Theo dõi trên

Bình Thuận 45 năm xây dựng và phát triển: Khi dân cùng Đảng một lòng lo việc... nước (kỳ 1)

16/04/2020, 09:33 - Lượt đọc: 726

BT-  Trong ký ức của những người lớn tuổi, không gian sống của họ là những cánh đồng, cánh rừng, đồi cát khô hạn, cây cối xác xơ... Trời không mưa, thủy lợi không có, những giọt mồ hơi rơi xuống không đủ để hạt giống nảy mầm. Thế rồi, bằng quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân, ngày qua ngày, vết hằn của những mùa khô hạn triền miên đến “nứt đá, nẻ đất” mờ dần. Những vùng đất ngày nào xác xơ đã được tô màu xanh của cây trái. Trời vẫn không mưa, song nước trên những dòng kênh vẫn chảy. Nước chảy đến đâu, màu của đất đổi thay đến đó...

                
`
      Bình Thuận những ngày đầu làm thủy lợi.

 Ký ức về một vùng khô hạn

Bình Thuận là một trong những tỉnh khô hạn nhất nước; lượng mưa trung bình năm chỉ 800 – 1.150 mm. Mùa khô kéo dài, mùa mưa qua nhanh, nước mưa rơi xuống không đủ tích lũy cho ao, hồ, sông, suối. Những người lớn tuổi đã đi qua 2 cuộc chiến tranh kể, ngày xưa, cơ sở cách mạng, cán bộ, chiến sĩ mình hy sinh vì đi lấy nước cũng khá nhiều, nhất là vùng chiến khu Lê Hồng Phong. Ngày đó, nước quý bằng sinh mạng con người...

Những năm sau giải phóng, số lượng công trình thủy lợi ở tỉnh Thuận Hải (gồm Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay) không nhiều, tỷ lệ những cánh đồng được tưới nước khá thấp, chỉ khoảng 3,4%. Dù tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng nguồn lực và sức người có hạn, lại phải lo khắc phục hậu quả chiến tranh nên tình hình thủy lợi chậm được cải thiện. Đất đai, ruộng vườn thì nhiều nhưng cằn cỗi, cây sống không nổi. Ông Võ Văn Minh, xã Thuận Hòa (huyện Hàm Thuận Bắc) kể lại một thời khó khăn: Ngày đó, cây điều, cây mè, cây bắp (ngô), cây mì (sắn) và một số loại hoa màu có khả năng chịu hạn được xem là cây chủ lực. Tục ngữ có câu “Nhất nước, nhì phân...”, làm nông nghiệp mà không chủ động được nước, chỉ trông chờ vào trời, đất, lúc nào cũng phấp phỏng lo âu. Hạt giống ươm xuống, trời không mưa thì chẳng thể nảy mầm. Cây bắp đến lúc trổ cờ, nắng hạn quá cũng không kết hạt được; mùa màng bấp bênh, lúc được lúc mất, nhiều lúc mất trắng sau mấy tháng chăm trồng... Vì vậy, trong những khát khao của người dân Bình Thuận, ai cũng nghĩ đến mưa... Mỗi lần mưa về là người dân Bình Thuận mừng lắm. Họ đếm từng “cây” mưa, nhớ từng “cây” to, “cây” nhỏ...

Thăm và làm việc với tỉnh Bình Thuận vào năm 1993, khi nghe Bí thư Huyện ủy huyện Hàm Thuận Bắc báo cáo về những khó khăn của địa phương, với tỷ lệ hộ đói và nghèo khá cao, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã chỉ rõ: Để dân đói là lỗi của lãnh đạo. Phải tìm cách phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Với Bình Thuận, phải tập trung làm thủy lợi để lo nước cho sản xuất… Cũng như Tổng Bí thư Đỗ Mười, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh khi đến làm việc với tỉnh Bình Thuận cũng nhấn mạnh: Nói đến Bình Thuận, thì trước hết phải nói đến nước, nước và nước...

 Nối mạng thủy lợi

Những năm 80 của thế kỷ trước, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có một số công trình thủy lợi như hồ Cà Giang, hồ Sông Quao, hồ Tân Lập... nhưng dung tích hữu ích thấp. Hồ Sông Quao lớn nhất thời đó, chứa được 73 triệu m3 nước. Lo nước cho dân sản xuất là một nhiệm vụ sống còn. Hàng chục năm trời, từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác, các thế hệ lãnh đạo tỉnh Bình Thuận vừa tranh thủ nguồn hỗ trợ của Trung ương, vừa tự lực cánh sinh, chắt chiu ngân sách, huy động sức dân để đắp đập, xây hồ, đào kênh mương lấy nước. Những công trình thủy lợi lớn, nhỏ tiếp tục ra đời, hình thành hệ thống thủy lợi tương đối đều khắp như hồ Cà Giây, Lòng Sông, Đaguyri, Sông Dinh, Sông Móng, đập dâng Tà Pao, đập Ba Bàu... cùng hệ thống kênh Phan Rí - Phan Thiết, kênh 812 - Châu Tá, kênh chính đập dâng Tà Pao (Bắc, Nam), kênh chính Tây hồ Sông Dinh, kênh Sông Móng - Đu Đủ - Tân Lập - Tà Mon... và hàng chục trạm bơm công suất lớn... Đến nay Bình Thuận đã xây dựng được 78 hệ thống tạo nguồn, cấp nước tưới với 209 công trình hồ chứa, đập dâng, trạm bơm và các kênh tiếp nước...

                
      Nước về trên kênh Châu Tá.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tí là một trong những người luôn đau đáu chuyện nước cho nông nghiệp. Ông Nguyễn Minh - Bí thư Huyện ủy Hàm Thuận Nam, nhớ lại: Hơn 10 năm trước, lúc còn là chuyên viên Văn phòng Tỉnh ủy, hầu như tuần nào cũng tháp tùng đồng chí Bí thư Huỳnh Văn Tí đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo trực tiếp việc làm thủy lợi. Sáng 5 giờ đem theo bánh mì, nước suối, ăn sáng trên xe; trưa ăn tại công trường để động viên anh em công nhân. Rồi đi gặp bà con nhân dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng; vận động bà con làm thủy lợi nhỏ, đưa nước về tận cánh đồng của mình. Theo ông Huỳnh Văn Tí, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phải quyết liệt, phải xắn tay áo cùng với anh em, kịp thời tháo gỡ những ách tắc, những vấn đề phát sinh; có những lúc phải quyết định nhanh, “đi tắt” về quy trình để lo… nước cho dân. Ông luôn nhớ lời Bác Hồ dạy: Việc gì có lợi cho dân thì khó mấy cũng phải làm cho bằng được. Nếu cứ theo “quy trình”, sẽ mất thời gian, có nghĩa là nước về muộn, điều đó đồng nghĩa với hàng trăm, hàng ngàn héc ta sản xuất sẽ mất trắng. Giọt mồ hôi của người nông dân sẽ hòa cùng nước mắt, đều mằn mặn như nhau. Vì vậy, ông đã cùng Ban Thường vụ Tỉnh ủy thời đó mạnh dạn quyết một số chủ trương về làm thủy lợi, yêu cầu đơn vị thi công khẩn trương làm ngày, làm đêm; xem dẫn nước như lưu thông mạch máu, không được chần chừ, tắc nghẽn...

Đến nay, ngoài hệ thống sông, hồ, Bình Thuận có hệ thống kênh với tổng chiều dài trên 1.800 km, hơn cả quãng đường từ Bình Thuận ra địa đầu Móng Cái. Hệ thống kênh này không chỉ đưa nước về các vùng sản xuất nông nghiệp mà còn kết nối các hồ chứa nước với nhau, tạo ra sự linh hoạt của toàn hệ thống: hồ lớn tăng cường tích trữ vào mùa mưa, bù (cấp) nước cho hồ nhỏ vào mùa khô, nâng cao khả năng cung cấp nước tưới cho các vùng. Thuật ngữ “nối mạng thủy lợi” thường được nhắc đến khi nói về nét độc đáo trong hệ thống thủy lợi ở Bình Thuận là vậy! Ngoài ra, công trình trạm bơm Lê Hồng Phong ở huyện Bắc Bình cũng khá đặc biệt khi đẩy nước lên độ cao 150 m, với lưu lượng 2 m3/s, cung cấp nước cho một vùng rộng lớn khô cằn của xã Hồng Phong, Hòa Thắng. Nơi đây, hiện đã được tỉnh quy hoạch và kêu gọi đầu tư thành khu nông nghiệp công nghệ cao với quy mô hàng ngàn héc ta...   

Còn tiếp

 Bảo Ngân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận 45 năm xây dựng và phát triển: Khi dân cùng Đảng một lòng lo việc... nước (kỳ 1)