Theo dõi trên

Chuyện ông Tỉnh

26/02/2019, 15:47

 BX- Đảm nhiệm Trưởng khu phố Lâm Hòa, thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, ông Nguyễn Văn Tỉnh với sự chân thành, nghĩa tình trong cuộc sống cộng với sự khéo léo, linh động trong công việc đã ngày càng làm người dân khu phố trân quý ông, tin yêu vào cấp ủy, chính quyền cơ sở.

                
Ông Tỉnh đang trao đổi với người dân khu    phố.

 Khéo dân vận

Trở lại khu phố Lâm Hòa vào những ngày cuối năm, điều mà chúng tôi dễ dàng nhận ra là sự thay đổi “ngỡ ngàng” của khu phố. Con đường dẫn vào nhà văn hóa khu phố được bê tông thông thoáng sạch, đẹp. Những ngôi nhà mái bằng khang trang mọc lên san sát, cửa hàng, quán sá sầm uất… Do có hẹn trước nên ông Tỉnh chủ động đón tôi ngay từ đầu ngõ. Ấn tượng đầu tiên là sự giản dị, gần gũi của ông. Rót ly trà nóng, ông Tỉnh nhớ lại: “Nhiều năm về trước, Lâm Hòa là một vùng quê nghèo, đường sá đi lại rất khó khăn. Lúc ấy, gánh vác trách nhiệm của người cán bộ khu phố, tôi luôn trăn trở tìm cách để cải thiện cuộc sống cho người dân. Bắt đầu từ khi được chọn xây dựng khu phố văn hóa điểm của thị trấn, tôi biết đây là cơ hội để giúp người dân Lâm Hòa “đổi đời”. Sau khi họp bàn triển khai xây dựng khu phố văn hóa điểm, tôi đến từng hộ dân tuyên truyền, đồng thời vận động bà con tham gia hiến đất, hiến công làm đường bê tông. Một lần chưa thông, thì tuyên truyền nhiều lần với nhiều hình thức, dần dần người dân hiểu và ủng hộ mới có những đoạn đường khang trang, rộng rãi như hôm nay”.

Địa bàn khu phố Lâm Hòa khá rộng, với 6 tổ nhân dân tự quản, 447 hộ/1.944 khẩu. Nhưng chỉ cần cho biết tên chủ hộ hoặc hỏi tên con ai là ông biết ngay hộ nào, nhà ở đâu, bao nhiêu nhân khẩu, sống bằng nghề gì, bởi  ông thường tham gia các buổi sinh hoạt tổ nhân dân tự quản, qua đó nhắc nhở, tuyên truyền cho bà con  về ý thức an toàn giao thông, cách làm ăn hiệu quả, xây dựng nếp sống văn minh. Chính nhờ vậy, từ năm 2006 đến nay, an ninh trên địa bàn khu phố luôn được giữ vững, được công nhận “Khu phố an toàn về an ninh trật tự”.

 Trưởng khu phố “mát tay”

Năm nay, ông Tỉnh đã ở  tuổi lục tuần nhưng sự nhiệt tâm và hết mình với công việc chung thì chưa bao giờ vơi. Cách nói chuyện hồn hậu của ông khiến nhiều người dân tin tưởng, kính trọng. Qua câu chuyện, tôi được biết ông Tỉnh còn là trưởng khu phố “mát tay” bởi nhiều “ca” hòa giải thành công. Đến bây giờ, ông vẫn chưa quên được vào khoảng thời gian 1 năm về trước, lúc 3 giờ sáng, cả gia đình ông bị đánh thức bởi tiếng gọi không ngớt của chị H. trong khu phố. Chị kể, trong cơn say, chồng chị trở về nhà rồi tìm cớ sinh sự, chửi bới, rồi “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Chị cho biết đây không phải lần đầu tiên bị chồng đánh. Trải qua nhiều lần như vậy, chị H. cảm thấy không thể thay đổi được chồng nên quyết định sẽ viết đơn ly hôn. Thời điểm ấy, hạnh phúc gia đình chị H. mong manh như ngọn đèn trước gió. Biết rõ ngọn ngành, ngay sáng hôm sau, ông Tỉnh cùng tổ hòa giải khu phố đến nhà gặp chồng chị H. để phân tích, góp ý, đồng thời chỉ ra những hậu quả sau khi ly hôn. Sau nhiều tiếng đồng hồ khuyên nhủ, những nỗ lực của ông Tỉnh cùng tổ hòa giải khu phố đã được đền đáp. Vợ chồng chị H. đã nhận ra cái sai của mình và đồng ý gắn kết tình nghĩa vợ chồng như trước. Từ đó đến nay gần 1 năm trôi qua, cuộc sống đầm ấm của vợ chồng chị H. đã trở về bên gia đình họ.

                
Tuyến đường giao thông nông thôn với mô    hình “Ánh sáng an ninh”.

Chuyện của vợ chồng chị H. chỉ là một trong rất nhiều những mâu thuẫn đã xảy ra tại khu phố Lâm Hòa trong nhiều năm qua. Nhưng nhờ sự tận tâm của ông Tỉnh mà những mâu thuẫn ấy đều được hóa giải, nhiều gia đình tiếp tục cuộc sống ấm êm, hạnh phúc. Tôi băn khoăn vì sao một người không học luật, cũng chẳng phải là giáo viên lại có khả năng thuyết phục, giảng giải để hàn gắn biết bao gia đình có nguy cơ tan vỡ, nhiều xích mích khó làm hòa? Ông Tỉnh cho biết: “Tôi là người đứng giữa những vụ tranh chấp, đánh nhau, ly hôn, tôi phải tỉnh táo. Hơn thế nữa, chỉ nhiệt tình thôi chưa đủ mà phải hiểu biết pháp luật. Bởi thế, tôi phải tìm đọc để bồi dưỡng cho mình kiến thức. Có vậy nói người dân mới nghe, công việc hòa giải mới hiệu quả”. Thật vậy, trong Nhà văn hóa khu phố Lâm Hòa có nhiều sách luật, sách tham khảo, đó là “công cụ” nghiên cứu giúp ông Tỉnh có thêm kiến thức phục vụ công tác hòa giải và nhiều công việc khác tại khu phố. Mặt khác, để hòa giải thành công, ông Tỉnh luôn nghĩ: “Muốn mọi người đồng lòng, thuyết phục được người khác không làm sai thì trước hết bản thân, gia đình mình phải gương mẫu. Như vậy lời nói, hành động của mình mới có giá trị”.

Khi được hỏi về những đóng góp của mình, ông Tỉnh luôn khiêm tốn chia sẻ: “Những việc làm nhỏ bé của tôi xuất phát từ tấm lòng đối với bà con trong cuộc sống đời thường. Tôi làm không phải để được khen”. Được biết, ông Tỉnh đạt khá nhiều thành tích trong công tác. Mới đây nhất vào tháng 10/2018, ông vinh dự nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh và nhiều khen thưởng của huyện, thị trấn. Song với ông, nguồn động viên lớn nhất là sự quý mến của bà con và nhiều gia đình, dòng họ được bình yên, khu phố đoàn kết, làm ăn khá giả.

Thu Hà



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện ông Tỉnh