Theo dõi trên

Chiến lược biển Việt Nam đến 2020: Hướng về thực hiện ở Bình Thuận

04/12/2018, 10:25

Hướng về kinh tế biển

BT- Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện các nội dung Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) được Ban Bí thư Trung ương tổ chức đến 74 điểm cầu chính toàn quốc, thu hút hàng chục ngàn cán bộ lãnh đạo, công chức tham dự. Tại đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà đã trình bày tóm tắt tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Mục tiêu cụ thể xây dựng, phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ, củng cố quốc phòng an ninh; phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp 53 - 55% GDP của cả nước. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện đáng kể đời sống nhân dân vùng biển, ven biển, có thu nhập bình quân đầu người cao gấp 2 lần so với thu nhập bình quân chung cả nước…

                
Đội tàu thu mua hải sản xa bờ Phú Quý.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhìn nhận, ngành kinh tế có liên quan trực tiếp tới khai thác biển như chế biến dầu khí, chế biến thủy hải sản, đóng, sửa chữa tàu biển, thông tin liên lạc… bước đầu phát triển, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Kết cấu hạ tầng vùng biển, ven biển, đảo tuy được quan tâm nhưng vẫn còn hạn chế. Hệ thống cảng biển nhỏ bé, mạng lưới tàu thuyền, trang thiết bị nhìn chung còn lạc hậu, chưa đồng bộ nên hiệu quả thấp. Do vậy, thời gian tới thúc đẩy phát triển kinh tế biển cần những khâu đột phá như tạo hành lang pháp lý tốt hơn, thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực lợi thế tiềm năng này ở các địa phương.

 Thúc đẩy phát triển kinh tế biển

Bình Thuận có bờ biển dài 192 km, sở hữu vùng lãnh hải rộng lớn 52.000 km2. Dọc khu vực ven bờ, trên biển, hải đảo chứa nguồn tài nguyên phong phú, nhiều cảnh quan đẹp thuận lợi khai thác hải sản, dầu khí, phát triển du lịch. Trong các hội thảo liên quan, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh: Thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Bình Thuận xác định: Tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển toàn diện, bền vững kinh tế biển, gắn với tái cơ cấu kinh tế của tỉnh để thế mạnh này trở thành ngành kinh tế động lực quan trọng, thúc đẩy quá trình tăng trưởng kinh tế; góp phần chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất tinh thần nhân dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biển, đảo. Do vậy, các địa phương xúc tiến triển khai quản lý tổng hợp, thực hiện phát triển kinh tế biển phù hợp thực tiễn địa phương, hài hòa giữa các ngành, quy hoạch vùng, cả nước. Trong đó tỉnh chú trọng quy hoạch các đề án như trung tâm năng lượng, xây dựng Bình Thuận thành trung tâm du lịch thể thao biển mang tầm quốc gia, hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia Mũi Né tỉnh Bình Thuận đến 2030, quy hoạch Khu du lịch Phú Quý đến 2030; phát triển kinh tế biển đi đôi với bảo vệ môi trường biển.

Thời gian qua, tỉnh ta đã tập trung tháo gỡ vướng mắc khi triển khai Nghị định 67/CP trước đây của Chính phủ, tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn ưu đãi đầu tư đóng mới nhiều tàu công suất lớn, khai thác hải sản xa bờ, trang bị kỹ thuật, công nghệ hiện đại, gắn phát triển mô hình tổ thuyền đoàn kết khai thác, liên kết đánh bắt- chế biến, dịch vụ hậu cần trên biển, gắn bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hình thành nghiệp đoàn nghề cá, hiệp hội nghề nghiệp thủy sản. Song song đó, tỉnh chú trọng phát triển du lịch biển đảo trở thành ngành dịch vụ đóng góp quan trọng trong kinh tế biển, thông qua nhiều loại hình như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khai thác thế mạnh thể thao biển theo đề án quy hoạch. Về lâu dài, tỉnh đẩy mạnh hợp tác du lịch biển, liên kết khai thác các tuyến du lịch biển trong nước, quốc tế…

T.Khoa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiến lược biển Việt Nam đến 2020: Hướng về thực hiện ở Bình Thuận