Theo dõi trên

Báo Bình Thuận, nơi tự hào là báo của tình thân

25/10/2016, 11:11

BTO- Sáng, nhận được thư mời về dự kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Báo Bình Thuận, trong lòng thấy bồi hồi và vui đến khó tả. Ừ không vui sao được khi có gần sáu năm công tác ở đây với biết bao kỷ niệm, bài học nghiệp vụ nhớ đời.

                       
      
      
      Nhà báo Phương Nam khi còn làm việc tại Báo Bình Thuận phỏng vấn    diễn viên điện ảnh Diễm Hương trong vụ bị Juan Minh lừa hai viên kim    cương vào năm 1997

Thời điểm 1996-1997, Bình Thuận rất sôi động khi xảy ra vụ án phá rừng Tánh Linh và có rất đông nhà báo từ Hà Nội, TPHCM tham gia. Tôi vẫn nhớ một nhà báo khá nổi tiếng sau khi cùng đi tác nghiệp về, ngồi trước số 232 Trần Hưng Đạo, Phan Thiết (trụ sở cũ của Báo Bình Thuận) đã buột miệng “Lâu rồi tôi cứ nghĩ anh em ở báo tỉnh chỉ làm cho vui, làm theo chỉ đạo cho có nhưng bây giờ quan niệm cũ của tôi đã thay đổi vì các bạn quá giỏi đáng để học tập”. Nếu tôi nhớ không lầm, hồi đó làng báo Việt Nam hình như chưa có nhật trình, các tờ báo lớn 3-4 ngày mới ra một số thậm chí cả tuần, nửa tháng mới xuất bản, giỏi lắm mới ra được cách nhựt. Và lịch sử báo chí Việt Nam phải ghi nhận Báo Bình Thuận là tờ báo đầu tiên xuất bản tin nhanh ở một vụ án (vụ phá rừng Tánh Linh) chỉ với vài phóng viên và làm được đến 13 số. Dù chỉ có 4 trang nhưng tờ tin nhanh lúc đó không đủ bán với đầy đủ những tường thuật nóng hổi và tư liệu ngồn ngộn. Các nhà báo ở Sài Gòn, Hà Nội chỉ cần có tờ tin nhanh trong tay, cập nhật thêm chút đỉnh là có thể ngồi viết rồi ra bưu điện fax về tòa soạn.

Báo Bình Thuận lúc đó ba ngày ra một số và có thêm tờ Bình Thuận Chủ nhật vào cuối tuần. Nhiều người sẽ nghĩ 3 ngày mới xuất bản thì vừa đi chơi vừa viết vẫn quá dư thời gian. Thế nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại bởi hồi đó nhân lực không nhiều. Bản thân tôi là phóng viên Phòng Nội chính - Bạn đọc phải vừa tiếp công dân, viết điều tra theo yêu cầu bạn đọc; viết bài về các vụ án. Là người đề xuất và giữ chuyên mục Bình Thuận 72 giờ qua, mỗi số báo tôi phải kiếm và viết được khoảng 15-18 cái tin về tình hình an ninh trật tự, kinh tế xã hội trong tỉnh. Ngoài ra còn phải viết thêm một mẩu khoảng 500 chữ về một ca sĩ hay diễn viên điện ảnh kèm phiếu tặng ảnh để bạn đọc cắt ra gởi về tòa soạn. Nếu hôm nào có sự kiện thể thao lớn như World Cup, Euro, Olympic thì ngủ lại luôn trong phòng tòa soạn chỉ nhỏ như cái lỗ mũi nhưng chất đầy giấy tờ, hồ sơ để thức tới 1-2 giờ sáng viết tường thuật. 7 giờ sáng hôm sau, tờ báo còn thơm mùi mực đã có mặt ở sạp, bạn đọc đã có thể thưởng thức những tường thuật, bình luận nóng hổi ở nguyên trang 8 vừa uống cà phê sáng.

Làm báo hồi đó trong veo, mỗi ngày xách xe cùi bắp băng rừng, lội suối chạy cả trăm cây số là chuyện thường. Nhớ hồi đi tác nghiệp Chiến dịch di dời đàn voi dữ Tánh Linh vào năm 2001, chụp được tấm ảnh phải chạy mấy chục cây số về Phan Thiết để lựa chọn, rọi và rửa ra rồi ngồi viết tay gò từng chữ. Đó là chưa nói tới chuyện cộng tác, rửa ảnh xong bỏ vô bao thư gởi xe đò vào Bến xe miền Đông ở TPHCM. Tại đây người quen sẽ nhận giúp và thuê xe ôm “hộ tống” tấm ảnh vào tòa soạn báo. Phóng viên nào có xấp giấy mẫu fax có kẻ ô xin được từ bưu điện là oai lắm. Cực nhưng vui ngất trời và có biết bao kỷ niệm khó có thể kể hết…Hồi đó cứ mỗi đầu tuần là họp, mổ xẻ về nội dung được và chưa được. Mỗi lần họp là mỗi lần tranh luận nảy lửa nhưng xong là bắt tay, nhìn nhau cười cùng hướng về một phía. Thế hệ đó giờ có người đã về hưu, có người đã chuyển công tác và rất nhiều người đã làm lãnh đạo nhưng khi gặp nhau vẫn ồn ào, vui vẻ như ngày nào. Đó là Đặng Dũng giờ là Phó TBT, một cây viết kinh tế sắc sảo; là Phương Đại, giờ là Thư ký Tòa sọan lì lợm trong từng đề tài; là Huỳnh Thanh giờ là Phó TBT, một cây viết nội chính đáng nể; là Quang Tuấn, giờ phụ trách báo điện tử hiền lành và viết văn hóa văn nghệ khá hay; là Hà Thu Thủy, siêng năng, dễ thương; là Hà Thanh Tú lúc nào cũng chỉn chu từng câu chữ; là phóng viên ảnh Đình Hòa, Ngọc Lân khi nào cần cũng có mặt; hoặc đó là Châu Văn Thư, Hồ Lê Thanh, Lê Văn Lợi tình cảm hay những phóng viên trẻ sau này, được đào tạo bài bản giỏi hơn rất nhiều những thế hệ đàn anh….

 Dù đã chuyển công tác rời khỏi Báo Bình Thuận ngót gần 15 năm nhưng mỗi lần tôi ghé đến là có cảm giác như được trở về nhà. Từ tổng biên tập đến phóng viên, nhân viên ai cũng tay bắt, mặt mừng. Thậm chí nhiều người có món ngon cũng gọi xem có ở gần không để cùng chia sẻ. 40 năm dù có những lúc thăng trầm nhưng Báo Bình Thuận luôn là nơi đáng tự hào mỗi khi nhắc đến của những người đã, đang và sẽ làm việc ở một môi trường tình thân.

PHƯƠNG NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báo Bình Thuận, nơi tự hào là báo của tình thân