Theo dõi trên

Bước chuyển từ sự đồng lòng 

11/08/2020, 09:08

BT- Khi đề án về thương mại - dịch vụ và chương trình bảo vệ môi trường mà Tuy Phong xác định là 2 lĩnh vực đột phá, thu về kết quả đúng ý nghĩa đã chọn thì bước chuyển từ nông thôn sang phố thị của người dân mới bền vững...

                
   Đoàn Chủ tịch Đại hội. Ảnh: N.Lân

Chuyển biến khó khăn

Khi những vùng đất thiếu nước lâu nay ở Tuy Phong bỗng có giá trị nhờ hàng chục dự án điện mặt trời ồ ạt vào thì cũng đồng thời, các cánh đồng vốn trù phú ở đây rơi vào cảnh bỏ hoang sản xuất. Tình cảnh này xảy ra ở vài vụ mùa trong 5 năm qua, chỉ vì trời ít mưa, mưa bất thường khiến các hồ thủy lợi trên địa bàn không thể tích nước đủ cho sinh hoạt lẫn sản xuất. Phải dừng sản xuất một số nơi, nhiều lao động nông nghiệp đành chuyển sang làm nghề khác. Cũng trong thời gian trên, Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân cùng hàng chục dự án điện mặt trời lần lượt xuất hiện. Bên cạnh một Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân góp phần lớn khắc phục tình trạng thiếu hụt điện cho các tỉnh phía Nam là một nhiệt điện Vĩnh Tân khác tạo ra áp lực môi trường ảnh hưởng đến các khu dân cư, vùng nuôi trồng thủy sản... xung quanh đó. Đây là 2 tình huống điển hình tại Tuy Phong chứa đựng cả mặt được và chưa được rất rõ. Điều đáng nói, dù có lúc khi này, khi khác nhưng đến bây giờ, những mặt chưa được ấy đã và đang được Đảng bộ Tuy Phong sắp xếp, giải quyết theo hướng ổn thỏa.

Như chuyện liên quan đến môi trường từ Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân. Từ những bức xúc, lo ngại chất lượng tôm giống nuôi bị ảnh hưởng, dự án Khu sản xuất giống thủy sản Chí Công sau bao trở ngại cũng đã hình thành, mở ra một vùng đất mới cho nghề nuôi tôm giống ở phía Nam huyện. Tương tự, các hộ dân thuộc thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân, cứ đến mùa gió là bị tro xỉ bay vào nhà nên mới đây, đã được lên phương án di dời vào vùng Động Từ Bi. Điều này được tiên liệu là hành trình lắm nhọc nhằn nhưng sẽ làm được, nhằm xóa mâu thuẫn giữa cư dân với các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Hay chuyện nhiều lần phải dừng sản xuất mùa vụ, vì thiếu nước. Trong tình cảnh ấy, người dân dốc sức hơn cho việc tiếp cận nghề mới thì các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở huyện cũng đã mở rộng phạm vi, chức năng hoạt động để tiếp nhận, chuyển đổi những đợt lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Minh chứng, từ năm 2016 - 2020, có 8.044 lao động đã qua đào tạo, tức bình quân mỗi năm khoảng 1.609 lao động; trong đó, tuyển mới đào tạo nghề cho lao động nông thôn lên đến 5.640 người.

Điều đáng nói, có 80 - 95% lao động đã qua đào tạo trên có việc làm và tự tạo việc làm cho mình. Từ đây, đã góp phần đưa số hộ kinh doanh cá thể xuất hiện nhiều, trong 5 năm qua, Tuy Phong có thêm 2.426 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nâng tổng số hộ kinh doanh trên toàn huyện là 7.095 hộ với tổng vốn đăng ký 1.100 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh nghiệp có 173 đơn vị được thành lập, nâng tổng số còn hoạt động lên 373 doanh nghiệp. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người cũng tăng, đến cuối năm 2019, đã đạt 44,6 triệu đồng/năm, tăng 13 triệu đồng so năm 2015. Theo đó, tỷ lệ người nghèo cũng giảm xuống còn 0,89%, tức 5 năm qua Tuy Phong đã có hơn 4.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, cận nghèo... 

Quyết tâm 2 đột phá

Khi nhập Hòa Phú và Phan Rí Cửa thành thị trấn Phan Rí Cửa thì chỉ tiêu 6/10 xã đạt Nông thôn mới đề ra trong nhiệm kỳ qua của Tuy Phong cũng không tính nữa, vì Tuy Phong đã có 5 xã đạt Nông thôn mới. Thành ra, rà soát 5 năm qua, chỉ tiêu không đạt của Tuy Phong chỉ là sản lượng nuôi trồng thủy sản, do đạt 55% so kế hoạch, tức 2.200/4.000 tấn, vì nhiều nguyên nhân như bị giảm diện tích nuôi, do dịch bệnh, giá cả thị trường... Trong khi đó, hầu hết các chỉ tiêu quan trọng khác đều đạt, vượt kế hoạch. Như chỉ tiêu thu ngân sách, hầu như năm nào cũng thu vượt dự toán rất cao và năm sau cao hơn năm trước như năm 2017 thu 271,8 tỷ đồng, đạt 207,5% dự toán tỉnh giao; năm 2018 thu 277,8 tỷ đồng, đạt 147% dự toán tỉnh giao thì sang năm 2019 thu 327,8 tỷ đồng, đạt 156,1% dự toán tỉnh và huyện. Nhờ vậy, nâng tổng thu 5 năm lên 1.462 tỷ đồng. Với nguồn thu cao ấy, huyện có điều kiện để xây dựng hạ tầng cơ sở trên địa bàn cũng như giải quyết những công trình bức xúc trong dân. Từ sự mở mang phố thị ấy đã góp phần đưa chỉ tiêu thương mại, dịch vụ vượt lên một cách ngoạn mục với doanh thu  5.739 tỷ đồng, đạt 169%  so nghị quyết đề ra 3.389,7 tỷ đồng.

Bây giờ, không chỉ ở 2 thị trấn đã hình thành các tuyến đường phố kinh doanh như: Võ Thị Sáu, Hải Thượng Lãn Ông, Lê Duẩn (thị trấn Liên Hương); tuyến Quang Trung, Thống Nhất (thị trấn Phan Rí Cửa) mà ở một số nơi như tuyến đầu cầu Hòa Phú đường 7163… còn hình thành nhiều cửa hàng tiện lợi chuyên kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng cao cấp, điện tử, điện máy, đồ gỗ phù hợp với tính chất đô thị. Rồi những vùng quê thuộc xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân, Bình Thạnh đã chuyển sang phố lúc nào không hay với hàng quán, dịch vụ xôm tụ. Từ đây, mọi dịch vụ liên quan nhau, từ vận tải, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, thương mại cho đến du lịch theo đó xuất hiện đồng loạt theo cách tự nhiên nhất của quy luật đáp ứng cung cầu thị trường. Song song đó, nhiều vấn đề môi trường cũng đặt ra cần phải giải quyết...

Thực tế diễn ra rất rõ ấy khiến Ban Chấp hành Đảng bộ huyện thống nhất đưa ra 2 chỉ tiêu liên quan đến môi trường, bên cạnh nhiều chỉ tiêu khác, phải thực hiện được trong nhiệm kỳ tới là tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom xử lý đạt 96% và duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt 57,6%. Đồng thời, qua phân tích kỹ mọi mặt, Tuy Phong đã xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm và nhất là chọn 2 lĩnh vực đột phá có tính liên quan rất rõ. Đột phá thứ nhất là tiếp tục thực hiện đề án “Đẩy nhanh tốc độ phát triển dịch vụ, nhất là thương mại và du lịch”, trong bối cảnh mới khi các dự án quanh cảng Vĩnh Tân như Trung tâm Logistics... xuất hiện. Đột phá thứ 2 là tạo chuyển biến tích cực, rõ nét về nhận thức và hành động của cán bộ, nhân dân và các doanh nghiệp về công tác bảo vệ môi trường, nhất là Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân; xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp trong các đô thị, khu dân cư tập trung, khu du lịch, các cơ quan, doanh nghiệp. Khi 2 lĩnh vực đột phá trên thu về đúng thực chất của ý nghĩa đã chọn thì bước chuyển từ nông thôn sang phố thị của người dân Tuy Phong mới bền vững. Và qua đó cũng thấy được bước chuyển từ sự đồng lòng, của sự quyết tâm của Đảng bộ Tuy Phong.

    
    Bí thư Huyện ủy Tuy   Phong Nguyễn Dân cho biết:   Việc chọn 2 lĩnh vực đột phá trong nhiệm kỳ tới đã có sự xem xét kỹ và   thống nhất cao trong Ban Chấp hành Đảng bộ huyện. Với đề án “Đẩy nhanh   tốc độ phát triển dịch vụ, nhất là thương mại và du lịch” đã triển khai   3 năm qua, đến giờ mang lại kết quả nổi bật và sắp tới chắc chắn sẽ có   nhiều cơ hội cho phát triển hơn. Còn với lĩnh vực môi trường chung, nhất   là tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân liên quan đến việc di dời dân cư   thôn Vĩnh Phúc – Vĩnh Tân sang vùng Động Từ Bi đang quá trình chuẩn bị   nên có nhiều vấn đề như kinh phí, đầu tư hạ tầng kỹ thuật... như thế nào   đều phải tính toán chặt chẽ. Chính vì vậy, nếu sắp xếp thành công là một   bước đột phá của huyện.

 B.B.T



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bước chuyển từ sự đồng lòng