Theo dõi trên

Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tại Tuy Phong: Nhiều bất cập cần tháo gỡ

09/03/2017, 08:00

BT- Sáng 7/3, bà Nguyễn Thị Phúc - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận đã dẫn đầu đoàn giám sát làm việc với UBND huyện Tuy Phong về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016.

Theo báo cáo, hiện nay có 109 cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc UBND huyện Tuy Phong quản lý. Trong đó có 13 cơ quan quản lý hành chính nhà nước; 9 đơn vị sự nghiệp công lập; 14 tổ chức hội, 12 xã, thị trấn; 61 đơn vị trường học với tổng số cán bộ công chức, viên chức và người lao động là 2.559 người. Nhìn chung, từ năm 2011 đến hết năm 2016, UBND huyện đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tại địa phương. Quá trình triển khai thực hiện, kết quả công tác củng cố tổ chức, kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có nhiều chuyển biến tích cực. Các cơ quan, đơn vị thường xuyên được rà soát, bố trí, sắp xếp lại theo hướng tinh gọn. Đến nay hầu hết các cơ quan hành chính thuộc UBND huyện cơ bản ổn định tổ chức bộ máy… Tại buổi giám sát, các địa biểu của huyện cũng nêu một số hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016 như: Hiện còn 19 biên chế chưa tuyển dụng, nhưng từ năm 2012 đến nay, tỉnh tổ chức thi tuyển công chức nên ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động trong các tổ chức bộ máy hành chính trong nhiều năm; việc đánh giá, xếp loại cán bộ công chức còn mang tính hình thức, chưa phản ánh đúng thực chất; có những quy định về tiêu chí đánh giá xếp loại từ 10 năm nay chưa thay đổi đã không còn phù hợp; một số công chức, viên chức trình độ chuyên môn chưa phù hợp với vị trí việc làm; mỗi năm huyện chi khoảng 1,5 tỷ đồng cho hoạt động của các hội trên địa bàn nhưng chất lượng, hiệu quả hoạt động rất hạn chế, gây lãng phí không nhỏ cho ngân sách nhà nước; cùng chức vụ trưởng phòng nhưng ở cấp tỉnh được hưởng mức phụ cấp cao hơn cấp huyện (cấp tỉnh 0,5, cấp huyện 0,3); chế độ, chính sách cho cán bộ cấp xã còn thấp chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ phải thực hiện…

Phát biểu tại buổi giám sát, bà Nguyễn Thị Phúc ghi nhận những vướng mắc, kiến nghị của huyện để phản ánh đến UBND tỉnh và Quốc hội sớm có những thay đổi cho phù hợp. Đồng thời đề nghị UBND huyện kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Chính phủ, hướng dẫn của tỉnh về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Tăng cường vai trò của người đứng đầu trong công tác tổ chức cán bộ, tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại; chủ động rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị; thực hiện tốt Nghị định 108 của Chính phủ về chính sách tinh giảm biên chế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tham mưu trong việc tuyển dụng công chức; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong các cơ quan đơn vị.

Đình Nhượng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tại Tuy Phong: Nhiều bất cập cần tháo gỡ