Theo dõi trên

Chất vấn tại kỳ họp thứ 9: “Nóng” việc tách thửa đất nông nghiệp, tai nạn giao thông tăng cao

19/12/2019, 11:17 - Lượt đọc: 24

BT- Sáng 18/12, hàng loạt vấn đề về việc tách thửa trên đất nông nghiệp, tai nạn giao thông, chính sách chăn nuôi nông hộ, thiếu vắc xin phòng ngừa bệnh dại… đã được các đại biểu đề cập và yêu cầu trả lời trong phiên chất vấn.

 Quyết định 52 có trái với quy định Luật Đất đai?

Việc không giải quyết tách thửa trên đất nông nghiệp với lý do đất không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử đất theo Quyết định (QĐ) 52 của UBND tỉnh thời gian vừa qua gây bức xúc cho dân. Vì theo ý kiến của rất nhiều cử tri, đất nông nghiệp là tài sản cả đời của họ, đất họ có trước, quy hoạch là do Nhà nước làm sau. Tại sao việc tách thửa phải quy định phù hợp quy hoạch, trong khi Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định điều này, chỉ quy định diện tích tối thiểu để tách thửa là giao UBND tỉnh quy định phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Nhiều đại biểu (ĐB) đặt vấn đề: như vậy QĐ 52 là căn cứ theo quy định tại khoản nào, điều nào của văn bản quy phạm pháp luật? QĐ này có trái với với quy định Luật Đất đai hay không?

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Tư pháp - Hồ Ngọc Được khẳng định việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QĐ số 52 của UBND tỉnh ngày 27/12/2018) đã được thực hiện theo trình tự thủ tục quy định, Sở Tư pháp thẩm định nội dung và hình thức theo đúng quy định pháp luật và cũng không tùy tiện ban hành. Văn bản cũng đã gửi Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp để kiểm soát văn bản theo quy định. Tại điều 11 QĐ 52 của UBND tỉnh, đất nông nghiệp nằm trong khu vực làm nông nghiệp theo quy hoạch được duyệt: Quy định tách thửa tối thiểu 1.000 m2 là phù hợp thực tế của địa phương trong những năm qua, tránh việc tách thửa quá nhỏ dẫn đến phân tán, manh mún đất đai. Tuy nhiên, theo đa số ĐB, việc áp dụng QĐ 52 của UBND tỉnh hiện nay chưa phù hợp với thực tế.

ĐB Phùng Hữu Cư (Đức Linh) cho rằng, vấn đề đặt ra không phải xem xét QĐ 52 của UBND tỉnh đúng hay sai, cái muốn nói ở đây là chưa đi vào thực tế. Đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở Tư pháp xem lại. Ở khía cạnh khác, ĐB Trần Nguyên Lộc (Tánh Linh) cho biết, hiện nay có một số trường hợp không vướng trong việc thực hiện tách thửa, QĐ 52 vẫn phù hợp nhưng người dân không được giải quyết tách thửa. Nguyên nhân do đâu và giải pháp nào để tháo gỡ trong thời gian tới? Nhiều ĐB khác cũng đặt vấn đề, việc quy định tách thửa tối thiểu là 1.000 m2 đã phù hợp chưa bởi thực tế hiện nay nhiều người dân không đảm bảo diện tích tách thửa hoặc do điều kiện kinh tế muốn tách thửa với diện tích nhỏ hơn. Có thể khảo sát lại nhu cầu của người dân để sửa đổi, bổ sung diện tích tách thửa cho phù hợp với thực tế nhằm đảm bảo quyền lợi cho dân. ĐB Biện Văn Hoan - Chánh án Tòa án nhân tỉnh cũng đồng ý với quan điểm trên, QĐ 52 phù hợp quy định pháp luật, không ai thắc mắc. Tuy nhiên khi thực hiện xảy ra nhiều vướng mắc thì nên xem xét lại một số vấn đề, có thể tiến hành khảo sát người dân để điều chỉnh cho phù hợp. Có thể sửa đổi theo thẩm quyền HĐND và UBND tỉnh, không cần kiến nghị Quốc hội xem xét.       

Có hiện tượng người vi phạm gọi điện cho người thân “trợ giúp”?

Về tình hình số người chết do tai nạn giao thông (TNGT) tăng cao liên tục trong 2 năm (2018, 2019), năm 2019 tăng cả 3 tiêu chí làm chết 196 người, tăng 7 người. Tai nạn giao thông đường sắt làm chết 5 người, tăng 5 người. Nguyên nhân hầu hết là do người tham gia giao thông vi phạm các quy định về an toàn giao thông. Các ĐB đặt vấn đề: Vì sao công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật an toàn giao thông nói riêng được thường xuyên nhưng hiệu quả không cao, nhận thức hành vi người tham gia giao thông chuyển biến chậm? Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Nguyễn Hồng Hải đã cho biết: Công tác tuyên truyền luôn được quan tâm đẩy mạnh, các sở, ngành, các tổ chức chính trị thường xuyên thực hiện nhằm đưa kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông đến đa số người dân. Tuy nhiên khó nhất là nội dung tuyên truyền chưa đến được các đối tượng cần tuyên truyền…

ĐB Huỳnh Thị Hoa - Trưởng Ban Pháp chế đặt vấn đề: Lý do gì mà để đến khi TNGT tăng cả 3 tiêu chí mới tham mưu UBND tỉnh để triển khai các giải pháp? Công tác tuần tra phát hiện, xử lý vi phạm giao thông trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã nghiêm chưa? “Trong việc phát hiện và vi phạm, CSGT tỉnh Bình Thuận có hiện tượng cho người vi phạm được quyền trợ giúp gọi điện thoại cho người thân như các tỉnh khác hay không?”, ĐB Hoa nêu thẳng vấn đề. ĐB Nguyễn Toàn Thiện tiếp thêm: Vấn đề nhận thức thì dễ, nhưng ý thức người tham gia giao thông rất quan trọng, có trường hợp bất chấp pháp luật, muốn hạn chế phải phát hiện và xử lý nghiêm.

Đại tá Trần Văn Toản - Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận giải thích: Không phải khi TNGT tăng cao Công an tỉnh mới tham mưu cho UBND tỉnh mà đây là công tác thường xuyên, cập nhật thông tin liên tục. Hiện nay Công an tỉnh đang thực hiện đợt cao điểm đấu tranh trấn áp tội phạm trong dịp tết và tăng cường tuần tra, kiểm soát trên tuyến giao thông để hướng dẫn giao thông, phát hiện, xử lý các hành vi, vi phạm xảy ra. “Trong công tác tuần tra giao thông, hiện tượng CSGT cho người vi phạm gọi điện cho người thân để hỗ trợ như ĐB đã nêu, Bộ Công an và Công an tỉnh không chỉ đạo việc này. Vấn đề vi phạm giao thông sai đến đâu xử lý đến đó, không có trường hợp ngoại lệ”, ông Toản thẳng thắn cho biết.

K.Ngọc - T.Thủy; ảnh: Đ.Hòa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Lãnh đạo tỉnh chúc mừng Lễ Phục sinh năm 2024
BTO-Chiều 27/3, đồng chí Nguyễn Hoài Anh – Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã đến thăm, chúc mừng Tòa Giám mục Phan Thiết và Giuse Đỗ Mạnh Hùng – Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, Giám mục Giáo phận Phan Thiết nhân Lễ Phục sinh năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chất vấn tại kỳ họp thứ 9: “Nóng” việc tách thửa đất nông nghiệp, tai nạn giao thông tăng cao