Theo dõi trên

Bài toán làm quy hoạch

16/01/2020, 13:46

BT- Nhưng với tính đặc thù của lập đồ án quy hoạch, có tiền chưa chắc sẽ có quy hoạch sớm theo yêu cầu. Và với bối cảnh hiện tại, đó là bước chậm cần nhắc nhớ.

                
Ảnh: N.L

Thiếu tiền

“Hiện nay, thị xã La Gi đang nợ tiền làm các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt khoảng 8 tỷ đồng” – đại diện thị xã La Gi đã nói như thế tại cuộc họp tổng kết năm 2019 của Sở Xây dựng. Sau thông báo tạo ra sự bất ngờ ấy, đại diện này cũng băn khoăn là trong năm 2020, thị xã không có kinh phí lập các đồ án quy hoạch khác vốn dĩ đang rất cần thiết. Vì trong bảng dự toán ngân sách năm nay của thị xã, ở nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế chỉ ghi 500 triệu đồng nhưng để dành thanh toán nợ cho các đồ án quy hoạch đã làm trước đó. Còn làm quy hoạch mới thì không, trong khi năm 2020, thị xã cần phải lập 3 đồ án quy hoạch phân khu khu vực ven biển để cụ thể hóa đồ án quy hoạch chung và thực hiện công tác cắm mốc giới quy hoạch của Đồ án quy hoạch phân khu Đông Tây sông Dinh để làm căn cứ phục vụ công tác quản lý. Tiếp đến đại diện huyện Tánh Linh cũng cho biết, đến thời điểm này, Tánh Linh đang nợ Viện Quy hoạch tiền làm các đồ án quy hoạch với tổng số 5 tỷ đồng. Có 3 loại quy hoạch mà Tánh Linh đang nợ là quy hoạch chi tiết trung tâm xã, quy hoạch khu dân cư và quy hoạch chung của thị trấn Lạc Tánh. Còn quy hoạch nông thôn mới, huyện đã trả gần xong nhưng hiện tại một số xã có nhu cầu cần phải điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới và huyện chỉ có thể hỗ trợ kinh phí để cắm mốc giới.

Đang bị nợ cũ và thiếu tiền làm các đồ án quy hoạch cũng là tình hình chung của các địa phương còn lại. Vì vậy, về mặt thu hút đầu tư, hầu hết các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đều rơi vào trạng thái đứng yên, hoặc đứng chờ, vì không có cơ sở để kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia. Một số nơi, doanh nghiệp đã vào nhưng không thể cấp phép xây dựng, vì vướng quy định mới phải có quy hoạch phân khu…

Thiếu người 

Việc các phòng hạ tầng kinh tế ở các huyện hoặc phòng quản lý đô thị ở thị xã, thành phố trong tỉnh không có cán bộ công chức có chuyên môn về quy hoạch là chuyện cũ lâu nay. Có nhiều nguyên nhân, tùy tình hình của từng nơi, có thể vì không có suất biên chế, không có người học bên kiến trúc xin việc… và còn vì thời gian trước, mọi quy hoạch đều do Sở Xây dựng làm nên vấn đề thiếu trên không lớn chuyện. Mãi đến cuộc họp tổng kết ngành xây dựng năm 2019, các huyện, thị đều nhấn mạnh về chuyện thiếu nhân sự này mang tính cấp thiết. Nguyên nhân, vì trong tháng 9/2019, UBND tỉnh có Quyết định số 28/2019/QĐ-UBND về quy định phân công, phân cấp về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Sở Xây dựng chỉ còn tổ chức lập nhiệm vụ và thực hiện 5 loại đồ án quy hoạch xây dựng có quy mô lớn, các quy hoạch còn lại thuộc thẩm quyền các chủ thể khác như Ban quản lý các khu công nghiệp, UBND cấp huyện, UBND cấp xã, chủ đầu tư dự án… Cụ thể, UBND thị xã và UBND thành phố tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch sau: Quy hoạch chung đô thị; quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch chi tiết đô thị, quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý. Còn UBND các huyện thì thực hiện các loại quy hoạch như quy hoạch xây dựng vùng huyện; quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết đô thị (thị trấn); quy hoạch chi tiết xây dựng các khu chức năng thuộc khu vực được giao quản lý. Riêng UBND các xã tổ chức lập quy hoạch chung xây dựng xã; quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn gồm trung tâm xã, khu dân cư và khu chức năng khác trên địa bàn xã… Với khối lượng công việc phải quy hoạch trên, các huyện, thị, thành phố thực sự lúng túng khi không có người có chuyên môn để thực hiện, tham mưu. Nói như đại diện huyện Tuy Phong là lực lượng đã mỏng lại không có chuyên ngành nên không thể tham mưu chuẩn về quy hoạch. Đã vậy, lại không có kinh phí nên “bó” luôn việc lập các quy hoạch cần thiết.

Giải bằng cách nào?

Khó khăn về kinh phí và con người trong công tác xây dựng quy hoạch đã vô tình tạo ra một bài toán khó tìm lời giải trong một sớm một chiều. Về kinh phí, các huyện đề nghị các sở, ban ngành và UBND tỉnh xem xét hỗ trợ thêm nguồn vốn và cho sử dụng nguồn vượt thu tiền sử dụng đất để thanh toán nợ và lập các đồ án quy hoạch mới. Một khi có kinh phí, cấp huyện, cấp xã sẽ có thể bằng mọi cách phù hợp tìm người có chuyên ngành quy hoạch để có thể thực hiện các quy hoạch cần thiết phải có. Có vẻ hướng giải quyết được hình dung rất thuận lợi. Nhưng với tính đặc thù của lập đồ án quy hoạch, có tiền chưa chắc sẽ có quy hoạch sớm theo yêu cầu. Và với bối cảnh hiện tại, đó là bước chậm cần nhắc nhớ.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết năm 2019 của Sở Xây dựng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lương Văn Hải trăn trở rằng, tình hình phát triển đô thị tại tỉnh đang rất chậm. Do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chưa có các loại quy hoạch cần thiết nên không thể kêu gọi nhà đầu tư mới hoặc nơi nào doanh nghiệp đã vào lại không thể triển khai dự án vì phải chờ có quy hoạch phân khu... Chính vì thế, mọi chuyện của đổi thay, phát triển đều rất khó. Do đó, năm 2020, Sở Xây dựng cần phải phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị, thành phố trong hướng dẫn, có ý kiến góp ý các đồ án quy hoạch để nâng chất lượng các quy hoạch và cũng là nâng trình độ cho cán bộ cấp huyện.

Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài toán làm quy hoạch