Theo dõi trên

Còn bất an với an toàn thực phẩm

21/08/2018, 10:18

BT- An toàn thực phẩm (ATTP) là một trong những quan ngại hiện được xã hội quan tâm đặt lên hàng đầu, bởi nếu không đảm bảo chắc chắn ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của con người.

                
      
   Công tác thanh kiểm tra về đảm bảo ATTP sẽ    tiếp tục được tăng cường trên địa bàn Bình Thuận.

Nhiều chuyển biến…

Kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP trong sản xuất, kinh doanh tại Bình Thuận giai đoạn từ đầu năm 2017 đến nay đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt với rau củ quả trên địa bàn, ngoài diện tích thanh long áp dụng quy trình sản xuất “sạch” không ngừng tăng lên ở ngưỡng 10.000 ha thì diện tích vùng trồng rau tập trung được chứng nhận VietGAP/sản xuất rau an toàn hiện cũng có hơn 72 ha (tăng 27,4 ha so thời điểm năm 2016). Theo thống kê, đến nay trên địa bàn Bình Thuận có hơn 100 cơ sở tham gia thu mua, sơ chế thủy sản tươi sống với 100% đã được kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Riêng hoạt động nuôi trồng thủy sản với gần 760 cơ sở cũng chuyển dần theo hướng công nghiệp, chú trọng triển khai các biện pháp quản lý chất lượng giống thủy sản, tăng cường kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh…

Liên quan đến ATTP, cùng thời gian các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm dịch hơn 7 triệu con gia súc - gia cầm các loại, gần 20 triệu quả trứng gia cầm và số lượng lớn da bò, thịt dê. Cùng với đó còn thực hiện đóng dấu kiểm soát giết mổ xấp xỉ 160.000 con gia súc - gia cầm, phúc kiểm hàng chục ngàn kg thịt gia cầm được chăn nuôi trong lẫn ngoài tỉnh nhập vào Bình Thuận để tiêu thụ. Cũng trên lĩnh vực thú y, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản bước đầu cấp phát 10 thùng chở thịt đảm bảo vệ sinh ATTP cho cơ sở giết mổ, cơ sở kinh doanh thịt trong tỉnh và dự kiến đến hết năm 2018 sẽ tiếp tục cấp phát 13 thùng chở thịt nữa.

Đáng chú ý trong gần 20 tháng qua (tính từ đầu năm 2017), tại địa phương đã có khoảng 1.325 lượt cơ sở được kiểm tra điều kiện bảo đảm ATTP về lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản có nguồn gốc động vật là 181 lượt, cơ sở sản xuất kinh doanh có nguồn gốc thực vật với 215 lượt và cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản là 929 lượt. Kết quả cho thấy: Tỷ lệ cơ sở đạt điều kiện bảo đảm ATTP trên tổng số cơ sở được kiểm tra chiếm gần 98%, đối với trường hợp không đạt giảm đã 23 cơ sở so năm 2016… 

Nhưng còn bất an

Xét tổng thể, việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP trong sản xuất, kinh doanh tại Bình Thuận trong thời gian gần đây với những chuyển biến tích cực đã phần nào tạo lòng tin cho mọi người. Tuy nhiên qua tăng cường thanh kiểm tra, lực lượng chức năng vẫn phát hiện những trường hợp vi phạm liên quan đến vấn đề này, trong đó có 2 cơ sở thu mua sơ chế đóng gói thanh long sử dụng chất bảo quản không rõ nguồn gốc xuất xứ. Còn qua kiểm nghiệm 36 mẫu rau thì có 5 mẫu nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, ngoài ra một số phương tiện vận chuyển thịt gia súc - gia cầm từ nơi giết mổ đến nơi tiêu thụ cũng chưa đảm bảo điều kiện bảo quản…

Quan ngại hơn, từ công tác thanh tra cho thấy tại địa phương vẫn còn xảy ra trình trạng sử dụng hóa chất độc hại, không rõ nguồn gốc, nằm ngoài danh mục hoặc sử dụng hàm lượng quá mức quy định trong sản phẩm nông lâm thủy sản. Qua đó đơn vị chức năng đã tịch thu và xử lý hơn 1.890 kg và 5 bao đựng hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ, gần 24 kg bột thạch cao không có hạn sử dụng, hơn 5 kg chất tẩy trắng, 12 lít dung dịch màu trắng tại cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến nông sản thủy sản… Mới đây, hoạt động tái giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP do đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận tiến hành ở địa bàn TP. Phan Thiết, thị xã La Gi và huyện Hàm Thuận Bắc cũng vừa có kết quả lấy mẫu. Trong số 17 mẫu từ rau củ quả, thịt gia súc, cá, măng chua, giá đỗ đến thực phẩm chế biến như chả cá hấp, chả lụa, nước uống đóng chai… tiếp tục phát hiện một số mẫu “bất an” với ATTP.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Cảnh - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận yêu cầu phải công khai trên báo đài những trường hợp vi phạm ATTP… Thiết nghĩ đó cũng chính là hình thức xử lý nghiêm khắc nhất để người tiêu dùng biết tránh xa những thực phẩm không an toàn, còn với cơ sở, cá nhân vi phạm nên nhìn lại mình, đừng vì lợi nhuận mà quên đi sức khỏe, tính mạng cộng đồng.

    
  

  Các mẫu phát   hiện trong đợt tái giám sát ATTP năm 2018

      Trong số 17 mẫu thu thập, kết quả kiểm nghiệm cho thấy có 4 mẫu phát   hiện một số chất không được phép sử dụng trong thực phẩm. Cụ thể: Mẫu   thịt heo của cơ sở Đỗ Thị Thủy - chợ Ma Lâm, Hàm Thuận Bắc phát hiện   Salmonella (theo QCVN 8-3: 2012/BYT, Salmonella không được phép có trong   thịt); măng chua của hộ bà Trương Thị Hiền, đường Lý Thường Kiệt - TP.   Phan Thiết, phát hiện chất Natrisulfit 2607 mg/kg (theo 02/VBHN-BYT,   GHTĐCP 500 mg/kg); cải chua của cơ sở bà Ngô Thị Tuyết - chợ Phan Thiết,   phát hiện Auramine O (6145 µg/kg) là chất cấm sử dụng trong thực phẩm;   chả lụa của cơ sở Nguyễn Yên tại KP.10 - Phước Hội, thị xã  La Gi, phát   hiện Benzoate  (1927 mg/kg) mà theo 02/VBHN-BYT, Benzoate không được   phép sử dụng trong chế biến giò chả. Riêng Cơ sở sản xuất nước uống đóng   chai VinaSun 2 tại Bình Tân, thị xã La Gi thì có Coliforms E.coli   Pseudomonas aeruginosa không phù hợp theo QCVN…

Đ.QUỐC



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Còn bất an với an toàn thực phẩm