Theo dõi trên

Cái tình của cô đỡ thôn bản vùng cao

28/02/2019, 10:48 - Lượt đọc: 0

BT- “…Bởi mình cũng là phụ nữ, luôn tự nhủ với lòng cố gắng giúp sản phụ và trẻ sơ sinh an toàn là niềm hạnh phúc lớn nhất” - chị Đỗ Thị Bồng, một cô đỡ thôn bản của xã Mỹ Thạnh, chia sẻ như thế.

1. Thấp thoáng giữa những cánh rừng dầu xanh bạt ngàn, xe chạy bon bon trên đường nhựa nối liền xã Hàm Cần đến Mỹ Thạnh (Hàm Thuận Nam), tới đầu làng, hỏi cô đỡ thôn bản Đỗ Thị Bồng hầu như mọi người đều biết. Với dáng người nhỏ nhắn, nói tiếng Rai rất sỏi thì không ai biết chị là người Kinh khi mới lần đầu gặp mặt, bởi chị gắn bó với vùng đất này năm vừa tròn 19 tuổi cho đến nay, chị đã hơn 45 tuổi.

                
Chị Đỗ Thị Bồng (bên trái) vận động thai    phụ khám định kỳ.

Chị Bồng kể, năm 1990, chị là nhân viên y tế thôn bản, đến từng nhà vận động tuyên truyền giáo dục sức khỏe, giúp người dân trong xã tiếp cận với quyền lợi được chăm sóc sức khỏe, đặc biệt sức khỏe sinh sản cho phụ nữ. Hơn nữa trong thời gian này, Mỹ Thạnh là một xã vùng cao khó khăn trăm bề, nghèo khó, thiếu thông tin liên lạc, giao thông đi lại khó khăn. Mùa nắng, sông Bà Bích nằm trơ sỏi đá, mọi người yên tâm qua sông. Thế nhưng, khi mưa đến, những cơn mưa rừng trút xuống, thì giao thông cách trở, mọi người không thể nào qua sông. Muốn qua được sông phải đợi dứt mưa và thêm 8 tiếng đồng hồ để nước rút xuống mới đi qua được. Nếu lỡ có ai bệnh nặng hoặc đẻ khó… trong những lúc này, chỉ có ngồi cầu trời, tai ương đừng đến. Việc tiếp cận dịch vụ y tế còn hạn chế, nhất là tập tục sinh đẻ tại nhà - một yếu tố cản trở đồng bào dân tộc thiểu số đến sinh con tại cơ sở y tế. Bên cạnh đó, kinh phí, trang thiết bị và nhân lực làm công tác chăm sóc thai sản và sơ sinh ở vùng miền núi xa xôi hẻo lánh này thiếu trầm trọng. Chính vì những khó khăn như thế cộng thêm ý thức của người dân trong xã chưa cao, việc sinh nở tại nhà đều trông cậy vào mụ vườn. Nên tình trạng tử vong của sản phụ và trẻ sơ sinh là điều không tránh khỏi ở vùng sơn cước này.

Chị Bồng nhớ như in hình ảnh sản phụ K. tử vong ngay tại nhà do mụ vườn đỡ đẻ. Chị K. có dấu hiệu chuyển dạ rất lâu mà vẫn chưa sinh được, nhưng không đến trạm y tế. Mụ vườn thấy tình trạng lâu sinh, bèn dùng dây cột bụng sản phụ lại nhằm tạo thế trằn bụng đẩy thai nhi xuống. Hậu quả thương tâm là sản phụ K. cùng thai nhi tử vong ngay tại chỗ, do vỡ tử cung. Chính hình ảnh ấy, nung nấu quyết tâm chị làm sao để giúp được phụ nữ vượt cạn, bởi mình cũng là phận phụ nữ như nhau.

2. Thế rồi, năm 2006, chị Bồng tham gia khóa học 6 tháng “Đào tạo cô đỡ thôn bản vùng khó khăn” tại Bệnh viện Từ Dũ. Tâm trạng chị vui và hạnh phúc biết bao vì được đi học, nhưng chị cũng nhiều nỗi lo về khó khăn kinh tế gia đình. Bởi thời gian này, chị vừa nuôi con vừa chăm sóc 400 trụ thanh long mới xuống giống trong giai đoạn cần tiền đầu tư phân thuốc, vừa phải hoàn thành khóa tập huấn “cô đỡ”. Khó khăn như thế rồi cũng tan biến theo thời gian. Và chị vẫn bám việc, sát cánh cùng bà con thôn bản, giúp các sản phụ vượt cạn thành công.

Sau khi hoàn thành khóa “Đào tạo cô đỡ thôn bản vùng khó khăn”, chị có 2 kỷ niệm mà không bao giờ quên. Một sản phụ chuyển dạ rất lâu, bụng gò nhưng kiên quyết không tới trạm và tỏ vẻ bất cần vì đã có mụ vườn, mặc nhân viên y tế của trạm thuyết phục đưa sản phụ đến trạm. Đến lúc mụ vườn “bó tay”, thì người nhà mới đưa tới trạm. Rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, chuyển viện cũng không kịp vì đường quá xa, ở lại trạm thì không đủ trang thiết bị phục vụ cũng như công tác chuyên môn nếu như xảy ra tai biến. Lúc này, tất cả những gì chị được học đều tập trung có trật tự trong đầu, chị giúp sản phụ “vượt cạn” và em bé chào đời. Mặc dù sản phụ được “mẹ tròn con vuông”, nhưng tâm trạng chị vừa mừng vừa lo. Nếu như mà có điều gì xấu xảy ra trong lúc ấy thì lòng chị sẽ không thanh thản. Chị Đỗ Thị Bồng nói: “Có người  bảo đi đỡ đẻ làm gì, có tiền bạc gì đâu mà còn khổ cực thức đêm, đi trong mưa gió, ngay cả đêm giao thừa cũng đi. Tôi chỉ lặng im và nghĩ rằng cố gắng làm tốt công tác chuyên môn giúp sản phụ và trẻ sơ sinh an toàn là niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi”.

 3. Ghi nhận sự hỗ trợ kịp thời của cô đỡ thôn bản, bác sĩ Cao Thị Bông - Trưởng Trạm Y tế xã Mỹ Thạnh khẳng định: “Cô đỡ thôn bản Đỗ Thị Bồng làm rất tốt công tác tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản trước, trong và sau khi sinh cho sản phụ rất kịp thời và an toàn. Công việc thầm lặng của chị đóng góp tích cực vào việc xóa bỏ rào cản văn hóa và ngôn ngữ giữa người cung cấp dịch vụ và người dân, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế, góp phần giảm tử vong mẹ và sơ sinh tại các vùng miền núi khó khăn này bởi chị nghe - nói tiếng Rai rất sỏi. Hiện nay, 100% phụ nữ mang thai ở xã đều đến trạm y tế khám thai định kỳ và đẻ tại trạm, những ca đẻ khó đều được chuyển tuyến kịp thời. Không có trường hợp tai biến sản khoa xảy ra. Tuy nhiên, phụ cấp cho cô đỡ hầu như không có, thậm chí ngay cả áo blouse dành cho cô đỡ thôn bản cũng không có.

Theo khoa sức khỏe sinh sản của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, vai trò của cô đỡ thôn bản như chị Bồng đối với vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn là không thể phủ nhận. Chị đã gắn bó với bà con người Rai tại xã Mỹ Thạnh như cầu nối dân bản với cơ sở y tế, giúp y tế đạt được các mục tiêu phát triển trên địa bàn vùng sâu vùng xa.   

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cái tình của cô đỡ thôn bản vùng cao