Theo dõi trên

Chủ động ứng phó cơn bão Sanba gần Biển Đông

13/02/2018, 17:14 - Lượt đọc: 81

BTO- Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 7 giờ sáng nay ngày 12/2, vị trí tâm bão Sanba ở vào khoảng 7,0 độ Vĩ Bắc; 132,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển miền Nam Phi-líp-pin khoảng 650 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 – 75km/giờ), giật cấp 10.

                
         Đường đi của bão

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25 – 30 km. Sau đó sẽ vào biển Đông, lúc 7 giờ sáng ngày 15/2, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,0 độ Vĩ Bắc; 116,0 độ Kinh Đông, cách đảo Trường Sa (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 450km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 – 75 km/giờ), giật cấp 11.

Đây là cơn bão di chuyển với tốc độ nhanh, diễn biến còn phức tạp do ảnh hưởng kết hợp của không khí lạnh tăng cường; đồng thời, khi bão vào biển Đông lại trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 nên dễ bị động, chủ quan, lơ là trong công tác trực ban theo dõi tình hình, diễn biến của bão.

Để chủ động đối phó với cơn bão Sanba và ảnh hưởng của không khí lạnh gây gió mạnh trên biển, đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện hoạt động trên biển, phòng tránh triều cường, sạt lở bờ biển; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố ven biển, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện một số nội dung sau:

1. Ủy ban nhân dân và Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương vùng biển theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão Sanba, tình hình gió mạnh, sóng lớn, triều cường, phối hợp với các đồn biên phòng trong khu vực, thông báo cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển (nhất là tàu thuyền đi đánh bắt xa bờ khu vực quần đảo Trường Sa, tàu vận tải tuyến Phan Thiết – Phú Quý) biết để chủ động phòng tránh, tìm nơi trú tránh an toàn và có kế hoạch sản xuất phù hợp. Kiểm tra, theo dõi sát các khu vực thường bị sạt lở ven biển, nhất là các khu vực dân cư, chủ động di dời người và tài sản các hộ dân có nhà ở bị uy hiếp trực tiếp đến nơi an toàn, bảo đảm an toàn về người và tài sản.

2. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển gồm: Tuy Phong, Bắc Bình, Phú Quý, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, thị xã La Gi và thành phố Phan Thiết quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, duy trì thông tin liên lạc với các chủ phương tiện để hướng dẫn, xử lý kịp thời các tình huống, sự cố xảy ra.

3. Các cơ quan, đơn vị thường trực tìm kiếm, cứu nạn của tỉnh và các địa phương rà soát, chuẩn bị các phương tiện, lực lượng cứu hộ, trang thiết bị, sẵn sàng tham gia ứng phó, cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu.

4.Đài Khí tượng thủy văn tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến về cơn bão Sanba, tình hình thời tiết, gió mạnh trên biển, thông báo kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân trong cộng đồng biết để chủ động phòng tránh.

5. Đài Phát thanh truyền hình Bình Thuận, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh tăng thời lượng phát các bản tin dự báo thời tiết, diễn biến cơn bão Sanba, gió mạnh, triều cường và tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng tránh cho người dân biết, áp dụng.

6.Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24, bố trí cán bộ và lãnh đạo trực trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất để theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão Sanba, tình hình gió mạnh, sóng lớn, triều cường trên địa bàn mình quản lý, tham mưu kịp thời công tác chỉ đạo ứng phó, phòng tránh bão, báo cáo về UBND tỉnh (qua Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh) để chỉ đạo.

BTO



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ động ứng phó cơn bão Sanba gần Biển Đông