Theo dõi trên

Cái khó trong giải quyết nước sạch nông thôn

17/04/2018, 09:30 - Lượt đọc: 11

BT- Những năm gần đây, vấn đề nước sạch ở các vùng nông thôn có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng thiếu nước sạch phục vụ sinh hoạt vẫn đang diễn ra gay gắt ở không ít địa phương, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao…

                
   Dự trữ nước sinh hoạt. Ảnh: N.Lân

Nhiều nơi “khát”

Ở xã Tân Lập (Hàm Thuận Nam) là một trong những trường hợp điển hình. Cả xã có 4 thôn, nhưng chỉ có thôn Lập Phước có vài hộ được dùng nước sạch do nằm trên tuyến quốc lộ 1A “gần” công trình cấp nước sạch nông thôn từ Nhà máy nước Hàm Thuận Nam. Còn lại quanh năm mua nước ăn uống và nước sinh hoạt dùng bằng nguồn nước hiếm hoi nhiễm phèn, vôi từ giếng khoan. Ông Nguyễn Lộc – Chủ tịch UBND xã Tân Lập chia sẻ: Hầu như tất cả các giếng nước trong các thôn đều bị nhiễm phèn, vôi. Mọi người chỉ có thể dùng nước đó để tắm, giặt, rửa ráy chứ không thể dùng ăn uống. Song vào mùa khô, giếng cũng khô, đến nước phèn cũng trở nên khan hiếm. Có khi bà con mua nước hoàn toàn về dùng.

Sống chung với tình trạng khát nước sạch triền miên nên người dân Tân Lập lúc nào cũng mong trời mưa để hứng nước dùng. Ở đây, hầu như nhà nào cũng có lu,  vại, bể để đựng nước mưa… Với họ, cơn mưa dường như đã trở thành niềm mong đợi thường trực. Năm nào mưa nhiều thì bà con bớt khổ, năm mưa ít thì khóc dở mếu dở.

Cũng như Tân Lập, người dân các xã khác gồm Thuận Hòa (Hàm Thuận Bắc) đang khát nước sạch nhiều năm qua, nhất là vào những mùa khô khắc nghiệt. Gia đình chị Nguyễn Thị Nuôi (thôn Dân Lễ, Thuận Hòa), cứ đến mùa khô phải đi mua nước, có hôm không mua được phải đi xin hàng xóm. Mặc dù, Tổ chức tầm nhìn thế giới Việt Nam – chương trình phát triển vùng Hàm Thuận Bắc có đào ở nơi đây vài giếng nước, nhưng nước nhiễm vôi không dùng được. Dù vậy nhiều gia đình khó khăn không có tiền mua nước liều mình sử dụng. Ngoài gia đình chị Nuôi, gia đình anh Nguyễn Phước Lai (thôn Dân Hòa) cũng chung cảnh ngộ, phải đi mua nước về dùng vì giếng đào sâu lên tới 30 – 40 m không có nước. Mỗi tháng tốn khoảng 200.000 – 300.000 đồng tiền mua nước.

Trong khi, Tân Thuận – một xã được công nhận nông thôn mới từ năm 2015, nhưng đến nay người dân vẫn chưa có nước sạch để sinh hoạt. Hơn 3.000 hộ thiếu nước sạch để sử dụng, phải dùng nước giếng nhiễm phèn và mua nước đóng chai để uống và nấu nướng. Nước sạch là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhưng đã gần 3 năm được công nhận mà người dân xã này vẫn khổ sở vì thiếu nước sạch để sinh hoạt.

Theo Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, toàn tỉnh hiện còn rất nhiều xã chưa được đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn (CTCN), cụ thể các xã: Thuận Hòa, Hàm Trí, La Dạ, Đa Mi (Hàm Thuận Bắc); xã Tiến Thành (Phan Thiết); xã Tân Lập, Tân Thuận, Thuận Quý, Mương Mán (Hàm Thuận Nam); xã Tân Xuân, Sông Phan - khu vực dọc quốc lộ 1A của Hàm Tân; xã Gia Huynh, Đồng Kho, Huy Khiêm, Gia An (Tánh Linh) và xã Đức Hạnh, Tân Hà, Trà Tân, Đông Hà, Đức Tín, Vũ Hòa (Đức Linh). 

Giải quyết từng bước

Hiện nay ngoại trừ 2 huyện Tuy Phong, Bắc Bình và thị xã La Gi thì còn nhiều xã chưa có CTCN. Nó đang là vấn đề nhức nhối trong nhiều năm qua ở các xã khi ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. Báo chí cũng đã phản ánh nhiều về tình trạng này, nhưng các cấp, ngành chưa có cách giải quyết khi ngân sách hạn hẹp.

Nói về cái khó trong giải quyết vấn đề nước sạch nông thôn, ông Lý Hữu Phước – Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cho biết, năm 2016 chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (CTMTQG) được nhập thành một chương trình thành phần của CTMTQG xây dựng nông thôn mới, nhưng cho đến nay Trung ương chưa có cơ chế phân bổ hỗ trợ vốn từ CTMTQG xây dựng nông thôn mới nên việc đầu tư các CTCN chủ yếu sử dụng ngân sách tỉnh vốn rất hạn hẹp. Cả giai đoạn 2016 – 2020 toàn tỉnh chỉ được phân bổ 85 tỷ đồng, trong đó 20 tỷ đồng hỗ trợ cho Công ty Cấp thoát nước tỉnh mở rộng tuyến ống.

Trước khó khăn, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt danh mục các CTCN để kêu gọi vốn các nhà đầu tư tham gia kinh doanh, nhưng đến nay rất ít người tham gia do mật độ dân cư thưa thớt nên phải có vốn đầu tư lớn; lượng nước sử dụng ít, giá nước do Nhà nước quy định nên rất khó thu hồi vốn đầu tư và tỷ suất lợi nhuận rất thấp. Ông Phước nói thêm, với điều kiện nguồn vốn khó khăn như hiện nay, trước mắt sẽ giải quyết từng bước, ưu tiên đầu tư CTCN ở các khu vực khô hạn thiếu nước nghiêm trọng, nhất là các huyện ven biển…

 Ninh Chinh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cái khó trong giải quyết nước sạch nông thôn