Theo dõi trên

Cô Năm Liên

13/09/2018, 08:36

BT- Vào dịp kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945 - 2018) Bình Thuận đã có 295 đảng viên cao tuổi Đảng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ký quyết định tặng Huy hiệu Đảng. Trong dịp dự lễ trao Huy hiệu Đảng tại phường Bình Hưng (Phan Thiết), người tôi khá ấn tượng đó là cô Vũ Thị Ngọc Liên bởi phong cách cũng như nghe, biết nhiều việc làm có ý nghĩa của cô khi được nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng…

                
Nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

 Hết lòng vì công việc

Ở cái tuổi 73 nhưng nom cô còn trẻ, khỏe lắm với dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn. Tiếp xúc với cô người ta dễ nhận thấy sự nhiệt tình, hết lòng vì mọi người, ai cần gì cũng giúp tới nơi tới chốn. Tham gia cách mạng từ năm 1962 đến năm 1965 thoát ly lên chiến khu. Hòa bình lập lại trở về với đời thường, từng làm lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Liên đoàn Lao động Bình Thuận, hiện cô đang làm Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) Bình Thuận. Bất kỳ cương vị nào cô đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó. Ở cương vị hiện tại, đồng đội biết đến cô Vũ Thị Ngọc Liên với cái tên thân mật là “Năm Liên”, nhiệt tình, thân thiện, chịu khó, năng động.

Làm Chủ tịch Hội nhưng cô lo đủ mọi chuyện từ nhỏ đến lớn đều chỉ đạo làm rất gọn lẹ, chặt chẽ. Khi có bất cứ việc gì, cô bàn với chị Lê Thị An Ninh cũng là Phó Chủ tịch tỉnh Hội triển khai luôn xuống cơ sở. Có những việc không chỉ chỉ đạo triển khai cô còn lăn lộn với cơ sở, kiểm tra chặt chẽ. Còn nhớ có lần xuống kiểm tra hộ làm kinh tế giỏi ở Đức Linh, đường ra đồng thì xấu, ổ voi, ổ trâu lầy lội, cô ngồi sau gọn gàng trên chiếc xe hon đa nghiêng qua đảo lại vì lách đường, khiến chúng tôi chạy theo sau thót cả tim vì sợ cô té. Vậy mà đến nơi cô cười hiền lành: “Người ta đi được thì mình cũng đi được có sao đâu”. Anh hội viên ở tuốt trong vùng núi xa thấy Chủ tịch Hội Cựu TNXP đến tận trang trại mình thăm thì mừng lắm, vì “không ngờ chị ấy quan tâm như vậy, thấy được động viên rất nhiều”. Với chức năng, vai trò của Hội Cựu TNXP, cô luôn quan tâm đến đời sống tinh thần, vật chất của các hội viên. Từng thấy cô trăn trở khi xem các hồ sơ của hội viên nghèo chưa có nhà ở hay nhà ở dột nát, cô tìm mọi cách với những mối quan hệ thân quen, uy tín để xin tài trợ xây nhà “Nghĩa tình đồng đội”.

Từ khi thành lập Hội đến nay mình cô xin xây dựng được 174 căn nhà, là một đóng góp không nhỏ trong phong trào xây dựng nhà tình nghĩa của Hội nói riêng và của tỉnh nói chung. Thấy Hội không có quỹ cho hội viên làm vốn vay phát triển kinh tế, cô làm việc với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNN cho mượn hàng trăm triệu đồng không lãi để giúp cho các hội viên làm kinh tế thoát nghèo. Thấy các hội viên đa số đều tuổi cao sức yếu, bệnh tật cô đã liên hệ với bạn bè, đồng đội cũ, các nhà tài trợ vận động, cùng hội cơ sở tổ chức hàng chục chuyến khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho hàng ngàn lượt hội viên, cũng như người nghèo ở địa phương nơi có đoàn đến khám…

                
Thăm Mẹ Việt Nam anh hùng.

Vì nghĩa tình đồng đội

Tiếp xúc nhiều lần với cô mới thấy luôn đau đáu trong lòng cô là tấm lòng, trách nhiệm với đồng đội, không chỉ với đồng đội hiện tại mà cả người đã mất. Hàng chục lần lội suối, băng rừng ở khắp nơi cùng các đồng đội để tìm bốc 19 hài cốt liệt sĩ về quê hương mới thấy hết tình nghĩa của cô. Có lần đi tận Bình Phước, phải leo lên ngọn đồi rất cao là khu căn cứ kháng chiến ngày xưa, đường rừng trơn trượt lại hẹp, men theo con suối, ai cũng sợ cô đi không nổi, vậy mà bẻ một cây gậy chống cô thoăn thoắt đi: “Ngày xưa trong rừng cũng đi thế này là bình thường”. Khi tìm thấy mộ đồng đội, lúc mọi người làm lễ để bốc các mảnh xương còn sót lại, cô cùng người thân và các đồng đội cũ đều khóc vì mừng, vì thương… Ai cũng bảo nếu không có cái tình, cái nghĩa với đồng đội thì không thể chịu khó, chịu khổ lặn lội đi tìm đồng đội như vậy. Còn cô thì chỉ cười: “Cựu TNXP ai cũng có cái tình đồng đội như vậy hết, nghĩ cảnh bao liệt sĩ hy sinh vì đất nước giờ họ phải nằm lại trong rừng, trong núi cô quạnh, không có người thân thắp nén nhang an ủi, mình sao nỡ lòng”.

Đi tìm mộ liệt sĩ còn có sự giúp đỡ, động viên của nhiều đồng đội, nhiều địa phương nên tiếp thêm tinh thần. Nghĩa tình còn ở chỗ làm các hồ sơ cho hội viên nhận các chế độ rất cẩn thận, luôn chỉ đạo các hội cơ sở làm chế độ cho hội viên, cố gắng không để sót ai, mỗi lần các hội viên có quyết định nhận là mỗi lần cô thấy niềm vui nhân hai. “Các anh chị bỏ cả tuổi xuân ra cống hiến, giờ mình phải bảo vệ để được hưởng chế độ do Nhà nước ban hành chứ”. Mỗi dịp lễ, tết lại thấy cô chỉ đạo làm văn bản, điện thoại chỗ này chỗ kia để xin quà tặng cho các gia đình liệt sĩ TNXP, các hội viên nghèo. “Mình chỉ muốn chia sẻ, động viên đồng đội trong những ngày này những phần quà nhỏ, góp phần làm cái tết ấm áp hơn”- cô chia sẻ…

Chính từ những việc làm có nhiều ý nghĩa đó mà Hội Cựu TNXP Bình Thuận nhiều năm liền luôn là một trong những lá cờ đầu của phong trào cựu TNXP, riêng cô “Năm Liên” từng nhận bằng khen từ Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, đại biểu tiêu biểu của Bình Thuận dự hội nghị người có công, 3 lần đón nhận Huân chương Lao động hạng 3, 65 huân huy chương, huy hiệu bằng khen, giấy khen các loại… Hỏi vì sao mà cô làm được nhiều việc như thế, cô chỉ cười: “Mình là đảng viên, chỉ suy nghĩ sống học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhất là Bác dạy phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư thì làm việc gì cũng thấy thoải mái cả”…

    
     “Theo   dõi, chỉ đạo phong trào cựu TNXP Bình Thuận, tiếp xúc nhiều lần với cô   Năm Liên, tôi thấy cô ấy là phụ nữ mà rất quyết đoán, có trách nhiệm   trong công việc. Thẳng thắn, trung thực, dám đấu tranh đến cùng vì những   điều chưa đúng mang tính xây dựng, hết mình vì đồng đội. Có ý thức tổ   chức rất cao, có tinh thần vì đồng đội. Phải nói cô ấy mang đúng cái   chất của người đảng viên cộng sản luôn”- ông Trần Văn Mãnh, Phó Chủ tịch   Hội Cựu TNXP Việt Nam.

Vũ Hà



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cô Năm Liên