Theo dõi trên

Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bạo hành

13/12/2017, 09:07

BT- Tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng và có chiều hướng phức tạp, khi gần đây các địa phương cả nước liên tục xảy ra các vụ xâm hại, bạo hành trẻ em, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho các gia đình và bức xúc trong dư luận xã hội…

                
   Chiến dịch kêu gọi hành động phòng chống    bạo lực, xâm hại trẻ em của Unicef. Ảnh: Unicef

Trong những ngày qua, các phương tiện truyền thông liên tục phản ánh tại một số địa phương xảy ra các vụ xâm hại, bạo hành, sát hại trẻ em gây hoang mang và bức xúc cho người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự. Điển hình là trường hợp cháu bé 7 tuổi học Trường tiểu học Vĩnh Thành, xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành, An Giang nghi bị cha ruột và mẹ kế dí sắt nung đỏ vào người. Hay vụ người giúp việc có hành vi bạo hành, tung hứng trẻ gần 2 tháng tuổi ở phường Quang Trung, thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Gây bức xúc và phẫn nộ đối với người dân nhất là vụ bảo mẫu bạo hành, đánh đập các bé ở Trường mầm non Mầm Xanh (quận 12 – TP.HCM). Vụ cháu bé 20 ngày tuổi bị bà nội sát hại nghi do mê tín dị đoan và vụ nữ sinh 16 tuổi ở huyện Mỹ Đức – Hà Nội nghi bị anh rể họ xâm hại hơn 1 năm nhưng không dám lên tiếng. Hoặc gần đây nhất là vụ cháu bé 10 tuổi ở Hà Nội bị cha ruột và mẹ kế bạo hành gây thương tích nặng nề, cũng khiến dư luận cả nước bức xúc.

Trước tình hình đó, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn triển khai ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình. Theo đó Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ các vụ việc nêu trên và các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em khác để xử lý nghiêm theo pháp luật. Kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi bao che, chậm trễ hoặc không xử lý các vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em. Sau khi tiếp nhận công văn, UBND tỉnh Bình Thuận đã giao Công an tỉnh và các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ. Trên thực tế, mặc dù nhiều địa phương trong cả nước đã tích cực chỉ đạo các ngành chức năng xác minh làm rõ vụ việc, đồng thời có các biện pháp can thiệp, trợ giúp trẻ em là nạn nhân của các hành vi bạo lực và xâm hại. Tuy nhiên, công tác phòng ngừa, trợ giúp trẻ bị bạo hành, xâm hại tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức; các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em chưa được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm. Thậm chí, có những trường hợp trẻ em bị bạo hành trong một thời gian dài nhưng chính quyền địa phương không hề hay biết, phần lớn các trường hợp bạo hành, xâm hại đều do các cơ quan truyền thông phát hiện, đưa tin.

Bên cạnh đó, tình trạng trẻ em bệnh tật, bỏ học, lao động sớm, bị tai nạn thương tích, đuối nước còn nhiều, nhất là trẻ em trong các gia đình nghèo, trẻ em thiếu sự chăm sóc, giáo dục và bảo vệ của gia đình cũng là một trong những vấn đề đáng quan tâm của toàn xã hội. Do đó cần chú trọng công tác truyền thông, giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo hành, xâm hại trẻ em đến các bậc cha mẹ, thành viên gia đình, giáo viên, người trực tiếp làm việc với trẻ em. Đồng thời đẩy mạnh giáo dục, phổ biến cho trẻ em kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ phòng ngừa bạo hành, xâm hại chính mình… 

H.Trinh



(1) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bạo hành