Theo dõi trên

Công khai kiểm soát thủ tục hành chính

03/04/2019, 09:22

BT- Cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia về  thể chế, tổ chức bộ máy, thủ tục hành chính (TTHC) được Đảng, Nhà nước ta xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược từ nay đến năm 2020. Đây chính là bước tạo đà nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng.

                
Trung tâm Hành chính công tỉnh. Ảnh: Đ.H

Trong cải cách hành chính thì không thể không nhắc đến nội dung kiểm soát thủ tục hành chính (KSTTHC) nhằm nâng cao chất lượng quản trị công. TTHC do con người đặt ra, do đó khi ban hành cũng dễ bị thiếu sót, vì vậy, KSTTHC là cần thiết để nâng cao tính minh bạch, giảm thiểu độ rủi ro đối với nhà đầu tư, ngăn chặn tham nhũng và giảm các chi phí giao dịch cho doanh nghiệp.

Trong công tác cải cách hành chính, việc đơn giản hóa TTHC được Chính phủ xác định đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Công tác KSTTHC nhằm đảm bảo thực hiện có hiệu quả mục tiêu cải cách TTHC, bảo đảm điều phối, huy động sự tham gia tích cực, rộng rãi của tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân vào quá trình KSTTHC.

KSTTHC là việc xem xét, đánh giá, theo dõi nhằm bảo đảm tính khả thi của quy định về TTHC, đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện TTHC, nhằm kịp thời phát hiện để loại bỏ hoặc chỉnh sửa TTHC không phù hợp, phức tạp, phiền hà; bổ sung TTHC cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tế; bảo đảm quy định TTHC đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của người dân, doanh nghiệp và cơ quan thực hiện TTHC.

Tại Bình Thuận, việc KSTTHC được UBND tỉnh chỉ đạo khá quyết liệt từ nhiều năm nay với các sở, ngành, đơn vị. Trong đó, việc công bố danh mục, công khai TTHC đối với từng lĩnh vực cụ thể đều được triển khai, thực hiện rộng rãi ở từng cấp. Chỉ tính riêng trong quý 1/2019, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 7 quyết định công bố danh mục TTHC của 7 sở, ngành với tổng số 150 TTHC gồm: công bố mới 12, sửa đổi, bổ sung 111 và bãi bỏ 27. Ngoài ra, tỉnh ta đã cập nhật đầy đủ các TTHC vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, nâng tổng số đã cập nhật công khai 2.038 TTHC. Về  việc tiếp nhận, giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đã giải quyết 160.213/167.951 hồ sơ, đạt tỷ lệ 95,3%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết quá hạn chỉ chiếm 1,83% trên tổng số hồ sơ tiếp nhận. Đáng chú ý, số hồ sơ giải quyết quá hạn đa phần nằm ở cấp huyện và xã liên quan đến đất đai, môi trường, lao động, y tế, công thương mà nguyên nhân được xác định là do việc phối hợp chưa tốt giữa các đơn vị trong quá trình thực hiện liên thông.

Đáng mừng hơn là việc phản ánh, kiến nghị về TTHC trong quý 1/2019 không có nhưng đã xuất hiện những khó khăn vượt tầm giải quyết của tỉnh đã xảy ra trên thực tế. Đơn cử như thủ tục “Xét, duyệt chính sách hỗ trợ đối với học sinh THPT là người dân tộc thiểu số” theo Quyết định 4863/2018 của Bộ GD & ĐT, rồi thủ tục “Lập, phê duyệt kế hoạch thực hiện chương trình, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn đối ứng hàng năm” theo Quyết định 1573/2018 của Bộ KH - ĐT… Dù đã ban hành quyết định thực hiện về TTHC nhưng cả hai đều không quy định thời gian giải quyết nên các bộ phận tiếp nhận thực sự lúng túng, bị động và cũng không thể xây dựng quy trình nội bộ, quy trình điện tử như hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ. Trong khi đó, một số bộ, ngành chưa cập nhật kịp thời các quyết định về TTHC và các nội dung chi tiết của TTHC lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia nên tỉnh không thể công bố, niêm yết, khai thác được.

Để chấn chỉnh những thiếu sót, bất cập đó thiết nghĩ các bộ, ngành cần sớm cập nhật, liên thông kịp thời các quyết định đã công bố vào cơ sở dữ liệu quốc gia. Khi xây dựng TTHC cần quy định rõ thời gian giải quyết, hướng dẫn cụ thể cho các địa phương thực hiện và hoàn chỉnh phần mềm quản lý đánh giá việc KSTTHC, tạo sự đồng bộ, thống nhất chung trong quá trình sử dụng.  

Như Nguyễn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công khai kiểm soát thủ tục hành chính