Theo dõi trên

Biển Lạc ngày mưa

17/08/2018, 09:24 - Lượt đọc: 204

BT- Tá! Tá!... Dí, Dí!... Dọ, dọ…ooo…! Gã bạn tôi buông tay cày, giải thích với tôi về những từ ngữ gã dùng mà con trâu trước cái ách cày nghe hiểu, tá nghĩa là qua phải, dí (ví) qua trái, dọ là dừng lại… Gã nói mình là người bỏ Biển Lạc mà đi vì quá túng bấn, bán lồng bè năm lần bảy lượt. Giờ, gã làm ruộng, cày ruộng theo kiểu cũ, không máy không móc gì cả nhưng gã lại thuyết phục tôi phải đi Biển Lạc một chuyến, phải lênh đênh trên mặt nước bạc, phải nhâm nhi rượu đế cùng gió lộng, phải nghe tiếng ì oạp, óc ách đều đều dưới bè, phải nằm áp tai vào ván nghe tiếng cá ăn chóp chép… Phải đi ít nhất một lần thì mới hiểu Biển Lạc là gì, đứng trong bờ nhìn chỉ là ngóng ngó cái bóng Biển Lạc mà thôi. Tôi đã nghe lời gã, đã thực hiện chuyến đi này trong một ngày mưa dầm dề do ảnh hưởng của cơn bão Sơn Tinh. Và Biển Lạc ngày mưa ấy đã để lại trong tôi một ấn tượng khó phai, để lại trong tôi một loại tình cảm, một loại cảm giác không ở đâu có được.

I. Giấc mơ về một thương hiệu

Biển Lạc đó, mùa này hàng ngàn mẫu nước bạc trải tít tắp đến tận đường chân trời. Biển Lạc đó, những dề lục bình thưa thớt dập dềnh, luẩn quẩn, trôi mà không đi đâu cả. Biển Lạc đó, hơn chục lồng bè nuôi cá và những phận người lênh đênh, sống chân chất, coi sự cô độc như một lẽ đương nhiên trong những ngày bươn chải mưu sinh.

Chiếc xuồng nhỏ từa tựa như chiếc vỏ lãi miền Tây chở chúng tôi lao ra vùng nước đùng đùng, bạc trắng, người đàn ông cầm lái luôn miệng than phiền về việc ai đó hút cát xả sình làm cho nước đục. Trên xuồng gồm hai anh bên đài truyền hình, cô kỹ sư thủy sản và tôi. Chiếc máy quay và người quay phim to kềnh càng hết nghiêng bên này lại lắc bên kia làm cho chiếc xuồng cứ chòng chành, chòng chành. Những đợt mưa nặng hạt rào qua bất chợt đã chia trí mọi người làm cho những lo sợ ban đầu tiêu tan lúc nào không hay. Và những chiếc lồng bè hiện dần lên trong cơn mưa, nhỏ thó, cô quạnh giữa mênh mông hồ, giữa bàng bạc nước.

Mùa mưa này, Biển Lạc rộng hẳn ra, theo người chèo đò thì biển rộng gấp ba lần mùa khô, nghĩa là phải lên đến hơn ba ngàn mẫu. Cái tên Biển Lạc hình thành từ tên Hán Việt “Lạc Hải” do Nguyễn Thông đặt khi đi khảo sát vùng đất Tánh Linh (tên cũ Tính Linh) này. Năm 1877, Nguyễn Thông, Trương Gia Hội và 45 tùy tùng đã đi từ phía Đông Bắc của phủ Hàm Thuận về phía Tây tỉnh Bình Thuận trong một nhiệm vụ khảo sát để khai khẩn đồn điền nơi giáp ranh với vùng đất Đồng Nai, Biên Hòa đã nhượng cho Pháp. Nguyễn Thông đã miêu tả Lạc Hải trong báo cáo gửi về triều đình như sau:

“Vốn là một đầm lớn, mùa hạ, mùa thu mưa nhiều, các khe suối từ thượng nguồn đổ xuống, thế nước tràn trề, sinh vật đầy rẫy. Đầu xuân nước cạn, dân cư chọn cá tươi mà nấu, đến tháng tư mưa xuống mới thôi. Thật là một kho vô tận nuôi sống dân địa phương”.

Trong sự quan sát ra bốn bề xung quanh của tôi từ chiếc vỏ lãi chật hẹp này thì quả đúng như những gì bậc tiền bối đã nói nhưng có gì đó như là sự ứng xử của chúng ta với Biển Lạc chưa đúng lắm, có vẻ như thiếu một hoạch định quản lý thật khoa học trong việc khai thác và bảo vệ môi trường của viên ngọc quý này.

Chiếc xuồng vừa tắt máy tấp vào lồng bè đầu tiên, người cầm lái đã buông cần lái chạy thật nhanh lên mũi để chống tay vào cột bè không cho xuồng húc vào lồng cá. Ngư dân đầu tiên tiếp chúng tôi là ông Nguyễn Văn Phương, chủ của cặp lồng bè đang nuôi cá thát lát cườm theo dự án liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ được Trung tâm Khuyến nông huyện Tánh Linh với doanh nghiệp Phối Phối tổ chức. Cá thát lát cườm còn gọi là cá thát lát còm, cá Nàng Hai, là loài cá nuôi nước ngọt có giá trị kinh tế cao và thị trường tiêu thụ tương đối ổn định, có thể phát triển tốt ở tất cả các loại hình thủy vực. Có thể sử dụng thức ăn công nghiệp hoàn toàn hoặc kết hợp giữa thức ăn công nghiệp và cá xay trong quá trình nuôi.

Ông Phương độ chừng trên dưới năm mươi cùng với con trai Nguyễn Văn Hùng đang chăm sóc cặp lồng bè 76 m3 , hiện nhận nuôi 4.500 con trên tổng số 15.750 con cá thát lát giống nhận nuôi của cả 8 hộ ngư dân trên Biển Lạc này. Vừa rót trà nóng mời khách ông Phương vừa giải thích: “Tôi có 10 năm làm nghề cá, hơn 4 năm nay tôi chuyển sang nuôi cá lồng bè. Trước nuôi cá bống tượng, do cá bống chết nhiều, có năm bay luôn cả vốn, đã từng bán cả lồng bè, rồi sau phải mua lại. May mà có dự án hỗ trợ nuôi cá lồng bè bằng thức ăn công nghiệp và bao tiêu luôn nên đời sống dân lồng bè như chúng tôi mới có được sự ổn định như ngày nay”.

Ông Phương cho biết thêm, được sự hướng dẫn của kỹ sư Thanh, chúng tôi ngày càng vững hơn trong nghề nuôi cá bè này, ví dụ như thời gian cho ăn được điều chỉnh hợp lý từng giai đoạn phát triển của cá. Cá thát lát có tập tính bắt mồi ban đêm nên trong quá trình cho ăn ta chia khẩu phần ăn buổi sáng ít hơn, chỉ chiếm 1/3 khẩu phần ăn buổi chiều, biết cách quan sát hoạt động bắt mồi của cá, theo dõi mức tiêu thụ thức ăn để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Không cho ăn thừa sẽ gây ô nhiễm môi trường nước…

Câu chuyện nhanh chóng sôi nổi, tự nhiên nhờ tính thân thiện, hiếu khách của chủ bè. Chúng tôi trao đổi rất nhiều về nghề nuôi cá lồng bè, những trải nghiệm, những thất bại đắng lòng và cả những ngày mùa bội thu đến rạng rỡ từng khuôn mặt ngư dân trong mấy năm gần đây. Câu chuyện về giấc mơ xây dựng thương hiệu chả cá thát lát Biển Lạc, theo cô kỹ sư thủy sản Đồng Thị Kim Thanh, đã đi được 30 – 40% chặng đường nhưng vẫn còn đó rất nhiều khó khăn.  

II. Cô kỹ sư họ Đồng và dự án chuỗi

Khi trò chuyện, phỏng vấn, quay phim, chụp hình đến trưa thì chúng tôi được chủ lồng bè Nguyễn Văn Thanh mời ở lại dùng bữa trưa. Tuy là cơm trên lồng bè nhưng là món khô rô phi và canh gà lá giang vì mấy ngày nay trời mưa liên tiếp không thả lưới được, cá nuôi thì còn nhỏ… Ông Thanh phân bua với chúng tôi. Chúng tôi vừa cầm chén, lượt rượu đế đầu tiên vừa nâng lên thì mưa lại đổ ầm xuống, mấy tấm bạt lại được kéo nhanh, không gian trong bè chợt tối sầm nhưng tình cảm và những chia sẻ chân thành đã giúp chúng tôi có một bữa cơm thật ấm áp và ngon miệng. Cô kỹ sư Đồng Thị Kim Thanh là người dùng cơm sau cùng vì còn đi khám bệnh cá cho một lồng bè gần đó. Ông Lực nói: “Cô Thanh luôn vậy đó, sống hết mình vì bà con, nửa đêm cá chết gọi cô Thanh, sáng sớm phát hiện giảm ăn, cá bệnh gọi cô Thanh, nhận giống gọi cô Thanh, nhận cám gọi cô Thanh... Có những ngày cổ phải đội mưa tất tả đi ra bè, nhất là thời gian cá dưới hai tháng tuổi thường bệnh…”. Câu chuyện cô kỹ sư họ Đồng gắn bó với Biển Lạc cũng thật đặc biệt.

Cô Thanh được sinh ra và lớn lên ở khu phố Chăm, thị trấn Lạc Tánh. Thanh tốt nghiệp Đại học Nông lâm, khoa thủy sản đã 7 năm, sau thời gian làm ở tỉnh Thanh được rút về Trạm Khuyến nông Tánh Linh vào năm 2015. Ngay khi vừa về lại quê nhà Tánh Linh, Thanh đã tiến hành khảo sát khu vực dân cư sinh sống bằng nghề cá trên hồ Biển Lạc thuộc xã Gia An.

Cũng nên nói thêm cho rõ: Tánh Linh là một huyện miền núi nằm về phía Tây Bắc của tỉnh Bình Thuận, có dòng sông La Ngà chảy ngang qua và hồ Biển Lạc rộng lớn với diện tích hơn 1.000 ha vào mùa khô, hơn 3.000 ha vào mùa mưa, đây là một lợi thế để phát triển nông nghiệp và rất có tiềm năng để phát triển nuôi trồng thủy sản.

Nhưng khi khảo sát, cô kỹ sư họ Đồng lại nhận ra bà con đang phải đối mặt với một thực trạng nan giải. Dịch bệnh xảy ra trên cá bống tượng nuôi lồng bè ở hồ Biển Lạc kéo dài trong nhiều năm liền và nguồn cá tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Sau một năm khảo sát, ghi chép cẩn thận, nhận ra những thuận lợi như mực nước sâu trên 2 m, pH = 6.5 - 7.5, nguồn nước sạch, ít có tàu thuyền qua lại, hàm lượng oxy hòa tan: > 3 mg/l… năm 2016, Thanh đề xuất với Trung tâm Khuyến nông cho bà con sống bằng nghề lồng bè và các hồ quanh Biển Lạc thử nghiệm nuôi cá thát lát cườm trong lồng bè và cho ăn thức ăn công nghiệp vừa là lối thoát khỏi dịch bệnh vừa giữ được lượng cá tự nhiên tạo sự cân bằng, ổn định trong môi trường nước. Lãnh đạo và các ban ngành trong địa phương rất ủng hộ cho sáng kiến này. Dự án được duyệt với số lượng nuôi ban đầu là 3.000 con cá thát lát giống, quy mô 60 m3 lồng bè, với mục đích là đa dạng hóa đối tượng nuôi ngoài cá bống tượng và các loài cá khác trên vùng hồ Biển Lạc. Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận phối hợp với phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, UBND xã Gia An tổ chức họp dân để thông báo công khai các nội dung, yêu cầu của chương trình, tiêu chí chọn hộ tham gia, chính sách hỗ trợ của nhà nước để các hộ dân tiến hành bình xét công khai và thống nhất danh sách hộ nông dân tham gia (cuộc họp tổ chức ngày 5/6/2017, có 12 hộ dân có lồng bè tham dự và thống nhất chọn 10 hộ thực hiện). Ngày 29/6/2017 tiến hành thả giống.

Sau 6 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng trên 400g/con và trong quá trình nuôi cá không bị bệnh như cá bống tượng thường nuôi trước đây. Kết quả bước đầu vậy là khả quan.

Nhận thấy đây là một đối tượng có tiềm năng phát triển trong tương lai vì cá thát lát cườm có phẩm chất thịt ngon, ít xảy ra dịch bệnh, có giá trị kinh tế cao được thị trường ưa chuộng lại rất phù hợp với môi trường nước hồ Biển Lạc. Năm 2017, cảm thấy bà con chưa mạnh dạn đầu tư vì đầu ra gặp khó khăn nên Thanh chủ động đặt vấn đề với doanh nghiệp Phối Phối về việc bao tiêu sản phẩm và đề xuất tiếp dự án liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ và phát triển thương hiệu chả cá thát lát Biển Lạc trên địa bàn huyện Tánh Linh. Lãnh đạo huyện giao cho Trung tâm Khuyến nông tiếp tục thực hiện mô hình này với quy mô 280m3, cả lồng bè và hồ nuôi (kinh phí hỗ trợ gồm: Con giống hỗ trợ 100%: 21.000 con x 2.700 đồng/con = 56.700.000 đồng, thức ăn hỗ trợ 30%: 4.082,4 kg x 22.000 đồng/kg = 89.812.800 đồng, tổng kinh phí hỗ trợ: 146.512.800 đồng).

Đến năm 2018 số lượng cá giống hỗ trợ đã tăng lên 35.000 con. Hiện nay, giá bán theo hợp đồng bao tiêu trọn gói, giá không đổi là 65.000 – 70.000 đồng/kg, theo các ngư dân mà chúng tôi tiếp xúc, hầu hết đều biết giá đó thấp hơn thị trường một chút nhưng được cái ổn định và thu mua tất cả tại chỗ nên chấp nhận được.

Cô Thanh cho biết: Bước đầu như vậy là hoàn thiện liên kết giữa người nuôi và người tiêu thụ, từ đó nhân rộng vùng nuôi cung cấp nguyên liệu. Đó là bước đi quan trọng góp phần xây dựng thành công thương hiệu chả cá thát lát Tánh Linh, là tương lai mà dự án muốn vươn tới. Các bước khó khăn ban đầu đã vượt qua được, bà con ngày càng vững kỹ thuật và mạnh dạn hơn trong đầu tư, nếu nguồn nước ổn định nữa thì mọi việc trong tầm tay.

Quả thật như vậy, ông Nguyễn Văn Phương phấn khởi cho biết, nếu vụ cá năm nay thành công nữa tôi sẽ vay thêm tiền ngân hàng đóng thêm 10 lồng bè nữa. Ông Nguyễn Tiến Sỹ, người có nhiều lồng bè ở Biển Lạc này cũng vui vẻ chia sẻ: Sang năm tôi sẽ đầu tư lớn hơn.

Tuy nhiên không phải ai cũng có điều kiện để đầu tư ngay vì riêng tiền đóng một lồng bè trung bình (thể tích 30 m3) đã lên đến 40 triệu đồng và các khoản chi phí khác cũng không phải là ít. Theo ông Đỗ Ngọc Lực, một ngư dân sống từ lúc 12 tuổi trên lồng hồ Biển Lạc này thì điều mà ông nhận thấy rõ nhất là ngư dân nơi đây rất nghèo, muốn phát triển nuôi cá thát lát theo hướng sản xuất hàng hóa ổn định thì nguồn vốn bỏ ra ban đầu cao hơn so với phát triển các loại cây nông nghiệp, do vậy nhiều bà con còn e ngại chưa mạnh dạn phát triển nghề. Một khó khăn khác là tình trạng xả thải của các công ty chế biến mủ cao su, dư lượng của thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp, các cơ sở hút cát diễn ra liên tục làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường nước.

Khi được hỏi về kiến nghị của người có chuyên môn, kỹ sư Thanh nói: Bên cạnh việc phát triển nuôi trồng thủy sản cần có những cơ chế, chính sách quản lý để bảo vệ tài nguyên môi trường nước, bảo vệ nguồn lợi thủy sản của vùng để tiến tới hướng nuôi an toàn sinh học. Tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế pháp lý để thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp thu mua, chế biến và có những chính sách hỗ trợ người nuôi trong việc vay vốn để họ mạnh dạn đầu tư vào nuôi trồng thủy sản ngày càng rộng hơn.

Khi chiếc xuồng đưa chúng tôi quay lại bờ thì ông trời đã ngừng mưa, phấn khởi trước những thành công bước đầu của của dự án phát triển vùng nuôi chuyên canh cá thát lát, tôi gọi điện thoại cho gã bạn của tôi. Bên đầu máy bên kia, tôi nghe tiếng “dọ” ngừng trâu thật lớn. Tôi kể cho gã nghe tất cả và gã hứa sẽ nhanh chóng quay về với những chiếc lồng bè vốn gắn bó với mình. “Nhớ Biển Lạc lắm ông à! Lúc nào cũng đau đáu với Biển Lạc nhưng không dám đùa với cơm áo. Lần này, tình hình như vậy, chắc chắn tôi phải tính”, giọng nói gã bạn tôi vui hẳn ra. Tôi cũng thật sự có một niềm tin như gã bạn tôi và bà con ngư dân ở đây vào tương lai của Biển Lạc.  

 Ký:NGUYỄN TÂN HẢI



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biển Lạc ngày mưa