Linh), Tân Đức (Hàm Tân)... Ở mỗi nơi như vậy Thoại đều cử ra một tổ trưởng thay mặt mình quản lý, điều hành mọi công việc. Tuy vậy, với chiếc xe bán tải tự lái Thoại luôn như con thoi, xong việc Hàm Thuận Bắc lại về Hàm Tân, Tánh Linh và ngược lại, có việc lại phải chạy ngay, rất ít khi Thoại được nghỉ ngơi ở nhà.

Hẹn gặp được Thoại rất khó vì Thoại phải di chuyển liên tục từ đồng mía này đến đồng mía khác, nhưng gặp được rồi thì Thoại lại rất vui vẻ, nhiệt tình. Đắn đo mãi cuối cùng tôi cũng hỏi được Thoại về vấn đề lợi nhuận. Anh vui vẻ trả lời theo đúng cách của nhà kinh doanh chuyên nghiệp: "Cây mía trồng một năm thu hoạch được 5 - 6 năm, năm đầu đổ hết cho chi phí, những năm sau, nếu như không có sự cố gì đương nhiên là lãi cao. Thường cũng chẳng sự cố gì đâu, cả tình huống xấu nhất là cháy đồng mía, tôi cũng không sợ, mình có thể cùng lúc huy động được lượng công nhân rất đông để thu hoạch ngay và nhà máy thì sẵn sàng ưu tiên một để chạy, tiền trừ mía cháy không đáng kể". Cũng thật khó để nói chính xác về bài toán lợi nhuận, nhưng  Thoại cũng ước tính cho chúng tôi dễ hình dung: Nếu giá mía 600.000 đồng/ tấn, năng suất bình quân 70 tấn/ha thì thu được 42 triệu đồng, năm đầu chỉ còn lời 20 triệu đồng, tính cả tiền thuê đất nữa thì coi như cân bằng thu chi. Năm năm sau lãi cao, khoảng 35 triệu đồng/ha, nếu lấy con số đó nhân cho 650 ha thì số tiền lãi có được quả là đáng kể.  Thoại nhắc lại, đó chỉ là ước tính, thực tế chi li sẽ còn nhiều khoản, nhiều thứ chi cao hơn, nhiều hơn.

Nói trở lại về câu hỏi: Có thể làm giàu từ nông nghiệp không? Và một lời gợi ý của người làm nông thành công với 650 ha mía.  Thoại suy nghĩ một lúc rồi nói khiêm tốn: Tôi cũng chẳng là gì đâu, trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều người thành công lớn hơn. Tuy nhiên nếu như được gợi ý cho những người còn lưỡng lự, tôi chỉ xin nói chân tình: Hãy mạnh dạn ra đồng bằng trí tuệ, bằng sự táo bạo và cả tình yêu với cái nghề chân lấm tay bùn này, đất đai sẽ trả công xứng đáng cho bạn!

Ký sự: Nguyễn Hiệp



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Tập trung những điểm nóng để giải quyết thiếu nước sạch cho dân
BTO-Chiều 23/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì buổi họp nghe báo cáo đề xuất giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Tham dự cuộc họp tại đầu cầu UBND tỉnh có lãnh đạo các sở, ngành liên quan và được kết nối trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
650 ha mía và ông chủ tuổi 40