Theo dõi trên

Cảnh báo ngư dân đánh bắt hải sản vùng biển nước ngoài

28/08/2018, 08:59

BT - Đại tá Lê Văn Thu - Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, cho hay, tình trạng ngư dân trong nước còn vi phạm lãnh hải nước ngoài. Như cách đây chưa lâu, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã đưa 3 tàu hải quân sang cảng Batam (Indonesia) hoàn tất thủ tục cần thiết để đưa 695 ngư dân Việt Nam về nước. Phần lớn ngư dân vi phạm lãnh hải trên thuộc các tỉnh: Quảng Ngãi, Kiên Giang, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Tiền Giang, Khánh Hòa, Phú Yên. Riêng Bình Thuận, 2 năm qua có 24 vụ với 34 tàu cá cùng 327 ngư dân sang vùng biển nước ngoài khai thác, thu mua hải sản trái phép bị lực lượng chức năng sở tại bắt giữ, xử lý. Các vùng biển ngư dân thường vi phạm, bị bắt giữ là Malaysia, Indonesia, Brunei. Chỉ riêng đầu năm 2018, Thái Lan đã bắt giữ 3 tàu cá cùng 23 ngư dân thị xã. La Gi. 3 tàu này đăng ký ở Bình Thuận nhưng chủ yếu cư trú ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, chỉ về Bình Thuận đăng kiểm. Ngoài ra, còn xảy ra 1 vụ vượt biển với 18 ngư dân ở La Gi, bị phía Indonesia bắt giữ.

         
   

         

            Tàu cá của ngư dân La Gi vươn khơi khai thác.

Trong cuộc họp lĩnh vực này, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Cảnh nêu rõ, không ít tàu ngư dân các tỉnh phía Nam xâm phạm lãnh hải nước ngoài khai thác, đánh bắt hải sản xảy ra nhiều năm nay đã bị bắt giữ, không những gây thiệt hại kinh tế cho ngư dân mà còn ảnh hưởng đến ngoại giao, uy tín đất nước. Đặc biệt Ủy ban châu Âu đã rút “thẻ vàng” đối với Việt Nam, đây là lời cảnh báo hết sức nguy cấp. Do đó việc ngăn chặn, chấm dứt tàu cá, ngư dân tỉnh ta khai thác trái phép vùng biển nước ngoài là hết sức cấp bách. Vấn đề bức thiết này, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, nhưng kết quả chưa như mong đợi. Phó Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu sở ngành, địa phương tiến hành đồng bộ các giải pháp, huy động sự vào cuộc cả hệ thống chính trị; đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong ngư dân; nắm chắc, kiểm soát tình hình chặt chẽ cả ngoài biển lẫn trong bờ; xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

    
    Trong quá trình khai   thác, hoạt động trên biển nếu có sự cố xảy ra, ngư dân thông báo ngay   với những tàu gần đó và cơ quan chức năng để có phương án kịp thời ứng   cứu, hỗ trợ. Ngư dân phải tìm hiểu Luật Biển Việt Nam, quốc tế để hiểu   rõ, tránh vi phạm khi đi khai thác.

Về phía Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, đại tá Lê Văn Thu chia sẻ với ngư dân Bình Thuận trong những lần tập huấn tuyên truyền biển, đảo: Ngư dân đi khai thác cần tổ chức theo mô hình tổ, đội sản xuất trên biển. Khi đánh bắt tại vùng biển giáp ranh với các vùng biển nước ngoài cần giữ khoảng cách an toàn, tránh trường hợp do ảnh hưởng của dòng hải lưu, thời tiết xấu khiến tàu dạt sang vùng biển nước khác. Các tàu cá của ngư dân cần trang bị thiết bị kết nối vệ tinh (Movimar), phải mở máy thường xuyên cho cơ quan chức năng kiểm soát được vị trí tàu đang khai thác ở ngư trường nào, để cơ quan chức năng kịp thời phát hiện cảnh báo tránh vi phạm vùng biển nước khác và những vấn đề nguy hiểm khác. Ngoài thiết bị này, trên tàu cần trang bị đầy đủ các thiết bị hàng hải khác, đảm bảo thông tin liên lạc, có đầy đủ giấy tờ, giấy phép hoạt động...

Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh kiểm tra, quản lý chặt chẽ các tàu cá về ngư trường khai thác được cấp phép, cập cảng, xuất cảng đúng quy định... Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là luậtbiển; vận động chủ tàu, thuyền trưởng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nước cũng như quốc tế... Trường hợp tàu ngư dân tránh trú bão, áp thấp nhiệt đới hoặc xin cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp do diễn biến thời tiết xấu ở các vùng biển nước ngoài, cần tuân thủ nghiêm quy định pháp luật của các nước, niêm phong ngư cụ, phát tín hiệu cấp cứu cần thiết...

T. Khoa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảnh báo ngư dân đánh bắt hải sản vùng biển nước ngoài